(KHĐS) - Chuyện tình, cũng là câu chuyện lịch sử giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy đã để lại những bài học đắt giá cho hậu thế.
Lông ngỗng rải đường dẫu đã vào dĩ vãng hơn 2.000 năm, nhưng con đường ấy vẫn còn, hiển hiện một  tình yêu không thể nào phai. Lần theo dấu lông ngỗng ngày xưa đưa ta đến đền Cuông thờ An Dương Vương tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ngôi đền có tam quan cổ kính nằm thanh tịnh dưới chân núi Mộ Dạ quanh năm vướng vít mùi nhang khói.

Trái tim lầm chỗ

Nhắc đến Mỵ Châu là nhắc đến thiên tình sử đầy bi ai. Nàng là con gái của Thục An Dương Vương. Theo như nhiều giai thoại kể lại. Nàng là vị công chúa được ví đẹp tựa viên minh châu không tì vết.

Ngọc phả làng Thao Bồi, nay thuộc xã Phương Công (Tiền Hải, Thái Bình) chính là quê ngoại của công chúa Mỵ Châu. Ngọc phả có ghi lại, mẹ của Mỵ Châu có tên là Trần Thị Chân, còn gọi là Châu Nương, hiệu là Thục Nương. Bà có khuôn mặt đẹp đẽ, nước da phấn mịn; cha mẹ hết lòng yêu chiều. Càng lớn, Thục Nương càng yêu kiều nết na, thông minh sắc sảo, nổi tiếng khắp một vùng.
Dulichgo
Khi An Dương Vương cùng quần thần đi tuần thú các nơi trong nước, vua xa giá đến làng Thao Bồi, gặp Thục Nương Trần Thị Chân, vua rất yêu mến bèn cho đón về kinh đô Cổ Loa phong làm Đệ nhị Nguyên phi. Vua truyền dân xứ Thao Bồi lập hành cung ven sông cho đệ nhị Nguyên phi ở mỗi khi về thăm quê. Sau này, bà phi ấy đã sinh cho vua một người con gái nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử, đó là công chúa Mỵ Châu.

Chuyện kể rằng từ khi được tuyển vào cung, Thục Nương Trần Thị Chân được An Dương Vương sủng ái, không lâu sau nàng đã thụ thai. Mùa hạ, ngày rằm tháng Năm (15/5) năm Tân Dậu, Đệ nhị Nguyên phi Thục Nương Trần Thị Chân sinh một nàng công chúa “mắt phượng mày ngài, mặt tựa tuyết hoa” tại kinh đô Cổ Loa. Vua An Dương Vương sung sướng vô cùng, ông đặt tên cho con gái là Mỵ Châu, đặt hiệu là Trinh Nhất Nương. Đến tuổi học hành, vua cho thầy giỏi vào cung dạy công chúa Mỵ Châu, rèn cặp chu đáo, giúp công chúa công dung ngôn hạnh đầy đủ, văn võ toàn tài, am tường sử sách.

Khi công chúa đã trưởng thành hơn, An Dương Vương giao cho nàng phụ giúp cùng với mẹ cai quản, dạy dỗ 300 thị nữ trong cung. Người ta không chỉ thán phục về sắc đẹp của công chúa mà còn kính trọng đức hạnh của nàng.
Dulichgo
Thời gian đó, Triệu Đà lăm le muốn xâm phạm bờ cõi Âu Lạc. Với mưu kế thăm dò, Triệu Đà sai con trai là Trọng Thủy sang định hôn sự. Theo như tập tục Âu Lạc, Trọng Thủy chấp nhận ở rể. Tình cảm vợ chồng son sắt, Mỵ Châu đã hoàn toàn tin tưởng Trọng Thủy và không ngần ngại nói ra những bí mật của Cổ Loa thành, trong đó có cả bí mật quân sự là nỏ thần Kim Quy.

Nàng giấu vua cha, dẫn chồng đến xem trộm nỏ thần ở một ngôi đền cấm cạnh cung vua. Nhân vợ không để ý, Trọng Thủy bèn lấy trộm nỏ thần thật mà đánh tráo vào một lẫy nỏ giả.

Sau đó mấy hôm, Trọng Thủy nói dối với vợ và An Dương Vương rằng mình xa nhà đã lâu, nên xin phép được về thăm cho thỏa lòng mong nhớ, rồi ít lâu sau lại xin trở lại. Cả vợ chàng và An Dương Vương đều bằng lòng.

Lúc từ biệt vợ, Trọng Thủy tỉ tê: “Chuyến đi này tôi nhớ nàng khôn xiết. Trong khi tôi về bên ấy, ngộ nhỡ hai nước lại có chuyện bất hòa, Nam Bắc cách biệt, tôi muốn đi tìm nàng thì biết làm thế nào để gặp được nhau?

Mỵ Châu đáp: “Thiếp có cái áo lông ngỗng, lông nó sáng rực khác thường, thiếp sẽ mặc vào người, đi đến đâu rứt lông rắc dọc đường. Chàng cứ theo dấu ấy mà tìm gặp”.

Người con gái trong trắng ngây thơ, tin tưởng tình yêu một cách chân thành cuối cùng đã bị chính người chồng đưa vào bẫy, không những nhận lấy nỗi oan khiến nước mất nhà tan mà còn dẫn dụ quân địch đuổi cùng giết tận.
Dulichgo
Lông ngỗng bi ai

Sách “Thiên Nam ngữ lục”, tác phẩm khuyết danh viết bằng chữ Nôm ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII cho rằng Mỵ Châu có một người con trai. Nhưng người con này đã được Trọng Thủy mang về với Triệu Đà từ trước. Khi Triệu Đà một lần về nước mang quân xâm chiếm Âu Lạc, An Dương Vương chủ quan vì có vũ khí “nỏ thần” nên không phòng bị từ xa. Đến khi ra trận mới biết vũ khí không còn hiệu nghiệm.

Âu Lạc thua trận, nhà vua chỉ mang theo Mỵ Châu phi ngựa chạy về phía nam. Tình yêu che mắt, Mỵ Châu vẫn ngây thơ về một viễn cảnh đoàn viên với người chồng bên kia chiến tuyến. Nàng dứt lông ngỗng từ chiếc áo choàng quý giá để đánh dấu những nơi ngựa chạy qua.

Dân gian kể rằng sau khi An Dương Vương chạy đến biển Cửa Hiền, thuộc khu vực núi Mộ Dạ (Nghệ An) thì ngựa và người đều kiệt sức, mà quân giặc như có mắt thần vẫn đuổi sát phía sau. Tuyệt vọng, An Dương Vương bèn hướng ra biển cầu cứu thần Kim Quy. Thần Kim Quy hiện ra và nói: “Giặc ngay sau lưng nhà ngươi đấy”.

Vua An Dương Vương lúc này mới tỉnh ngộ nhìn lại sự việc. Lại thêm dấu lông ngỗng còn vương vãi bên đường, ngài đã vung kiếm chém con gái. An Dương Vương được thần Kim Quy rẽ nước dẫn vào biển sâu, còn Mỵ Châu nằm lại bên bờ cát. Sau khi mất, theo truyền thuyết Mỵ Châu được Trọng Thủy đưa về mai táng ở Cổ Loa hóa thành hòn đá ngọc. Tại làng Cổ Loa hiện còn lăng bà Chú (ở đông bắc xóm Vang, phía nam khu đầm Cả).

Núi thiêng náu mình
Dulichgo
Núi Mộ Dạ là một trong 8 cảnh đẹp của Đông Thành ngày trước. Đây được xem là nơi chứng kiến những phút giây cuối cùng của Thục Phán An Dương Vương và người con gái mà ông thương yêu nhất.

Dã sử cho rằng, An Dương Vương và Mỵ Châu đều tuẫn tiết tại chính nơi này. Dân chúng thương tiếc nên lập đền thờ gọi là đền Cuông. Mỗi năm vào rằm tháng 2, đền Cuông mở hội tưởng nhớ và thường xuyên có những sự kiện lạ như hạc thần hoặc cá voi về viếng đền. Ngày nay tại đền Cuông vẫn còn lưu giữ xác của hạc thần.

Nhà nghiên cứu Đặng Quang Liễn cho biết, đền Cuông ngày nay do vua Tự Đức xây dựng theo thỉnh nguyện của dân chúng quanh núi Mộ Dạ.

Nhưng dẫu là lịch sử hay dã sử thì đền thờ An Dương Vương là có thật và câu chuyện của nàng công chúa xinh đẹp ôm nỗi hàm oan mà chết vẫn còn vương vấn mãi tới hôm nay. Bi kịch lông ngỗng không chỉ là truyền thuyết mà còn là bài học lịch sử về việc gìn giữ non sông.
Dulichgo
Ngày nay tại bãi đá Cửa Hiền, người ta vẫn truyền tai nhau về câu chuyện trên hòn đá to nhất sát bờ biển vẫn có hình bóng An Dương Vương ngồi đánh cờ với thần Kim Quy và công chúa Mỵ Châu yên lặng đứng bên.

Ông Liễn còn cho biết thêm, thực chất nơi An Dương Vương tuẫn tiết không phải là biển Cửa Hiền mà là ở làng La Vân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Người ta gọi đó là “La Vân hải bản thạch thôi ngôi” tức là nơi đường cùng ra biển.

Theo Hòa Vân (Khoa Học Đời Sống)
Du lịch, GO!