(TNO) - Thung lũng Ya Book, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) từng có hàng đàn bò tót, nai... tựu về. Gần 20 năm qua, đồng cỏ 15.000 ha này bị cây rừng xâm chiếm và các loài thú không còn xuất hiện.

Tìm vào "bãi thú" bò tót

Nghe hỏi về "bãi thú", ông Hoàng Văn Hương, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Ya Book, liền chọn 2 xe máy thuộc hàng "chiến mã" chuyên đi rừng rồi đưa chúng tôi tìm vào bãi thú. Con xe máy luồn lách vào rừng cây dày rậm những cây bằng lăng khoảng 15 năm tuổi. Chạy xe được vài km, chúng tôi bỏ xe máy, đi bộ xuyên rừng.

< Băng rừng, lội suối vào bãi thú Ya Book.

Trên đường đi, ông Đào Xuân Thủy, Phó giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, cho biết thung lũng Ya Book có bãi cỏ mà nhiều năm trước thú rừng hay về ở hàng đàn mà nhiều nhất là thú móng guốc như bò tót, nai, sơn dương, heo rừng… Thú ăn cỏ rồi vào đầm lầy ở giữa bãi cỏ uống nước, sau đó lên bờ "nghỉ ngơi" dưới gốc những cây cổ thụ mọc rải rác trong thung lũng Ya Book.

< Đường vào bãi thú Ya Book.
Dulichgo
Theo chân thú móng guốc ăn cỏ, thú ăn thịt kéo về đây kiếm mồi như hổ, gấu, sói rừng (chó rừng). Ngoài ra, linh trưởng, khỉ và các loài chim cũng về đây tìm thức ăn, uống nước. "Thú kéo về nhiều nhất là tháng 4. Đó là sau mùa khô khắc nghiệt làm cánh đồng cỏ cháy và chỉ vài cơn mưa, cỏ nứt lên, non, mềm, thơm, kích thích thú móng guốc", ông Thủy cho biết.

< Trạm đặt máy quay quan sát thú về đồng cỏ đã bị hư.

Một điểm đặc biệt là đầm lầy giữa đồng cỏ không bao giờ cạn nước. Bởi cách đầm lầy chừng vài trăm mét có sông Sa Thầy (đồng bào dân tộc thiểu số địa phương gọi là suối Ia HRai) với 1 nhánh từ Campuchia chảy qua, nhánh còn lại từ suối Đăk Rơ Mao đổ về. Tháng 4 hằng năm, những cơn mưa nặng giúp dòng sông đầy nước, cung cấp nước cho đầm lầy và "giải quyết" cơn khát cho các loài thú, chim về đây trú ngụ.
Dulichgo
Vượt sông Sa Thầy, đi bộ xuyên rừng thêm khoảng 30 phút, chúng tôi đặt chân lên bãi thú nằm ở Tiểu khu 592. Bãi thú một thời của Vườn quốc gia Chư Mom Ray giờ đây là một thảm cỏ xanh rì trên diện tích khoảng 5 ha, các trảng cỏ mọc ngang gối người trưởng thành.

< Dấu chân thú dày đặc trên bãi thú Ya Book do máy quay ghi lại.

Quan sát bãi cỏ, chúng tôi phát hiện dọc ngang là các dấu chân của thú rừng. Một thành viên trong đoàn cho biết dấu chân to là của bò tót, những dấu chân nhỏ hơn là của nai, sơn dương và heo rừng...

Ông Phan Thanh Đông, kiểm lâm Trạm bảo vệ rừng Ya Book, nhìn dấu chân thú rừng để lại và cho biết nhiều nhất là dấu chân bò tót, đó là những dấu chân to lớn và in sâu trên nền đất.

Đồng cỏ mất dần

< Dấu chân bò tót để lại ở bãi thú Ya Book.
Dulichgo
Trở lại bãi thú sau nhiều năm, ông Thủy cho biết ông rất buồn khi không còn tận mắt thấy thú móng guốc trên đồng cỏ này. Thung lũng Ya Book cách đây gần 20 năm là đồng cỏ trải dài tít tắp, rộng 15.000 ha. Giờ đây, rừng cây rậm đã xâm chiếm toàn bộ và dấu tích đồng cỏ chỉ còn lại ở 2 bãi cỏ thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Book và Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Tao.

< Bò tót ở bãi thú Ya Book năm 2009.

Qua tính toán của các chuyên gia về thú móng guốc vào năm 2001 (thời điểm thành lập Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray - PV), số lượng bò tót ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray có từ 25 - 30 đàn, mỗi đàn có khoảng 4 - 6 con, nhưng  càng về sau thì càng ít gặp. Năm 2009, máy quay quan sát ở bãi thú phát hiện 2 đàn bò tót, 1 đàn 5 con, 1 đàn 7 con. Gần nhất là vào tháng 2.2017, một con bò tót nặng khoảng hơn 1 tấn "đi lạc", đâm vào ô tô vận chuyển nguyên liệu xây dựng đường giao thông trên tỉnh lộ 674 (Tiểu khu 677, lâm phần do Vườn quốc gia Chư Mom Ray quản lý) chết tại chỗ. Chú bò tót xấu số này được làm tiêu bản da trưng bày ở trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

< Bãi cỏ còn sót lại trong thung lũng Ya Book.
Dulichgo
"Đó là những lần hiếm hoi thấy bò tót (động vật rừng nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm 1B) sống ở đây. Còn các loài thú đi theo bầy như nai cũng không thấy nhiều nữa. 17 năm rồi chưa có điều kiện điều tra lại nhưng chúng tôi cho rằng các loài thú đã suy giảm đi số lượng rất nhiều", ông Thủy chia sẻ.

< Tiêu bản da bò tót nặng hơn 1 tấn được trưng bày ở Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Cũng theo ông Thủy, những năm gần đây, không ai thấy hổ, gấu, sói rừng, báo… xuất hiện. Vào năm 2009, một phụ nữ ở xã Sa Loong, H.Ngọc Hồi (Kon Tum) bị thú dữ tấn công khi đi làm rẫy. Qua khám nghiệm, ngành chức năng khi đó xem xét vết thương đã nhận định là do hổ vồ. Tuy nhiên, từ đó không thấy dấu vết loài này.

"Khi không còn môi trường sống, thú lớn ăn cỏ đã bỏ vùng này đi, tìm nơi khác sinh sống. Thú ăn cỏ đi đâu, thú ăn thịt cũng theo đó mà kiếm mồi", ông Thủy cho biết thêm.

Theo Phạm Anh (Thanh Niên)
Du lịch, GO!