(DVO) - Những ngày này, đồng bào Mông ở các bản thuộc xã vùng cao Co Mạ (Thuận Châu - Sơn La), nơi quanh năm được mây mù bao phủ đang tưng bừng đón cái Tết truyền thống của dân tộc mình. Lúc này, những thiếu nữ dân tộc Mông đang hăm hở đi chơi hội, ném trái pao (tiếng Mông gọi là "pó po") để tìm kiếm một nửa kia của mình.


Ném Pao, tiếng Mông Trắng gọi là "pó po", là một trong những trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Ở nơi nào có người Mông sinh sống thì ở đó có "pó po".


Trò chơi ném Pao thường diễn ra từ ngày mồng 1 Tết và kéo dài đến mồng 5.


Có mặt tại những bản Mông thuộc xã Co Mạ vào những ngày này, ở 2 ven đường du khách sẽ bắt gặp những thiếu nữ Mông xinh xắn, trên người khoác lên bộ áo váy sặc sỡ, tay cầm quả Pao ném qua lại giữa 2 người với nhau.
Dulichgo

Các cô gái Mông tạo dáng trước khi đi "pó po" để tìm kiếm bạn tình.


Trò chơi "pó po" thường được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng.


Ở một số bản vùng cao, địa hình đồi núi dốc nhiều như Co Mạ thì các nam thanh, nữ tú dân tộc Mông thường lựa chọn những bãi đất rộng ở 2 ven tỉnh lộ để ném Pao.
Dulichgo

Ném Pao biểu tượng cho tình yêu lứa đôi của những cô gái và chàng trai người Mông. Từ "pó po" này mà nhiều cặp nam thanh, nữ tú đã nên duyên vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau.


Những cô gái Mông đang chơi ném Pao trên sân, khi thấy các chàng trai lạ từ các bản khác đến đứng ở ngoài sân, cô gái nào thấy ưng ý với chàng trai nào thì họ sẽ thể hiện tình cảm bằng cách ném quả Pao thẳng vào vị trí của đối phương.
Dulichgo

Cách chơi trò ném Pao rất đơn giản, ai cũng có thể chơi được. Một bên là nam, một bên là nữ, khoảng cách giữa 2 bên khoảng từ 5 - 6m, họ dùng đôi bàn tay cầm nắm quả Pao di chuyển thoăn thoắt ném đi, ném lại cho nhau.

Theo Tuệ Linh (Dân Việt)
Du lịch, GO!