(BHG) - Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang 4km, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang là một điểm dừng chân thú vị cho du khách mỗi dịp đến với mảnh đất Hà Giang. Xã Phương Độ được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ bởi nhiều sông suối và rừng núi…

Với dân số chủ yếu là người Tày và người Dao, xã Phương Độ còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của hai tộc người này.
Đến Phương Độ được trải nghiệm kiến trúc nhà sàn, nơi sinh sống nhiều đời nay của người Tày, người Dao. Những ngôi nhà sàn ở Phương Độ gần như vẫn giữ được những nét kiến trúc thể hiện lối sống của người Tày và Dao ở mảnh đất này.

Các thôn người Tày ở vùng thấp, gồm: Thôn Lúp, Thôn Tha, Hạ Thành, Tân Tiến với những nếp nhà sàn mái cọ vẫn được người Tày giữ nguyên vẹn. Nét đặc sắc nhất về kiến trúc nhà sàn của Phương Độ đó là sự kết hợp của quần thể nhà sàn, vườn, ao cá tạo một không gian thoáng mát và gần gũi với thiên nhiên. Riêng 3 bản người Dao: Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài có đặc điểm khí hậu gần sát đỉnh cao Tây Côn Lĩnh nên quanh năm mát mẻ, mây mù từ sáng tới tối; các mái cọ lâu năm của bà con được phủ một lớp rêu xanh đặc hữu khó gặp ở những vùng khác.
Dulichgo
Hiện nay trên địa bàn xã Phương Độ, bà con ở các thôn bản đã mở dịch vụ phục vụ du khách có nhu cầu lưu trú khi tới nơi đây. Các thôn văn hóa du lịch như: Thôn Tha, Hạ Thành, Nà Thác đều có những Homestay đủ tiêu chuẩn, sạch, đẹp mà vẫn giữ nguyên những giá trị về kiến trúc và văn hóa bản địa. Ngủ nhà sàn Phương Độ là một trải nghiệm không gian yên tĩnh, hòa hợp với thiên nhiên của con người miền núi và thưởng thức những nét văn hóa bản địa còn lưu trữ nơi đây. Vùng người Tày Phương Độ là một trong những vùng Tày cổ lưu trú trên 800 năm ở địa bàn Hà Giang. Người Tày nơi đây vẫn còn giữ được những nét riêng về văn hóa bản địa như: Sinh sống trong nhà sàn mái cọ với “linh hồn” là bếp lửa giữa nhà không bao giờ tắt. Sinh hoạt văn hóa đặc sắc với lễ hội Lồng Tông vào tháng Giêng hàng năm, hội Lẩu then Bjooc Mạ vào tháng 3 âm lịch, các làn điệu Then, Cọi, Lượn vẫn được duy trì trong các dịp lễ, tết và đám cưới của đồng bào Tày.

Người Dao áo dài sống trên ba thôn vùng cao của xã trong những ngôi nhà sàn dựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh từ hơn 300 năm nay. Ở đo, hàng năm họ diễn xướng những nghi lễ đặc sắc của dân tộc mình như: Lễ Cấp sắc, nghi lễ khẳng định sự trưởng thành của một người đàn ông người Dao; lễ cưới mang nhiều màu sắc bản địa; lễ Ma khô, một nghi thức tâm linh đưa người quá cố về với tổ tiên và Bàn Vương; lễ Cúng làng một tập tục từ xa xưa của người Dao thể hiện sự gắn kết giữa con người và tự nhiên…
Dulichgo
Người Tày và người Dao ở Phương Độ có nét riêng về ẩm thực gắn với đặc thù sông suối và núi rừng. Các món ăn của bà con nơi đây được chế biến từ nguyên liêu tự nhiên, là những sản vật dân dã như rau rừng, cá suối.

Đặc biệt các món nướng được bà con chế biến đơn giản mà hương vị khác lạ. Phương Độ có một đặc sản nức tiếng xưa nay là cá Bỗng, loài cá sinh trưởng chậm nhưng thịt ngon, ngọt và chắc, có thể chế biến thành nhiều món như nướng, làm gỏi, nấu canh măng chua. Thảo quả và chè Shan tuyết cũng là những sản phẩm không thể bỏ qua của Phương Độ.
Dulichgo
Hệ thống canh tác ruộng lúa nước ở ba thôn vùng cao Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài của xã Phương Độ chỉ xếp sau hệ thống ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì. Hằng năm vào mùa nước đổ và mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang làm say lòng bao du khách ưa khám phá cái đẹp.
Thiên nhiên ưu ái, con người hiền hòa hiếu khách là những gì mà du khách sẽ được trải nghiệm khi đến với mảnh đất Phương Độ. Hiện nay các công ty du lịch đã khai thác các tour khám phá cuộc sống và thiên nhiên của Phương Độ thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới mảnh đất này.

Theo Trọng Toan (Báo Hà Giang)
Du lịch, GO!