(VNE) - Sát Tết, những chuyến xe khách trở nên lộn xộn, nhiều người chọn đi xe máy hàng ngàn km để trở về nhà.

"Rất nhiều lý do để chọn xe máy về quê, nhưng chủ yếu là tiện lợi, tiết kiệm chi phí dịp Tết, chủ động thời gian và phương tiện có sẵn. Thời gian này, dịch vụ vận tải thường lên giá và chèn ép khách, ăn uống cũng không đảm bảo", anh Nguyễn Đình Đức (28 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ.

5 năm qua, mỗi dịp Tết đến, anh Đức đều cùng vợ từ TPHCM về quê, cách 1.500 km. Nhưng năm nay vợ sinh em bé nên anh chỉ đi một mình. Ông bố một con cho biết, đi hai người sẽ phải lo an toàn cho người ngồi sau nhiều hơn, tránh việc người ngồi sau hay ngủ gật, rất nguy hiểm.

Thường về quê, anh phải đi qua đèo Cả (giáp ranh Phú Yên - Khánh Hòa) và đèo Hải Vân (giáp ranh Đà Nẵng - Huế), đây là những chặng đường khá nguy hiểm cả về địa hình lẫn an ninh trật tự. Đặc biệt, khi trời mưa sẽ di chuyển rất khó vì tầm nhìn hạn chế.

Tuy nhiên, kể cả trong khu vực đông dân cư, vẫn có những rủ ro tiềm ẩn. Có lần, vợ chồng anh Đức khởi hành buổi tối trong thành phố cho đỡ kẹt xe. "Khi dừng đèn đỏ ngã tư thì có 2 xe bám theo có ý định giật đồ, vì bất thành nên họ bám theo kiếm chuyện. Nói mình va quệt với xe của họ bắt mình dừng lại. May mình nhanh ý, phóng chạy lên trước không cho họ theo kịp, không thì cũng mệt".

Anh Đức cho biết thêm, thường yếu tố nguy hiểm bất ngờ xảy ra do giao thông lộn xộn, khó kiểm soát. Khi cảm giác không an toàn, anh giảm tốc độ hoặc dừng lại nghỉ ngơi và tiếp nước, cũng như cho xe nguội máy. Hành trình của anh mất khoảng 2 ngày.

Niềm vui của những người đi xe máy về quê xa ăn Tết là gặp nhiều bạn đồng hành. Di chuyển thành nhóm sẽ an toàn hơn ở những cung đường vắng vẻ hoặc thời tiết xấu.

Quang Hạnh (21 tuổi) cũng xuất phát từ TP HCM để về Quảng Trị với quãng đường hơn 1.100 km. "Hàng năm mình chỉ về nhà hai lần. Hè ít thời gian nên mình chọn xe khách hoặc máy bay. Còn Tết thì chọn về bằng xe máy, cảm nhận không khí đón Tết của những nơi mình đi qua là một trải nghiệm rất tuyệt".

Một lần từ đèo Cả tối mệt đường vắng không có nhà nghỉ, Hạnh phải gõ cửa người dân địa phương để xin tá túc. May mắn, một gia đình cho anh vào sân vườn dựng lều du lịch ngủ lại qua đêm. Những lần về vậy Hạnh đều giấu gia đình, để mọi người yên tâm. Thế nhưng, năm nào cậu cũng bị bố mẹ mắng khi bất thình lình xuất hiện ở nhà.

"Nó cứng đầu lắm, nhưng thực ra cũng không có cách nào khác vì vé xe, vé tàu khó kiếm, lại nhồi nhét. Nên tôi chỉ biết dặn con đi sao cho an toàn nhất", mẹ của Hạnh nói.

Còn Đinh Cao Thành Đạt (23 tuổi, Quảng Bình), vì bị say xe nên chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi xe máy hơn 300 km. "Nhớ mãi lần chạy từ Đà Nẵng đến gần nhà thì bị dính đinh thủng lốp sau. Giữa trưa nắng gắt, xe nặng vì nhiều đồ, mà phải dắt cả chục km, làm mình phát khóc. May mắn có một chú đi xe bán tải chở giúp xe mình về tiệm sửa".

Có nhiều người chỉ đi khoảng 100 km, nhưng xếp đồ đạc quá nhiều, làm chuyến đi trở nên dài hơn vì phải đi chậm. "Tham mang đồ nên lần nào về cũng bị đau lưng. Tệ hơn nữa là đi hơn 100 km mà không dám xuống đi vệ sinh vì đồ đạc lỉnh kỉnh", thế nhưng, anh Hoàng Nghĩa (Thái Bình) bắt buộc phải đi xe máy về nhà để có phương tiện du xuân.

Người chạy xe máy về ăn Tết chủ động được thời gian nên thường di chuyển lúc sát Tết. Tại một số bến xe ở thành phố Hà Nội chiều 1/2/2019 (27 Tết), đến giờ xuất bến, một số xe khách vẫn không thể rời đi khi chỉ có vài khách.

"Năm nay thời tiết đẹp nên nhiều người chọn đi xe máy. Dù là ngày cuối cùng bến xe làm việc nhưng so với hàng năm, lượng người đi xe khách giảm đi đáng kể", anh Đinh Quang Huy, một tài xế xe khách tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, cho biết.

Theo Trọng Nghĩa (Vnexpress)
Du lịch, GO!