(NDO) - Hòn Sơn, còn có tên khác là Hòn Sơn Rái, thuộc xã đảo Lại Sơn, huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang).

< Một góc Hòn Sơn, nhìn từ biển vào.

Nơi đây được khách du lịch trong và ngoài tỉnh chọn cho những kỳ nghỉ ngắn vào dịp cuối tuần. Đến với Hòn Sơn, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ với biển trời, rừng núi, trải lòng cùng dì ba, anh bảy, những con người hào sảng, mến khách và thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà chất biển.

< Tàu khai thác hải sản ở Hòn Sơn.

Nhóm chúng tôi đến Hòn Sơn vào cuối tuần của một ngày đầu tháng Ba năm nay. Mùa này biển ít gió, sóng chỉ lăn tăn, rất thích hợp cho những ai chưa từng ngồi tàu vượt biển. Tàu Superdong XI hơn ba trăm ghế, đã không còn chỗ trống. Ngồi cạnh chúng tôi ở khoang trước, tầng dưới là nhóm người trạc tuổi lục tuần. Chú Tám, một người trong nhóm cho biết, các chú là nhóm bạn thân ở thành phố Tân An (tỉnh Long An) đã về hưu vài năm. Nhóm thường xuyên tổ chức các chuyến du lịch đây đó, thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp. Đây là một trong những chuyến đi mà chú Tám cho rằng: “Chúng tôi phải đặt chân đến tất cả các đảo du lịch trên biển Tây”.

< Khu du lịch Hòn Sơn.
Dulichgo
Đây là hòn đảo thứ ba trên vùng biển này mà nhóm của chú Tám đang đến. Trước đó, những cán bộ hưu trí này đã đến Phú Quốc và Nam Du, đây cũng là những địa chỉ nổi tiếng về du lịch biển đảo của tỉnh Kiên Giang. Nhưng xem ra vẫn còn quá ít bởi trên vùng biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang vẫn còn quá nhiều hòn đảo du lịch như: quần đảo Bà Lụa - một Hạ Long của đất phương Nam, hay quần đảo Hải Tặc - ngoài cảnh sắc tươi đẹp còn có những câu chuyện đậm chất huyền thoại. Rồi Hòn Tre, Hòn Nghệ, quần đảo An Thới, xa hơn nữa là quần đảo Thổ Châu… Câu chuyện của chúng tôi và nhóm của chú Tám dang dở khi nhân viên tàu thông báo tàu sắp cập cảng Hòn Sơn.

< Thuyền nhỏ, phương tiện ra các bè cá du lịch.

Cảng Hòn Sơn, ở ấp Bãi Nhà, một trong bốn ấp của xã đảo Lại Sơn, đây cũng là nơi đặt trụ sở của UBND xã đảo. Anh Vũ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đảo Kiên Hải đón và đưa chúng tôi về nhà nghỉ Cô Thanh, nằm cách cảng chừng 300 m. Anh Vũ cho biết, trên địa bàn đảo hiện có hơn 35 cơ sở lưu trú, với hơn 350 phòng nghỉ, nhưng những ngày cuối tuần nếu khách không đặt phòng trước, nguy cơ không tìm được chỗ trọ.

Chủ nhà nghỉ Cô Thanh là một người phụ nữ tuổi gần bảy mươi, mọi người quen gọi là dì Ba. Nhà dì Ba có ba phòng ngủ, thời điểm dì Ba xây nhà cũng là lúc khách du lịch tìm đến Hòn Sơn đông đúc, bảng hiệu “Nhà nghỉ Cô Thanh” cũng dựng lên từ đó. Khi khách có nhu cầu dì Ba nhường hết phòng, phần dì ngủ nghỉ trên chiếc võng đặt ở phòng khách. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, dì Ba bảo: “Cuộc đời dì Ba khổ, nên dì Ba ngủ võng quen rồi”.

Trò chuyện với chúng tôi, dì Ba trải lòng: “Cuộc sống dì Ba mới hết khổ gần đây thôi. Dì Ba có hơn 10 công đất được quy hoạch xây dựng hồ nước ngọt, được đền bù hơn ba tỷ đồng, mới có tiền xây dựng căn nhà này. Dì Ba còn ba đứa con, nhưng đều có gia đình riêng, kinh tế ổn định. Dì sống một mình nên các phòng ngủ dì cho khách trọ, kiếm thêm thu nhập”. Khách đến ở trọ nhà dì Ba có xe gắn máy đi lại, được trưng dụng bếp ăn miễn phí, dì Ba vui vẻ làm thêm việc giặt giũ, nấu nướng nếu du khách ngỏ lời.
Dulichgo
Nhóm chúng tôi đến đảo vào những ngày nghỉ cuối tuần, nên trong suốt thời gian lưu lại được những cán bộ, công chức xã tận tình hướng dẫn đường đi nước bước. Anh Trần Quốc Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Lại Sơn năm nay 34 tuổi, đã có hơn 10 năm công tác tại xã đảo này. Anh Tiến có hai anh em trai cùng sinh ra, lớn lên và hiện đều là cán bộ, công chức của xã.


< Đường lên đỉnh Ma Thiên Lãnh.

Anh Tiến cho biết, bước phát triển của Hòn Sơn, cũng như xã đảo Lại Sơn là khi điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo. Những khó khăn về điện, nước của một xã đảo xa đất liền dần được khắc phục, khách du lịch tìm đến ngày một nhiều. Người dân tận dụng nhà cửa, đất đai, cơ sở sản xuất, đồng thời đầu tư thêm tiền của để xây dựng, sửa sang phục vụ khách du lịch. Thu nhập và cuộc sống của người dân dần khấm khá, nguồn thu của xã đảo cũng tăng dần lên. “Hiện Lại Sơn còn 12 hộ nghèo, nhưng toàn là hộ neo đơn. Xã đảo Lại Sơn đã được công nhận xã nông thôn mới và Hòn Sơn được UBND tỉnh công nhận là khu du lịch địa phương”, anh Tiến phấn khởi.

Có mặt cùng chúng tôi trên những chặng đường lên rừng, xuống biển là Đức, công chức Tài chính của xã và Dung, công chức Văn hóa - xã hội. Đức, Dung là những người trẻ, sinh ra, lớn lên và đang cống hiến một phần công sức để xây dựng quê hương đất đảo. Cả hai đều đã lập gia đình, có con cái nhưng tính tình rất hài hước, hoạt bát.


< Trên đỉnh Ma Thiên Lãnh.

Trong chuyến hành trình chinh phục độ cao của đỉnh Ma Thiên Lãnh - hơn 400 m so với mặt nước biển, với quảng đường hơn 2,5 km đường dốc, Đức lãnh phần mang xách, kiêm luôn việc đỡ đần các chị em phụ nữ. Còn Dung thì có giọng cười sảng khoái đặc trưng của người xứ biển, góp thêm phần sôi động các bãi biển và trên các lồng bè khi đoàn chúng tôi đến.

Để chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh, nhóm chúng tôi lên đường khi trời vừa ửng sáng. Đỉnh núi không cao, đường cũng không xa, nhưng đối với những người chưa từng leo núi, băng rừng như chúng tôi thì có phần khó khăn, xen lẫn vất vả. Tôi không nhớ trên đường đã dừng chân bao nhiêu lần, nhưng khi lên đến đỉnh thì mặt trời lên cao, nắng đã gắt. Mồ hôi nhễ nhại, hơi thở hổn hển, nói không ra hơi nhưng ai cũng phấn khởi khi đứng trên đỉnh Ma Thiên Lãnh bốn bề lộng gió. Ngồi trên đỉnh núi tự ghi lại những bức ảnh, nghe dân địa phương thuật lại truyền thuyết đỉnh Ma Thiên Lãnh, chuyện các nàng tiên giáng trần nơi Sân Tiên và cuộc đời bí ấn của các đạo sĩ tìm đến đây tu hành… quả là không uổng phí!Dulichgo

< Bãi Bàng được sánh nganh với các bãi biển ở đảo Phú Quốc.

Ở Hòn Sơn có những bãi biển rất đẹp và nên thơ như: Bãi Bàng, Bãi Bấc, Bãi Xếp. Nhóm chúng tôi đến Bãi Bàng lúc trời đã tắt nắng, khách tắm biển còn khá đông. Trước mắt chúng tôi là những rặng dừa nghiêng ra biển đón ánh nắng mặt trời, và ôm lấy bờ cát trắng mịn phẳng trải dài theo hình cong của chiếc lưỡi liềm. Điểm đầu và cuối của bãi là những hòn đá to, nhỏ. Ngoài kia là dòng nước trong xanh, xa hơn nữa là những chiếc tàu đánh cá. Bãi Bàng là bãi biển đẹp nhất của Hòn Sơn, được khách du lịch sánh ngang với các bãi biển ở đảo Phú Quốc.

Còn với Bãi Xếp, khách du lịch còn gọi là Bãi Cây Dừa Nằm, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Đây là một bãi biển còn hoang sơ, trên bãi cát những hòn đá to nằm tự nhiên mà như xếp đặt. Đặc biệt, ở Bãi Xếp có cây dừa ngã nằm sát mặt đá, nhưng lá vẫn xanh tươi, rì rào với gió biển. Nơi đây thích hợp cho những du khách có niềm đam mê nhiếp ảnh, hội họa. Những bức ảnh, hay tranh vẽ với đối tượng bãi biển, ghềnh đá, cây dừa, hay hàng cột điện thẳng tắp giữa biển khơi thì chỉ là Bãi Xếp của Hòn Sơn.

< Du khách ở bãi Xếp.
Dulichgo
Giống như khách du lịch, đến Hòn Sơn lần này chúng tôi đã đến tham quan một số mô hình nuôi cá lồng bè của bà con xã đảo. Nuôi cá lồng bè hiện nay có hai mô hình. Mô hình cũ, người nuôi mua cá giống khai thác ngoài tự nhiên về thả nuôi trong lồng bè, cho ăn và đợi cá lớn bán. Còn mô hình mới phát triển gần đây, nhiều chủ lồng mua các loại hải sản về nuôi trong lồng bè, đón khách du lịch xuống bè tìm hiểu cách nuôi cá bè, tắm biển, tự tay câu những con mực dưới biển, đặt thức ăn tươi sống chế biến trên bè và thưởng thức những bữa ăn ngay tại các bè cá. Được biết, toàn xã Lại Sơn hiện có 63 hộ nuôi cá lồng bè, với 98 bè, 232 lồng. Năm 2018 toàn xã thả nuôi 27.200 con cá giống các loại, tổng sản lượng 75,5 tấn cá các loại, tăng đến 30 tấn so với năm 2017.


< Nuôi cá bè trên đảo.

Anh Nguyễn Thành Luân, chủ lồng bè nuôi cá kết hợp du lịch (ở ấp Thiên Tuế) cho biết, anh khai trương “Hội quán và làng chài” (tên bè cá) từ trước Tết Nguyên đán. Mỗi ngày bè cá của anh đón khoảng 10 đoàn khách đến câu mực và ăn uống, còn những ngày cuối tuần số lượng khách đến bè đông hơn rất nhiều. Doanh thu từ bè cá bình quân mỗi ngày hàng triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Hợp tác xã nuôi cá lồng bè Tân Tiến cho biết, khi chưa vào hợp tác xã anh chỉ nuôi cá bè khi đủ trọng lượng bán cho thương lái, đôi lúc đầu ra bấp bênh, giá không ổn định. Nhưng nay, các hộ nuôi liên kết lại có người đứng ra giao dịch với thương lái nên đầu ra và giá cả ổn định hơn. “Người nuôi cá bè đã có thêm hướng đi mới, kinh tế khấm khá hơn trước”, anh Sáu nói.
Dulichgo
Ở Lại Sơn còn có một đặc sản địa phương đã hình thành, tồn tại cả trăm năm ở hòn đảo này, đó là nghề sản xuất nước mắm, với tên gọi nước mắm Hòn Sơn. Tuy nhiên, hiện nghề này bị mai một do khó khăn khi cạnh tranh đầu ra cùng với các thương hiệu lớn khác và do thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhưng một số nhà thùng vẫn duy trì sản xuất, một mặt không muốn nghề của cha ông bị mất đi, mặt khác muốn giữ lại nghề truyền thống như là một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Ba ngày, hai đêm trên đảo, nhưng một số nơi chúng tôi vẫn chưa đặt chân đến. Trong đó có một số điểm người dân và chính quyền địa phương đang khai mở để đưa vào đón khách du lịch trong thời gian tới. Chúng tôi rời đảo, hẹn tái ngộ lần sau!

Theo Việt Tiến (Báo Nhân Dân)
Du lịch, GO!