(BQN) - Có dịp lên Bình Liêu trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), bạn sẽ được thưởng thức món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày lễ này ở Bình Liêu đó là bánh gio. Với những du khách nếu đã thưởng thức qua món bánh này thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được hương vị dịu ngọt, thanh mát của bánh gio chấm với mật ong với mùi thơm đặc trưng của lá bông chít.

Theo lý giải của các cụ cao niên ở Bình Liêu, sở dĩ gọi là bánh gio vì nước để ngâm gạo làm bánh được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của một số loại cây có tính mát, đặc trưng ở Bình Liêu. Trong đông y bánh gio vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp với trường hợp già yếu, trẻ em, những người có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư), trường hợp dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan Ngọ (đoan dương - chính dương) thường gây ôn dịch thương âm.

Bánh gio không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan Ngọ, mà còn cả thời gian sau đó. Do có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút), sỏi thận... do đó, trong ngày Tết Đoan Ngọ người dân Bình Liêu thường ăn bánh gio như một loại thuốc để diệt trừ bệnh tật.
Dulichgo
Nguyên liệu chính để làm nên những chiếc bánh gio thanh mát, thơm nồng là những sản vật sẵn có của địa phương như gạo nếp bản, lá bông chít, gio được đốt từ các loại cây mọc ở bờ suối hoặc trên núi... Tuy nhiên, để có được một mẻ bánh gio thơm, ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất bởi đó chính là yếu tố quyết định đến chất lượng của chiếc bánh.

Trước tiên, phải chọn loại gạo nếp chuẩn, hạt mẩy, tròn không lẫn gạo tẻ, đãi sạch, không sạn. Sau đó, các loại cây rừng như tắp tắng, mạy cạy được chặt phơi khô rồi đốt. Tro của các loại cây kể trên sẽ được đun sôi với nước, để nguội, phần nước trong được dùng để ngâm gạo nếp nhằm tạo màu vàng hổ phách. Gạo được ngâm qua đêm được vớt lên, rửa qua nước để bớt mùi hăng nồng của tro rồi để ráo nước. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên hương vị thanh mát của bánh. Khi gói bánh cần phải khéo léo cho gạo vào chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và buộc bánh sao cho thật khít, thật đều và cân đối.

Đặc biệt, khi buộc bánh không được buộc chặt tay quá để khi luộc hạt gạo có thể nở, chín đều. Bánh được luộc trong khoảng 12 giờ đồng hồ, khi bánh đã rền thì vớt ra ngoài để nguội. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới bóc ra, khi ta bóc hết lớp lá chít chiếc bánh có màu vàng hổ phách.
Dulichgo
Khi ăn bánh, cảm nhận đầu tiên là vị hơi nồng mà thanh mát, rồi đến vị ngọt của mật ong quyện cùng vị dẻo của gạo nếp. Mặc dù làm bằng gạo nếp nhưng bánh gio có thể ăn no mà không thấy ngán.

Ngày nay, bánh gio không chỉ được làm về ăn trong mỗi gia đình, mà còn được bày bán tại chợ trung tâm huyện với giá 35 đến 40.000 đồng/chiếc cho những ai có nhu cầu mua làm quà hoặc không có thời gian gói bánh.
Dulichgo
Bánh gio là loại bánh giản dị, nhưng đậm chất dân tộc mang hương vị quê hương của người dân Bình Liêu. Trong dịp Tết Đoan Ngọ, người dân Bình Liêu vẫn giữ gìn được các phong tục đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có việc làm những chiếc bánh gio theo phương pháp truyền thống, như một lời khẳng định với tiền nhân về ý thức gìn giữ mọi sự đa dạng đặc sắc văn hóa của dân tộc. Nếu có dịp lên Bình Liêu, hãy ghé đến thăm và thưởng thức món bánh gio truyền thống chấm với mật ong để cảm nhận được cái hay và sự tinh túy trong mỗi chiếc bánh.

Theo La Lành (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!