(CMO) - Hải Nam Cổ Miếu không chỉ là nơi thờ phượng tổ tiên, bài vị 108 anh linh mà còn là nơi sinh hoạt bang hội. Miếu được xây dựng vào những năm 1800 tại ngã ba sông Gành Hào (đối diện với miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu).

Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân chiếm dụng nơi đây làm khu hành chính nên miếu bị buộc phải di dời đi nơi khác. Năm 1938, ông Ong Thế Sung (tức ông bang Son) đã khởi xướng xây dựng lại miếu ở vị trí gần với ngã ba Kênh 16 (hiện nay là đường Lý Văn Lâm, Phường 1, TP. Cà Mau). Tuy nhiên, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, người Hải Nam tản cư đi nhiều nơi, miếu không người chăm sóc nên hư hỏng, xuống cấp và bỏ phế, chính quyền địa phương đã tận dụng để xây dựng chợ Phường 1.

Tháng 5/2010, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1572/QĐ-UBND giao lại nền đất này (có diện tích 530 m2) cho người Hoa xây dựng lại miếu. Và tháng 11/2014, người Hải Nam nói riêng, cộng đồng người Hoa nói chung đã chung tay góp sức xây dựng gần 3 năm thì hoàn thành miếu khang trang như hiện nay.

Trưởng Ban Quản trị Hải Nam Cổ Miếu Thái Quang Minh cho biết: "Miếu được xây dựng mới dựa trên kết cấu y như trước đây là 3 gian nối tiếp, ngoài thấp, trong cao… Bên ngoài sân đối diện cổng chính là sắc phong của vua, hai bên thờ thanh long, bạch hổ, nơi giữa chánh điện thờ bài vị 108 anh linh, hữu ban thờ ông Hải Thoại (vị quan thanh liêm gốc Hải Nam), tả ban thờ các bậc tiền hiền (cửu huyện trăm họ).  
Dulichgo
Vì sao Hải Nam Cổ Miếu lại được người dân địa phương gọi là chùa Cô Hồn và bài vị 108 anh linh có phải 108 anh hùng Lương Sơn Bạc? Câu hỏi đặt ra được ông Minh giải thích như sau: Thời xa xưa, người Hoa gốc Hải Nam thường dong thuyền buồm đi buôn bán, trao đổi hàng hoá với Thái Lan, Việt Nam, Singapore… Không ai nhớ rõ là thời gian nào, nhưng câu chuyện được truyền miệng là vào một đêm tăm tối, tại khu vực vùng biển thuộc miền Trung, một tàu buôn của người Hải Nam đã chạm trán với tàu tuần tra của triều đình nhà Nguyễn, trên tàu có 109 người và 108 người bị giết chết thả xác xuống biển, một chú tửng (con nít đi theo để sai vặt) may mắn thoát chết nhờ trốn trong cái ky lớn đậy kín lại.

Vụ việc này được trình báo lên vua là đã phát hiện tiêu diệt thuyền của dân “cờ đen” (ám chỉ là cướp biển). Thế nhưng, bị chết oan ức nên 108 vong linh này đã báo mộng kêu oan với vua. Đồng thời, chú tửng còn sống sót đã thuật lại chuyện thảm sát kinh hoàng cho vợ của chủ tàu buôn là người gốc Việt (bà này có họ hàng thân thuộc quan lớn triều đình) và cũng tình cờ phát hiện một quan binh đeo chiếc nhẫn bằng vàng là món nữ trang kỷ niệm của bà tặng cho chồng. Sự việc được phanh phui.
Dulichgo
Theo ông Minh, đó cũng chỉ là giai thoại được truyền khẩu qua nhiều đời. Thực tế, Hải Nam Cổ Miếu có nguồn gốc từ “Chiêu Ứng Từ” (thành phố Huế) được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1851, nơi đây thờ 108 anh linh người Hoa gốc Hải Nam.

Đến năm Duy Tân thứ 7 Chiêu Ứng Từ được vua phong tại Bình Thuận, từ đó nhiều nơi Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang… đến Cà Mau đều có xây dựng Chiêu Ứng Từ, nhưng có nơi thì thờ bài vị 108 anh linh chung với miếu Thánh Mẫu Thiên Hậu, Quan Đế Thánh Quân… Ở Cà Mau thì người Hải Nam lập miếu thờ riêng và lấy nơi này làm nơi họp mặt của bang hội, trước đây còn có tên gọi là Hội quán Hải Nam.

Còn việc người dân quen gọi là chùa Cô Hồn vì cho rằng 108 vong linh đó chết không có người thân, không ai cúng viếng… Bởi họ không hiểu nguồn gốc Chiêu Ứng Từ, nơi thờ phượng 108 anh linh, gắn với nhiều giai thoại phò trợ các tàu buôn vượt qua hoạn nạn trên biển tàu… Chính sự linh ứng đó nên Chiêu Ứng Từ mới 2 lần được triều đình nhà Nguyễn sắc phong.
Dulichgo
“Cũng từ câu chuyện tàu buôn bị sát hại, có người nói khoảng thượng tuần tháng 8 âm lịch, người thì cho rằng hạ tuần mới đúng, nên Bang Hải Nam đã chọn ngày Rằm tháng 8 làm ngày cúng giỗ. Vào ngày này, không chỉ có người gốc Hải Nam mà cộng đồng người Hoa trong và ngoài tỉnh cũng đến tham dự, thắp hương bái tế cầu cho quốc thái dân an”, ông Minh cho biết.

Tuy mới được xây dựng lại nhưng Hải Nam Cổ Miếu vẫn giữ được nét cổ kính xen lẫn lối kiến trúc theo phong cách hiện đại, không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng người Hoa mà còn là điểm thu hút du lịch tâm linh ở vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Theo Mỹ Pha (Báo Cà Mau)
Du lịch, GO!