(Zing) - Phụ nữ du lịch một mình tăng vọt những năm gần đây và đây dường như trở thành trào lưu khắp thế giới nhờ ảnh hưởng của mạng xã hội. Tuy nhiên, sau những hào nhoáng trên Instagram và những ca tụng hoa mỹ là nhiều câu chuyện thương tâm.

Carla Stefaniak "không làm gì sai", người bạn thân nhất của cô ngậm ngùi kể lại.

Trong kỳ nghỉ 5 ngày tới Costa Rica tháng 11/2018 để kỷ niệm sinh nhật thứ 36, Stefaniak, công dân có hai quốc tịch Mỹ và Venezuela, thuê phòng tại một biệt thự có bảo vệ canh gác và ở gần sân bay. Đây là khu vực dân cư an toàn. Và cô cũng về phòng trước khi trời tối.

Đêm trước khi đáp chuyến bay tới Florida, Stefaniak gọi video với người bạn thân nhất của mình, Laura Jaime. Cô khoe với Jaime đôi hoa tai mới mua ở khu chợ địa phương và cho người bạn thân nhìn ngắm ngôi biệt thự cô đang ở qua video. Hai cô gái lên kế hoạch gặp nhau vào ngày hôm sau, khi Jaime đến đón Stefaniak tại sân bay quốc tế Fort Lauderdale-Hollywood.

Nhưng Stefaniak đã không bao giờ có thể lên chuyến bay về nhà ngày 28/11 đó.
Dulichgo
Suốt cuộc gọi video với Jaime, Stefaniak dường như nhận ra điềm báo kỳ lạ. Cô nói mọi thứ có vẻ hơi "mơ hồ", nhưng không miêu tả chi tiết.

"Carla biết vào lúc 20h20 tối hôm ấy có chuyện chẳng lành. Đôi khi bạn nghi ngờ trực giác của mình. Nhưng khi có gì đó xuất hiện và cơ thể bạn nói rằng có chuyện không ổn, bạn phải lắng nghe nó", Jaime nói với New York Times.

Một tuần sau, thi thể đầy vết tích bị hành hung của Stefaniak được phát hiện trong túi nylon bọc kín, chôn vùi sơ sài ở khu rừng gần ngôi biệt thự cô nghỉ lại. Cảnh sát Costa Rica đã bắt giữ nhân viên bảo vệ do liên quan đến vụ giết người.

1/ Những con số biết nói

Gần đây, công chúng bắt đầu đặt câu hỏi về tình trạng bạo lực xảy đến với phụ nữ đi du lịch một mình, dấy lên nhiều quan điểm trái chiều về những nữ phượt thủ đơn độc và cách mạng xã hội truyền bá sức hấp dẫn của hình thức du lịch này. Vấn đề về bạo lực giới cũng được nhìn nhận lại, cho thấy sự khác biệt giữa kỳ vọng của du khách nước ngoài với quan điểm địa phương về vị thế của phái nữ khi đi một mình.

Hàng nghìn phụ nữ vẫn du lịch nước ngoài mỗi năm an toàn. Nhưng cũng có rất nhiều phụ nữ bị chọc ghẹo và trải qua vô số dạng quấy rối khác. Phụ nữ da màu thậm chí còn bị phớt lờ khi ở nước ngoài vì lý do phân biệt chủng tộc.

Tháng 12/2018, thi thể với nhiều vết thương do dao đâm của Louisa Vesterager Jespersen, 24 tuổi, người Đan Mạch, và Maren Ueland, 28 tuổi, người Na Uy, được phát hiện ở dãy núi High Atlas, Morocco. Các quan chức Đan Mạch gọi vụ giết người là hành động khủng bố.
Dulichgo
Cùng tháng đó, Briton Grace Millane biến mất ở Auckland, New Zealand, ngay trước ngày sinh nhật lần thứ 22. Vài ngày sau, cảnh sát phát hiện cô bị giết. Năm 2015, một nữ phượt thủ người Anh 19 tuổi bị nhóm người chạy xe đạp ở Thái Lan hãm hiếp. Tháng 3 vừa qua, một người đàn ông Australia bị kết án bắt cóc và cưỡng hiếp nữ du khách người Bỉ sau khi nhốt cô vào chuồng lợn trong hai ngày.

Các chuyên gia cho rằng rõ ràng phụ nữ phải đối mặt với những nguy hiểm đặc biệt khi đi du lịch một mình.

"Chúng tôi có bằng chứng cho thấy phụ nữ phải đối mặt với những rủi ro khác với đàn ông khi ở nơi công cộng, ở nhà, hoặc bất cứ nơi nào khác", bao gồm cả ở nước ngoài, Phumzile Mlambo-Ngcuka, giám đốc điều hành cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), nói.

Tuy nhiên, bà nói bạo lực đối với nữ du khách chỉ là một trong vô vàn mối đe dọa phụ nữ trên khắp thế giới. Các trường hợp bạo lực cũng dễ dàng xảy ra tại các quốc gia phương Tây giàu có như Pháp, Italy và Đức, không khác gì tại những nước đang phát triển. "Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ có liên quan mật thiết đến định kiến giới, chuẩn mực xã hội, quyền và tư cách xử sự cũng như tính gia trưởng", bà Mlambo-Ngcuka nói thêm.

Theo nghiên cứu của ngành du lịch, nữ giới đi du lịch một mình ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Hostelworld, nền tảng đặt khách sạn và nhà nghỉ trực tuyến, cho biết từ năm 2015-2017, số lượng nữ du khách đi du lịch một mình tăng 45%. Con số này đối với nam giới chỉ là 40%.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng bạo lực đối với nữ du khách không được phản ánh đúng mức, khiến phụ nữ hoang mang không xác định được liệu có thật là các trường hợp bạo lực đang gia tăng, hay chỉ do công chúng ngày càng chú ý nhiều hơn về vấn đề này.

Lý do rất đơn giản: Hầu hết quốc gia đều không theo dõi sát tình trạng bạo lực đối với nữ du khách.

Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc thường thu thập dữ liệu chung về bạo lực giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra khuyến cáo cho nữ giới nhưng không chỉ rõ số liệu về tình trạng bạo lực đối với du khách theo giới tính. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết kể từ năm 2016, cơ quan này không còn biên soạn báo cáo Hỗ trợ người Anh tại nước ngoài. Cũng kể từ năm 2010, số trường hợp người Anh bị tấn công tình dục ở nước ngoài tăng 4%.

Các chuyên gia cho rằng những con số và các nghiên cứu nói trên có nhiều thiếu sót.

Bà Mlambo-Ngcuka nói các quốc gia không muốn thu thập và công khai những thông tin có khả năng làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế. "Nhiều nước không coi trọng dữ liệu loại này, vì vậy chúng ta không thể theo dõi tình hình ở mức độ tổng quát hoặc mô hình hóa", bà Mlambo-Ngcuka nhận định.
Dulichgo
2/ Sức hấp dẫn của độc hành

Từ xa xưa, phụ nữ luôn được coi là tò mò và là những nhà thám hiểm tuyệt vời. Giờ đây, việc nữ giới ngày càng được trao quyền nhiều hơn đồng nghĩa với việc họ có nhiều cơ hội để đi du lịch và khám phá. Thái độ của công chúng phương Tây thay đổi cũng góp phần gia tăng số phượt thủ trong những năm qua.

"Từng được coi là mạo hiểm đối với phái nữ, nhưng do thái độ của mọi người thay đổi nên giờ du lịch một mình được nhìn nhận như trải nghiệm lý thú mang tính phiêu lưu, cho phép phượt thủ độc hành cảm thấy tự do hơn khi không phải lo lắng hay làm vừa lòng ai", Hostelworld chia sẻ.

Trong nghiên cứu với hơn 60.000 khách du lịch Anh, công ty 101 Singles holiday cho biết so với năm 2016, số người đăng ký mua tour du lịch một người tăng 14% trong năm 2017. Các công ty lữ hành dự đoán con số này sẽ tăng 11% nữa vào năm 2018, trong đó số du khách nữ chiếm phần nhiều so với nam giới.

Cuộc khảo sát toàn cầu năm 2018 của hãng hàng không British Airways với 9.000 phụ nữ cho thấy hơn 50% từng du lịch một mình, và 75% trong số họ có kế hoạch du lịch một mình trong vài năm tới. Theo Google, từ khóa ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua là "nữ giới du lịch một mình", dấu hiệu đặc biệt cho thấy phụ nữ ngày càng quan tâm đến hình thức này.

Mạng xã hội còn đóng vai trò lớn hơn thế bằng cách lan tỏa sức hấp dẫn của những vùng đất xa xôi. Chỉ cần lướt qua một vòng mạng xã hội hình ảnh Instagram, có thể dễ dàng nhận ra mức độ phổ biến của những từ khóa như #LadiesGoneGlobal (quý bà đi muôn nơi), #WeAreTravelGirls và #TheTravelWomen (những người phụ nữ đi du lịch) trong chú thích hàng triệu bức ảnh nữ du khách thả dáng trên bãi biển hay leo núi.
Dulichgo
Tuy nhiên, với một số phụ nữ như Hannah Gavios, 26 tuổi người Mỹ, du lịch một mình còn là niềm đam mê. Gavios nhận ra điều này khi đang học đại học ở nước ngoài. "Du lịch một mình cho tôi cơ hội ngắm nhìn các nền văn hóa theo cách tôi mong muốn và tự họa nên những trải nghiệm riêng", Gavios nói.

Sau khi tốt nghiệp, cô một mình lên đường tới Đông Nam Á, ghé thăm Thái Lan năm 2016 và quay trở lại dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Buổi tối hôm đó, Gavios đang đi dạo một mình sau khi dùng bữa ở Krabi, khu vực có bãi biển đẹp nổi tiếng và là địa điểm ưa thích đối với du khách trẻ. Khi đó, một người đàn ông Thái đề nghị dẫn đường cho cô trở lại khách sạn.

Gavios nói cô sợ mình bị lạc, vì vậy đã đi theo anh ta. Nhưng ngay khi cô tỏ ra nghi ngờ, người này bắt đầu tấn công. Gavios bỏ chạy thoát thân và bất cẩn ngã xuống vách đá. Gã đàn ông nọ đã xâm hại cô ngay khi cô nằm đó bất lực trong 11 giờ đồng hồ vì bị gãy xương sống.

Đến khi trời sáng, người đàn ông bỏ đi nhưng, thật ngạc nhiên, anh ta quay lại cùng nhiều người khác để giúp đỡ cô. Gavios phải nằm viện nhiều tháng, cả ở ở Thái Lan và New York, Mỹ. Kẻ tấn công cô cuối cùng cũng bị bắt và lĩnh án 5 năm tù.

Trong tuần đầu tiên kể từ khi Stefaniak biến mất, bạn bè và gia đình cô đổ xô tới thông báo cho cảnh sát Costa Rica. Họ thậm chí còn phát động chiến dịch với trang Facebook có tên "Tìm Carla". Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng can thiệp và FBI cũng gây sức ép lên các quan chức địa phương.

Khi thi thể Stefaniak được phát hiện gần ngôi biệt thự, người thân của cô hoàn toàn suy sụp.

Jaime, người bạn thân nhất của Stefaniak, cho rằng chính quyền địa phương nên nỗ lực nhiều hơn nhằm công khai khuyến cáo những rủi ro đối với phụ nữ ở nước này. "Họ có trách nhiệm thông báo với du khách về tất cả những rủi ro, nhưng họ không làm vậy", cô nói.

Stefaniak là nữ du khách nước ngoài thứ ba bị giết ở Costa Rica trong vòng ba tháng. Đất nước này cũng đang vật lộn với tình trạng bạo lực kinh hoàng đối với phụ nữ bản địa không có nhiều quyền lợi như người Mỹ. Ít nhất 14 phụ nữ đã thiệt mạng vì bạo lực giới ở nước này từ tháng 1-8/2018. Vào giữa tháng 9/2018, chính phủ tuyên bố bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề cấp quốc gia.
Dulichgo
Viện Phụ nữ Quốc gia Costa Rica cho rằng "chúng tôi phải đối mặt với thực tế là, ngoài những thiệt hại có thể gây ra cho hình ảnh của đất nước, những trường hợp người nước ngoài bị giết là ví dụ không thể chối cãi về tình hình bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ".

Mặc dù vậy, Costa Rica vẫn được coi là một trong những quốc gia an toàn nhất ở Trung Mỹ, đặc biệt là đối với khách du lịch, khi tỷ lệ giết người tại đây thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng.

3/ Cẩn tắc vô áy náy

Đối với những phượt thủ dày dặn kinh nghiệm, quá trình chuẩn bị trước chuyến đi là yếu tố quyết định để giảm thiểu rủi ro.

Theo Cassie DePecol, phượt thủ 29 tuổi, người giữ kỷ lục Guinness khi đến thăm tất cả các quốc gia có chủ quyền trong thời gian ngắn nhất, đi du lịch một mình có nghĩa là cần phải lên danh sách dài các biện pháp phòng ngừa. Cô gái gốc Mỹ này còn tập Krav Maga, kỹ thuật tự vệ của Israel. DePecol cũng mang theo máy theo dõi GPS để đảm bảo rằng có người luôn biết vị trí của cô.

"Một số biện pháp nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng tôi đã đi du lịch một mình an toàn tới 196 quốc gia với những biện pháp như thế này", cô cho biết và nói thêm rằng bạo lực trên cơ sở phân biệt giới tính là thực tế đáng buồn cho những phụ nữ ham mê du lịch.

"Chúng tôi phải nhận thức được việc cần phải để ý trước sau khi một mình và cả khi ở nơi công cộng. Đó là điều mà đàn ông không cần thiết phải làm", cô nói.

Jessica Nabongo, 34 tuổi, đang thực hiện sứ mệnh trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên đến thăm tất cả các quốc gia trên thế giới. Sinh ra ở Detroit, Mỹ, cho đến nay cô đã đến 158 quốc gia, và 54 nước trong số đó là du lịch một mình. Nabongo hy vọng sẽ hoàn thành hành trình của mình vào tháng 10.
Dulichgo
Các biện pháp an toàn của cô bao gồm thuê khách sạn có an ninh được đảm bảo 24/24. Nếu sử dụng dịch vụ thuê nhà của người địa phương Airbnb, chủ nhà phải được cộng đồng đánh giá tin cậy và an toàn. Khi đi lại, cô sử dụng ứng dụng Uber để vị trí của mình luôn được theo dõi.

Nabongo cho biết "thay vì kêu gọi đàn ông không tấn công phụ nữ, tôi luôn chia sẻ với phụ nữ những biện pháp phòng tránh bị tấn công" và nói thêm bản thân luôn ăn mặc kín đáo cho tới khi hiểu rõ về việc ăn mặc hở hang có phù hợp với văn hóa bản địa hay không.

Tuy nhiên, Nabongo tin rằng cách ăn mặc của phụ nữ không phải là nguyên nhân thực sự cho tình trạng xâm hại và bạo lực trên toàn thế giới. Ngoài ra, cô cũng nêu lên vấn đề riêng đối với những nữ phượt thủ da màu.

"Trong số rất nhiều thành phố châu Âu mà tôi từng ghé thăm, như Barcelona, Madrid, Rome, Milano, phụ nữ da màu phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn bởi mọi người nghĩ chúng tôi là gái mại dâm. Tôi sợ rằng nếu có chuyện gì xảy ra với mình ở một thành phố châu Âu nào đó, sẽ không ai đếm xỉa đến tôi. Có thể tôi sẽ chạy ra la hét giữa đường phố Italy nhưng không ai quan tâm, bởi tôi là người da đen", Nabongo chia sẻ.

Để giúp đỡ lẫn nhau đi du lịch một cách an toàn, phụ nữ đã thành lập cộng đồng trực tuyến riêng.

Dianelle Rivers-Mitchell thành lập Black Girls Travel Too, tổ chức điều phối các nhóm du lịch. Trên trang Facebook của công ty, hàng nghìn phụ nữ cùng chia sẻ kinh nghiệm về nơi ở, ăn uống và tham quan, nhằm hạn chế những mối đe dọa cho phụ nữ. "Chúng tôi là những người coi sóc cho nhau, đặc biệt là khi đi du lịch", Rivers-Mitchell nói.
Dulichgo
Ngoài ra, nhiều ứng dụng di động khác như Chirpey, RedZone, MayDay, Tripwhistle và Noonlight cũng có chức năng hỗ trợ phụ nữ đi du lịch một mình bằng cách cho người dùng đánh dấu khu vực nguy hiểm, đồng thời liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật địa phương.

4/ Một vụ xâm hại và cuộc chiến đòi công lý

Tuy nhiên, dù có chuẩn bị tốt đến đâu, chuyện không may vẫn có thể xảy ra.

Sinh ra và lớn lên ở Moscow, Nga, Vasilisa Komarova, 38 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành luật và chuyến đến London để học tiếng Anh, sau đó trở thành công dân Anh. Cô luôn mơ ước được đi du lịch khắp thế giới.

Năm 2016, ở tuổi 35, Komarova bắt đầu hành trình đơn độc bằng xe máy xuyên qua châu Mỹ. Cô đến thăm Cuba và dành nhiều thời gian ở sa mạc Atacama và Chile. Komarova liên kết với nhiều phượt thủ motor khác và có được công việc tại cửa hàng xe đạp. Cô hiện thực hóa ước mơ của chính mình và ghi lại tất cả qua những bức ảnh trên Instagram cũng như Facebook.

Nhưng sau đó, tất cả mọi thứ đã thay đổi.

"Ở một vài thời điểm, có thể bởi vì mọi người tôi gặp đều rất tốt bụng nên tôi đã không đề phòng nhiều", cô nói.

Khi đang cắm trại tại phía bắc Bolivia ngày 4/6/2017, khu vực mà người dân nói rằng rất an toàn, ba người đàn ông cầm dao rựa kéo cô ra khỏi lều. Họ đánh đập Komarova và làm trật ba khớp tay của cô. Trong khi bị hai người đàn ông giữ chặt, cô bị người còn lại cưỡng hiếp. Ba tên này tiếp tục phá xe máy, lấy trộm đồ đạc và đi tiểu vào lều của cô, rồi bỏ mặc Komarova ở lại.

Lo sợ ba tên đàn ông có thể quay lại, cô nằm yên cả đêm. Khi mặt trời mọc, cô vớ lấy chiếc máy tính xách tay may mắn chưa bị hỏng để kêu gọi giúp đỡ.
Dulichgo
Nhưng những gì Komarova trải qua sau đó mới thật sự đáng nói. Các nhà chức trách không muốn đưa cô đến bệnh viện. Bác sĩ từ chối khám cho Komarova vì cô không có tiền. "Chỉ sau khi Đại sứ quán Nga can thiệp, cảnh sát mới chịu lắng nghe", cô nói.

Tuy nhiên, sau khi giao phó Komarova cho chính quyền địa phương, Đại sứ quán không có hành động gì thêm vì cho rằng cô không ở trong trạng thái nguy kịch. Komarova cảm thấy bị bỏ mặc lại một mình.

Các chuyên gia cho rằng trường hợp của cô không phải là hiếm thấy. "Lực lượng hành pháp là một phần của vấn đề và họ không để ý đúng mức tới những tội ác như vậy", bà Mlambo-Ngcuka từ UN Women nói.

Với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Anh, Komarova liên lạc được với luật sư biện hộ để giúp gửi đơn khiếu nại hình sự và bắt đầu cuộc chiến pháp lý chống lại những kẻ tấn công.

Cô nói cô cần phải tự biện hộ cho chính mình và không thể chấp nhận về nước mà không đòi lại được công lý. Nhưng đó là cuộc chiến gian khổ với bộ máy chính quyền địa phương quan liêu và tham nhũng. "Vụ tấn công khiến tôi suy sụp. Nhưng tôi phải tự mình tìm lại sức mạnh", Komarova chia sẻ.

Một năm sau, những kẻ tấn công cô bị kết án 42 năm tù. Vào tháng 11/2018, cô lái chiếc xe máy của mình rời khởi Bolivia. Trong đêm đầu tiên ấy, cô thừa nhận mình vẫn còn sợ hãi. "Tôi vô cùng cảnh giác, nhưng thay vì tỏ ra khiếp sợ, tôi muốn mọi người lên đường với hành trang là kiến thức và lòng dũng cảm", Komarova nói.

Theo Hương Ly (Zing News)
Du lịch, GO!