(QTV) - Trứng kiến gai đen là một trong những món ăn truyền thống của người dân tộc Tày sinh sống tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Gây ấn tượng bởi vị béo ngậy, ngai ngái, những hạt trứng kiến trắng muốt như hạt gạo đã làm say đắm bao thực khách miền xuôi. Được coi là “lộc rừng”, trứng kiến gai đen đã trở thành món ăn mới lạ trên bàn nhậu và trong bữa cơm thường nhật của người dân Quảng Ninh.


“Lộc rừng” hay trứng kiến gai đen là nguồn thực phẩm vô cùng giàu dinh dưỡng và có tác dụng tốt đối với sức khỏe người dùng. Trứng kiến có quanh năm nhưng ngon và nhiều nhất vẫn là vào tháng tư khi những ruộng bậc thang trổ bông và dư âm ngày Tết vẫn còn vương vấn nơi núi rừng Bình Liêu.

Người đi “săn” trứng kiến, vào những ngày nắng to nhất, mới vào rừng tìm những tổ kiến gai đen to tròn trên cây. Sau khi hạ tổ xuống, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài. Người thu trứng để tổ trên mặt phẳng có lót mảnh vải hoặc bao để hứng trứng, sau đó khéo léo dùng dao xẻ tổ ra làm 3 – 4 phần rồi thả lá cây cho kiến bám vào đó. Kiến vỡ tổ túa ra, gặp lá cây liền bám vào và người thu trứng chỉ việc túm chặt và vứt số lá cùng kiến ra xa. Trong tổ lúc này chỉ còn trứng và ấu trùng kiến rơi ra khi người ta đập hai mảnh tổ vào với nhau.


Trứng kiến mang về được sàng sạch bụi bẩn, sạn và xác kiến lớn. Hạt trứng trắng, tròn mẩy được người dân Quảng Ninh chế biến thành món ăn ngon, hấp dẫn, dù chỉ ăn một lần cũng nhớ mãi những mùa sau.
Dulichgo
Xôi trứng kiến

Nếp nương mới đầu mùa được người Tày tự tay trồng và thu hoạch thơm ngát được đồ cùng trứng kiến tạo nên hương vị hài hòa, thú vị. Cắn một miếng xôi trứng kiến, thực khách cảm nhận được vị dẻo thơm của nếp nương lẫn trong những tiếng lốp bốp của trứng kiến ngậy bùi khó quên. Từ người già đến trẻ nhỏ, phụ nữ mang bầu đều ăn được món này bởi nó vừa dễ ăn lại vô cùng bổ dưỡng, ăn một lần lại muốn được thưởng thức lần hai.


Trứng kiến xào xúc bánh đa


Cầu kì và tỉ mẩn từ khâu chuẩn bị đến thành phẩm nhưng trứng kiến xào xúc bánh đa quả thật không phụ công người đầu bếp và những thực khách chờ đợi. Trứng kiến được xào với mộc nhĩ, sả, ớt, hành khô băm nhuyễn sau đó gia giảm gia vị sao cho vừa miệng. Bánh đa chiên giòn như phồng tôm, vàng sáng bắt mắt. Bẻ một miếng bánh đa giòn, xúc miếng trứng và đưa tất cả vào miệng, vừa nhai vừa nghe tiếng bánh đa giòn tan, trứng kiến lạo xạo cùng vị cay cay, bùi bùi thật khó tả.

Bánh trứng kiến

Cũng là gạo nếp nương được ngâm rồi xay thành bột mịn, trứng kiến xào với hành, mộc nhĩ và rắc thêm chút muối vừa miệng, người phụ nữ Tày huyện Bình Liêu, tay thoăn thoắt nhồi bột rồi chia nhân gói bánh. Bánh được gói bằng lá vả - một loại lá chỉ có ở các khu rừng Tây Bắc.


Lá được lựa để gói bánh là lá vả hơi già, không gói lá non vì bánh sẽ nát trong quá trình hấp. Lá vả rửa sạch, bỏ gân, gói bột và nhân thành những chiếc bánh nhỏ xinh và được hấp trong xửng từ 30 – 45 phút. Bánh mềm, dẻo, nhân trứng kiến mặn mặn, ngậy ngậy kết hợp với lá vả mang đậm hương vị núi rừng Bình Liêu khiến người phương xa đi tới, thử một chiếc bánh cũng thấy cả tâm tình núi rừng gói gọn trong đó.
Dulichgo
Ngoài các món ăn chế biến cầu kì, trứng kiến gai đen còn được dùng làm phương thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, đây là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng và giảm đau. Hỗ trợ chữa trị các căn bệnh như viêm khớp, tê thấp, viêm gan mãn tính. Đối với nam giới trứng kiến giúp tăng cường thể lực, phụ nữ da dẻ hồng hào, trí óc minh mẫn,… Tuy ngon và bổ dưỡng nhưng tùy vào cơ địa từng người, trứng kiến gai đen cũng gây mẩn ngứa, mề đay, dị ứng nếu người sử dụng có cơ địa yếu, ăn không quen. Vì thế trước khi quyết định chế biến thành món ăn thường xuyên có mặt trong bữa cơm, các bà nội trợ nên thử một ít trước để đảm bảo các thành viên trong nhà đều không bị dị ứng với loại thực phẩm này…

Theo Tú Châu (QTV.VN)
Du lịch, GO!