(LĐO) - Hôm nọ ở hồ Lăk (huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk). Đang đi thì đập vào mắt liên tục những bóng cây kơ ni “già” có “trẻ” có. Những tưởng kơ nia – một danh mộc huyền thoại của người Tây Nguyên đã tuyệt chủng nhưng không phải.

< Cây Kơ nia bên hồ Lăk.

Kơ nia có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Kơ nia được phân bố rộng rãi tại châu Á, cây có mặt tại Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Ở Việt Nam, cây này phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ và còn mọc ở các đảo Phú Quốc, Côn Đảo nhưng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nhất là ở Sa Thầy - Kon Tum, Lắk, Bản Đôn - Đắk Lắk...
Dulichgo
Kơ nia là loài thực vật thân gỗ lớn, tán cây thường có hình trứng, sậm rất đặc trưng xanh quanh năm và có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão.

Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào Tây Nguyên, họ coi loài cây này là nơi trú ngụ của thần thánh, vong linh những người đã khuất nên rất ít khi họ đụng chạm, chặt phá chúng. Vì vậy, trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa.

Thú vị là cây Kơ nia có… cây đực và cây cái. Cây cái thì mỗi năm hoặc hai ba năm sẽ cho quả kiểu như hạt dẻ, đập ra ăn có vị béo, thơm quyện nơi chót lưỡi.

Gỗ Kơ nia rất chắc, muốn cưa thì phải chọn lúc cây còn ướt nhưng khi xẻ ván rồi thì lại dễ bị mọt. Người bản địa dùng gỗ Kơ nia để làm thớt, cối dã gạo.
Dulichgo
Từ một loại cây thiêng với người đồng bào Tây Nguyên, kơ nia bất ngờ trở thành “danh mộc” khi bài thơ “Bóng cây Kơ nia” của nhà thơ Ngọc Anh và bài hát cùng tên do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, phổ biến đến với nhiều người, nhiều thế hệ. Bây giờ du khách khi đến Tây Nguyên thường kiếm tìm, xem thử tận mắt cây kơ nia.

Với những câu thơ "Mẹ hỏi cây kơ nia/ Rễ mày uống nước đâu/ Uống nước nguồn miền Bắc", nhiều người còn ví vui, đây là loài cây có bộ rễ... dài nhất Việt Nam!

Xưa kia cây kơ nia ở vùng đất Tây Nguyên rất nhiều, nhưng hơn chục năm trở lại đây, hàng ngàn cây kơ nia trên toàn Tây Nguyên đã bị đốn hạ không thương tiếc vì nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt loài cây này là mục tiêu của những chủ lò sấy thuốc lá vì than cháy đượm và lâu tàn.

Ở Tây Nguyên, giờ cây kơ nia còn nhiều nhất có lẽ ở khu vực quanh hồ Lăk với khoảng 200 cây mọc rải rác ở những cánh rừng quanh hồ, trong đó có một số cây khoảng 30 năm tuổi…
Dulichgo
Người ta gọi kơ nia là cây “mồ côi” bởi loài này không mọc tập trung thành rừng mà rải rác, đơn lẻ. Nó “mồ côi” như một ám ảnh nhân sinh trong các cộng đồng buôn làng ở Tây Nguyên.

Ám ảnh như lời thơ mở đầu bài “Bóng cây kơ nia” của Anh Ngọc: “Trời sáng em lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ nia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh, không ngủ/ Buổi chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ nia /Bóng tròn che lưng mẹ/ Về nhớ anh mẹ khóc...”

Theo Tường Minh (Vivu247)
Du lịch, GO!