(LĐO) - Gio An, một xã ở phía Tây huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) là miền quê may mắn được thừa hưởng hệ thống công trình kiến trúc khai thác nguồn nước ngầm rất độc đáo của người Chăm Pa xưa với hơn 30 giếng cổ khác nhau mà người dân địa phương quen gọi là “giếng cổ Gio An”.

Giếng cổ độc đáo và quý hiếm

Hệ thống giếng cổ Gio An được phân bố chủ yếu ở các thôn: An Hướng, An Nha, Long Sơn, Hảo Sơn và Tân Văn. Trong đó, có 14 giếng tiêu biểu được gọi bằng những cái tên rất đỗi chân quê, mộc mạc như: Giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào, giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy, Giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai, giếng Máng và giếng Pheo.

< Du khách say sưa nghe hướng dẫn viên thuyết minh về giếng cổ Gio An.
Dulichgo
Những giếng khác được dân gian gọi tên theo chức năng của chúng, ví dụ như: Giếng Bò (dùng cho bò uống), giếng Múc (dùng gàu, xô để múc nước), giếng Nam (chỉ dành riêng cho nam giới), giếng Nữ (chỉ dành riêng cho nữ giới), giếng Son (chỉ dành riêng cho những cô gái còn son, chưa có chồng)…

Bằng những công trình nghiên cứu và chứng cứ của mình, các nhà khoa học xác định rằng, hệ thống giếng cổ ở Gio An được người Chăm Pa xây dựng vào cuối thời đại đồ đá, cách đây khoảng 5.000 năm.

< Từ bao đời nay, giếng Ông không ngừng cung cấp nguồn nước quý giá cho người dân Gio An.
Dulichgo
Hệ thống giếng cổ này cơ bản được chia thành 3 loại: Giếng được xây dựng dựa trên mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và nguồn nước cần khai thác. Mỗi loại giếng mang một nét độc đáo riêng, song tất cả chúng đều có chung một đặc điểm:

Trong suốt hàng ngàn năm qua, nguồn nước vẫn luôn trong mát và chưa bao giờ cạn, được dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng.

< Nước giếng cổ Gio An trong veo, tinh khiết.

Với trình độ văn minh khá cao, từ thời xa xưa người Chăm Pa đã tìm ra và biết cách khai thác mạch nước ngầm vô cùng quý hiếm, đặc biệt là ở một nơi có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nắng lửa gió Lào như Quảng Trị.
Dulichgo
Theo đó, hệ thống “dẫn thủy nhập điền” ở xã Gio An, biểu trưng sâu sắc cho nền văn hóa Chăm Pa vốn rất phong phú và đa dạng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001 và đang được xem xét đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là “Di sản Lịch sử - Văn hóa thế giới”.

< Không chỉ cung cấp nguồn nước quý giá, giếng Bà còn có một khung cảnh tuyệt đẹp.

Đặc sản rau liệt “tuyệt đối sạch”

Nhờ có nguồn nước ngầm mát lành từ giếng cổ mà người dân xã Gio An đã trồng được loại rau liệt đặc sản nức tiếng khắp trong huyện, ngoài tỉnh về độ sạch.

Rau liệt (còn có tên phổ thông là rau xà lách xoong) chỉ bám nhẹ trên đá, chất dinh dưỡng chủ yếu lấy từ nguồn nước chảy tự nhiên, không chịu sống chung với bùn đất hay nước bẩn. Loại rau “sợ bẩn” này không cần phân bón, không dùng thuốc trừ sâu và cũng không tốn công chăm sóc.

< Giếng xây dựng dựa trên độ chênh lệch của sườn đồi.
Dulichgo
Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây rau liệt Gio An mang lại, nhiều người ngoài vùng đã mua giống đưa về trồng, cũng bơm nước giếng vào đồng ruộng nhưng lạ lùng thay, loại “dị thảo” này trở nên cằn cỗi, héo úa rồi chết dần chết mòn.

“Ngoài vùng đất Gio An thì không có một nơi nào ở Quảng Trị có thể trồng được loại rau “tuyệt đối sạch” này”, một người dân địa phương khẳng định.

< Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mạch nước ngầm giếng cổ Gio An vẫn ngày đêm tuôn chảy.

Từ nguồn nguyên liệu rau liệt đặc sản, người Gio An đã khéo léo chế biến thành những món ăn khoái khẩu mà nhất định bạn nên thử một lần trong đời, trong đó có những món “bao ngon” như: Rau liệt xào thịt bò, rau liệt sốt thịt bò, rau liệt trộn thịt bò, rau liệt trộn trứng gà, rau liệt trộn bánh lọc, salad rau liệt dâu tây, salad rau liệt ngũ sắc, canh rau liệt nấu tôm tươi, rau liệt luộc chấm với ruốc, rau liệt xào tỏi.

< Rau liệt trồng ở Gio An.

Vì thế, người Quảng Trị rỉ tai nhau rằng: “Muốn ăn chắt chắt thì về Mai Xá, muốn ăn tôm cá thì xuống Cửa Việt, muốn ăn rau liệt thì lên Gio An”.
Dulichgo
Bên cạnh sản phẩm Du lịch vùng phi quân sự (tour DMZ) độc đáo và nổi tiếng, Gio An là một điểm đến vô cùng hấp dẫn khác ở Quảng Trị, hối thúc, mời gọi các nhà khoa học, các nhà sử học, cũng như du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và khám phá.

Theo Người Làng Mai (Lao Động)
Du lịch, GO!

Quảng Trị khôi phục giếng cổ 2.000 năm
Độc đáo hệ thống khai thác nước cổ ở Gio An