(TH) - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, từ sáng 9.3, Ban Tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức khai mạc Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê.

TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được biết đến là vùng đất có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước. Năm 2019, tỉnh Đắk Lắk quyết tâm đẩy mạnh quảng bá ngành cà phê Việt Nam, từng bước đưa TP Buôn Ma Thuột trở thành "Điểm đến của cà phê thế giới".
Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 9-13.3.

Triển lãm đã giới thiệu hơn 10.000 hiện vật từ nguyên liệu cà phê cho đến những máy móc sản xuất cà phê từ thô sơ đến hiện đại. Qua đó đã tái hiện lại lịch sử cà phê trong tiến trình phát triển của thế giới.

Trong thời gian hội chợ diễn ra, Ban tổ chức còn phát các tờ rơi, hình ảnh cung cấp thông tin liên quan tới từng sản phẩm như: số điểm đạt được từ Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019, tên đơn vị sản xuất, địa điểm vùng trồng, giống, hình thức chế biến, khối lượng lô hàng đã được niêm phong tại kho của đơn vị sản xuất… để người dân, du khách tìm hiểu và các nhà rang xay có thể tiếp cận.
Dulichgo
Đây là một trong những hình thức kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và nhà rang xay, góp phần thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo nhu cầu thị trường.

Được biết, hội chợ có khoảng 230 doanh nghiệp (trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp cà phê nước ngoài và các yếu tố nước ngoài) với hơn 800 gian hàng tham gia.

Mặt hàng tham gia Hội chợ- triển lãm tập trung vào các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực cà phê như triển lãm giống cây trồng cà phê, mô hình đồi cà phê, nhà máy chế biến cà phê, máy móc rang xay cà phê, mô phỏng không gian cà phê; các mặt hàng nông, lâm sản và sản phẩm phụ trợ trong ngành cà phê…
Dulichgo
Đối với tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức riêng gian hàng chung nhằm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư của địa phương.

Tham gia Hội chợ - triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, người nông dân cùng gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại và đầu tư; chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Đây là dịp để các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm và là dịp để du khách đến thưởng thức cà phê, tham quan tìm hiểu về văn hóa Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Tổng hợp từ Vivu247
Du lịch, GO!