(NNO) - Đến bây giờ tôi không còn nhớ mình đã bao nhiêu lần lên Suối Giàng, mỗi lần lên đều có những cảm xúc rất lạ về vùng đất giữa lưng chừng trời nơi đây. Rừng chè cổ thụ Suối Giàng có hơn 300 ha...

“Bao giờ Nghĩa Lộ có kem
Suối Giàng có điện thì em lấy chồng”

Lời thở than của cô gái lỡ thì hơn nửa thế kỷ trước đã khiến bao người xót xa. Còn bây giờ, đêm đêm từ cánh đồng Mường Lò nhìn lên Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) người ta tưởng như cả một trời sao đang tụ hội trên đỉnh núi.

< Cây chè tổ thế hệ 4 của Suối Giàng được vinh danh là Cây di sản.

Sớm nay dự lễ hội Tôn vinh cây chè tổ lòng tôi cứ miên man về một vùng đất giữa lưng chừng trời nơi đây…

Năm 1972-1975 tôi là giáo sinh trường Trung cấp sư phạm Nghĩa Lộ đóng ở bản Nụ, xã Phúc Sơn cách thị xã Nghĩa Lộ 7km. Đó là những năm tháng chiến tranh, trường sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom. Mặc dù vậy, vào những ngày Chủ nhật lũ giáo sinh vẫn cuốc bộ ra thị xã để ăn một bát phở “không người lái” (không có thịt), còn kem là chuyện xa xỉ mãi sau này tôi mới thấy.
Dulichgo
Hồi ấy, tôi đã nghe nói tới cây chè cổ thụ Suối Giàng nhưng mãi tới năm 1990 tôi theo đoàn công tác của Ban Định canh định cư Hoàng Liên Sơn mới được đặt chân lên Suối Giàng. Con đường lên Suối Giàng dài 12 km, nhưng lộc khộc toàn đá, ngày ấy chỉ xe Uoát mới lên được. Nhìn những ngôi nhà thấp lè tè mái lợp bằng gỗ pơ mu rêu phong xanh rì, lợn gà thả rông phóng uế lung tung khắp nơi. Bản Păng Cáng nơi có cây chè đại cổ thụ mọc ở đầu bản phải hai người ôm mới kín gốc, người dân buộc trâu dưới gốc đất nhẵn lì.

< Vườn chè cổ thụ ở Suối Giàng.

Nhìn lên cây, búp chè tua tủa to như những búp đa mà chẳng ai thèm hái. Hỏi ra mới hay, nhà máy chè Suối Giàng không bán được chè nên cũng chẳng thu mua làm gì. Một dạo, tại đây nhiều hộ gia đình phá bỏ chè để trồng lúa ngô.

Tháng 10/1992 nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Nghĩa Lộ, ông Nguyễn Trung Lợi, Chủ tịch huyện Văn Chấn mời đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái lên Suối Giàng, với mong muốn giới thiệu cây chè Suối Giàng cho bạn đọc cả nước biết đến.

Sau chuyến đi ấy tôi viết bài bút ký Thao thức Suối Giàng in trên báo Nhân Dân chủ nhật ra ngày 18/10/1992. Tôi biết ông Lợi không vui khi đọc những dòng: Phân dê mốc trắng phủ quanh nhà máy chè. Mấy trăm héc ta chè cổ thụ Suối Giàng bỏ quên trong mây mù, trong nỗi buồn mất giá…Đó chính là sự thao thức về một vùng cây đặc sản, vùng cây vàng trên núi cao không tìm được nơi tiêu thụ giúp người dân có cuộc sống khá hơn.
Dulichgo
Đến bây giờ tôi không còn nhớ mình đã bao nhiêu lần lên Suối Giàng, mỗi lần lên đều có những cảm xúc rất lạ về vùng đất giữa lưng chừng trời nơi đây. Rừng chè cổ thụ Suối Giàng có hơn 300 ha, trên tổng số 540 ha của toàn xã với hàng chục vạn cây chè cổ thụ có đường kính từ 0,2-1m nằm trên độ cao từ 800- 1.800m.

< Ông Giàng Nhà Lử thực hiện nghi lễ cúng cây chè tổ.

Tháng Giêng năm 2011 tôi tham dự Lễ cúng cây chè tổ tại thôn Giàng B, cây to hơn một người ôm, cành lá xùm xòa phủ kín diện tích gần 20m2. Vào chính vụ, mỗi lần thu hái cây chè này cho từ 20-25 kg. Cây chè tổ đã bị mối tấn công chết cách nay vài năm, người dân đã tìm được một cây trong số 400 cây chè di sản ở Bản Mới để “phong” làm cây chè tổ cho người dân thực hiện những nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.

Ông Giàng Nhà Lử, 85 tuổi người được chọn làm chủ tế trong Lễ hội tôn vinh cây chè tổ được tổ chức sáng 21/8/2018 cho hay: Cây chè tổ này có tuổi đời trên 300 năm, đây là cây chè tổ đời thứ tư. Cây chè tổ đời thứ nhất trên bản Giàng B, bác Phạm Văn Đồng đã tới thăm, cây chè tổ đời thứ hai ở thông Păng Cáng, cây chè tổ đời thứ ba ở thôn Giàng B, cây chè tổ này là đời thứ tư ở thôn Bản Mới.

< Lê Quang Tùng, tác giả chè 5 cực.
Dulichgo
Những cây chè tổ trước đều đã chết vì mối xông. Người dân chúng tôi chọn cây này làm cây chè tổ để cúng hàng năm, mong cây chè ra nhiều búp, giúp người Mông chúng tôi thu được nhiều tiền hơn…

Chè Suối Giàng là giống chè Shan tuyết, lá to, dày và có nhiều răng cưa. Do sống trong môi trường quanh năm giá lạnh và mây mù nên búp chè to như búp đa, trên bề mặt phủ một lớp lông tơ mịn như tuyết phủ. Bởi thế, người ta gọi là chè Shan tuyết.

Năm 1976, viện sĩ thông tấn K.M Djenmukhatze đã tới Suối Giàng nghiên cứu cây chè, ông kinh ngạc thốt lên: Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa ở đâu có cây chè cổ thụ như cây chè Suối Giàng. Bát nước chè xanh ở đây có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới...

< Sập đá có giá hàng trăm triệu đồng.

Với những chứng cứ khoa học ông đã kết luận: "Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây trà thế giới”. Đặc biệt, vùng Suối Giàng được mệnh danh là "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”.

Gần chục năm nay giá thu mua chè Suối Giàng liên tục được nâng cao, tháng 5/2018 giá thu mua chè búp tươi 18.000- 20.000đ/kg, đến giữa tháng 9 giá chè đã nâng lên 34.000- 36.000đ/kg. Anh Lê Quang Tùng một “kỳ nhân” trên đất Suối Giàng đã sản xuất ra loại chè 5 cực nổi tiếng. Loại chè này hội đủ các 5 cực trong quá trình thu hái và sản xuất: Cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon và…cực đắt. Giá thu mua chè 5 cực hiện đang là 300-350 ngàn đồng một cân, giá bán từ 2,5-3 triệu/kg.

< Ngài Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Curcio (phải) bên cây chè cổ thụ Suối Giàng.
Dulichgo
Cách nay 10 năm, lần đầu tiên được tiếp xúc với Lê Quang Tùng, mới hay anh là một trong những người đầu tiên ở Suối Giàng phát hiện và chơi loại đá hoa nhiều màu sắc, từ đó bùng nổ phong trào chơi đá cảnh Suối Giàng, làng nghề chế tác đá cảnh Suối Giàng cũng được hình thành nằm dọc con đường lên Suối Giàng với rất nhiều sản phẩm: Bàn, ghế, sập, bể cá, cốc, chén…đều bằng đá. Có chiếc sập đá màu xanh ngọc rộng dài 2,5 x 3m được khách hàng trả 500 triệu mà chủ nhân vẫn chưa chịu bán.

< Ngài Đại sứ Tây Ban Nha (phải) thích thú trước những sản phẩm chế tác từ đá Suối Giàng.

Đi trên vùng đất Suối Giàng, tôi cứ miên man suy tưởng, phải chăng Suối Giàng là chốn cao xanh nơi mây ngàn hội tụ, ngay từ khi khai thiên lập địa màu mây ngũ sắc đã kết tụ vào đất đá nơi này để làm nên những tác phẩm vô giá cất giấu trong lòng núi hàng chục triệu năm nay mới phát lộ?

Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Curcio trong một lần lên thăm Suối Giàng, ông vô cùng kinh ngạc về những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, ông càng kinh ngạc hơn khi nhìn những sản phẩm được chế tác từ đá Suối Giàng với rất nhiều màu sắc, hình thù kỳ ảo.

Rừng Suối Giàng có một loài trúc đẹp như tranh, người dân dùng loài trúc này đan lù cở và làm nhiều vật dụng khác. Tôi miên man nghĩ rằng sao người ta không biến những rừng trúc kia trở thành khu du lịch khi du khách đến với Suối Giàng ngày một đông?
Dulichgo
Đem nỗi trăn trở này trao đổi với chị Bùi Thị Doan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Văn Chấn, chị cười bảo tôi: Ông Giàng A Súa đã xây dựng khu du lịch sinh thái Cốc Tình diện tích hơn 2 ha từ năm 2016...

Tôi chưa đặt chân vào khu du lịch Cốc Tình do chính người dân ở đây xây dựng, nhưng được biết mỗi năm khu du lịch này đón vài ngàn người. Suối Giàng giống như nàng tiên ngủ trong rừng đang được đánh thức từ chính sự hoang sơ và huyền bí của mình.

Theo Thái Sinh (Báo Nông Nghiệp)
Du lịch, GO!