(BQT) - Ru em em ngủ cho muồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh. Vâng! Ai đã từng lớn lên với những câu ru hờ ầu ơ của bà, của mẹ thì chắc chắn sẽ thấy mình nao nao mỗi khi nghe ai đó ngân lên câu ca dao quen thuộc ấy. Và chợ Cầu như một địa danh gần gũi, đặc biệt đã đi vào từng câu hát, nuôi lớn bao tâm hồn trẻ thơ trên mảnh đất Quảng Trị thân thương của chúng ta.

Chợ Cầu nguyên nằm ở khu đất trước đình Hà Thượng nay thuộc thị trấn Gio Linh. Chợ được lập vào năm Canh tỵ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1667). Cũng tại địa điểm này ngày 1/2/1932, chi bộ chợ Cầu - một Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Gio Linh được thành lập, mở ra một thời kỳ cách mạng mới cho quần chúng nhân dân đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc. Chợ Cầu vì thế mà có cái duyên đặc biệt với đình làng Hà Thượng, ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Trị .

Đình làng Hà Thượng nằm về phía Ðông của làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, cách quốc lộ 1A chưa đầy 1km. Di tích đã được Bộ VHTT ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 154/QÐ-BVHTT ngày 25 tháng 1 năm 1991. Ðình tọa lạc trên một khu đất rộng với tổng diện tích là 8.450m2. Toàn bộ khuôn viên bao gồm một tòa đại đình và 4 ngôi miếu thờ 4 vị thần. Toàn bộ kiến trúc tòa đại đình hiện còn có sự phân bố mặt bằng khác biệt so với các ngôi đình ở miền Bắc và những ngôi đình miền Trung được khởi tạo muộn ở các thế kỷ XVIII - XIX.
Dulichgo
Mặt bằng đại đình bố trí theo chiều dọc, mặt tiền mở ra từ gian chái, cửa chính quay về hướng Ðông (một hướng rất lệch so với hướng kiến trúc của người Việt). Cấu trúc bộ khung gỗ chịu lực được thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, hai chái, phân bố theo 6 hàng cột như vẫn thường thấy ở kiến trúc cổ vùng đồng bằng Trị - Thiên. Không gian bên trong ngôi đình được phân thành hai phần: phần tiền đường gồm không gian của gian chái trước và hai gian ngoài dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, ăn uống; phần hậu liêu gồm không gian của gian chái sau và một gian trong dùng làm nơi thờ cúng, tế tự.  Hệ thống cổng và tường thành phía trước đình xây bằng gạch, xi măng; nền móng khá cao được xây bằng đá bazan ngăn khuôn viên của đình với khu vực chợ Cầu.

Những năm sau giải phóng, chợ Cầu được chuyển lên phía Tây, cạnh quốc lộ 1A. Ở huyện Gio Linh có rất nhiều chợ, đa số tập trung ở các xã, tuy nhiên ngôi chợ lớn nhất, quan trọng nhất của huyện thì vẫn là chợ Cầu. Chợ Cầu là trung tâm trao đổi hàng hóa lớn nhất của huyện Gio Linh. Có lẽ người xưa đặt tên chợ là chợ Cầu ngụ ý là: Cầu mong. Cầu mong sự bình yên, cầu mong được mùa, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên bình no ấm….

Thế nên qua thời gian, dù địa điểm thay đổi nhưng tên chợ vẫn được lưu giữ như thuở mới hình thành. Bởi lẽ qua hàng mấy thế kỷ, cái tên chợ Cầu đã quá gần gũi với con người Gio Linh; nó ăn sâu vào huyết quản của người Gio Linh chất phác, hiền hòa mấy trăm năm nay, vì thế chợ Cầu như một bộ mặt, một nét văn hóa của Gio Linh. Chị Hồ Thị Yến Hương, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Cầu chia sẻ: “ Chợ Cầu có vị trí đặc biệt thuận lợi trên quốc lộ 1A, vì thế chợ Cầu không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là một nét văn hóa, một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách muốn khám phá mảnh đất và con người Quảng Trị. Ghé đến chợ, nhiều người sẽ thích thú với những món quà quê, những sản vật địa phương đúng chất chợ quê xưa có”.
Dulichgo
Chợ Cầu khác với các ngôi chợ khác đó là chợ có hẳn một dãy hàng giành riêng cho các sản phẩm đan lát truyền thống của làng nghề Lan Đình thuộc xã Gio Phong của huyện Gio Linh. Rổ rá, thúng mủng, giần sàng,… là các loại dụng cụ không thể thiếu được hàng ngày của nhà nông. Bởi vậy mà trên mỗi làng quê Viêt Nam nghề đan lát hầu như nơi nào cũng có. Nghề đan lát trước hết là một nghề tự cung tự cấp, cung cấp dụng cụ cho nhà nông hoàn thành một quy trình mùa vụ. Nhưng để đan lát trở thành một nghề cổ truyền, tập trung vào một thôn làng và phát triển lên thành hàng hóa thì không phải nơi nào cũng có. Và ở làng Lan Đình của xã Gio Phong nghề đan lát không còn là cổ truyền nữa mà đã trở thành nghề chuyên nghiệp tồn tại với làng từ bao đời nay.

Làng đan lát Lan Đình cách chợ Cầu, thị trấn Gio Linh chừng hơn cây số, thoai thoải về phía Đông Nam, dưới chân Dốc Miếu lịch sử. Cũng như bao thôn làng khác, Lan Đình được bao bọc bởi màu xanh mượt mà của tre trúc. Với diện tích tự nhiên nhỏ hẹp, ngoài diện tích làm ruộng ra người dân còn trồng một số cây hoa màu như khoai sắn, đỗ lạc… Nhưng ở vùng đất hẹp này thì cây lúa và cây hoa màu lại không tạo được một cuộc sống đầy đủ. Thế nên, bằng nguyên liệu sẵn có là các loại tre, bao gồm tre già, tre lồ ô, người dân Lan Đình có thêm cho mình nghề đan lát.

Theo như những người dân ở làng Lan Đình chia sẻ thì họ cho rằng, nghề đan không khó, chỉ cần tính chịu thương chịu khó, sự tỉ mẫn, nên ở làng, nghề đan được truyền từ  người lớn đến trẻ con. Ông truyền cha, cha truyền con, lớp trước nối tiếp lớp sau miệt mài chặt, chẻ, vót, đan làm nên bao thúng mủng, rổ rá, giần sàng…
Dulichgo
Người nông dân tận dụng thời gian nông nhàn sau mùa vụ, người già không làm được việc nặng thì chuyển sang đan lát giúp con cháu thu nhập thêm để có tiền chi tiêu trong gia đình. Trẻ nhỏ ngoài giờ học ở trường hoặc những tháng hè rảnh rỗi cũng phụ giúp thêm ba mẹ để có thêm bộ quần áo mới, chiếc cặp tươm tất hơn cho năm học mới. Hẳn nhiều người sẽ tự hỏi, thời hiện đại rồi, người ta cần những vật dụng đan tre đó làm gì nữa? Nhưng có lẽ ngoài những người nông dân thực thụ cần đến các đồ đan lát đó thì biết đâu ai đó cũng sẽ mua những thứ đồ mây tre ấy về để chưng chơi trong nhà, để mỗi khi nhìn vào đỡ nhớ quê, nhớ  ruộng đồng, nhớ thúng khoai rổ rau và nhất là nhớ thời chân lấm tay bùn thì sao. Bởi có cuộc sống khá đủ đầy hôm nay, đâu dễ quên những gian khổ, nhọc nhằn, thiếu thốn ngày xưa. Và chưa kể là trong đám rổ rá thúng mủng giần sàng ấy, còn ẩn chứa bao nhiêu là hương đồng gió nội, thấp thoáng hình ảnh ông bà, cha mẹ từng oằn lưng, xệ tay gánh bưng, sàng sảy cho chúng ta có được cuộc sống hôm nay.

Và giữa rải rác những nét quê còn sót lại, chợ Cầu ngày càng hiện đại hơn với đủ các thể loại hàng hóa như một trung tâm thương mại của vùng Gio Linh. Thế nên ai đi qua Gio Linh hãy nhớ ghé chợ Cầu.

Theo Thiên Hà (Báo Quảng Trị)
Du lịch, GO!