(BQN) - Biết tôi có chuyến công tác lên huyện vùng cao Tây Trà, một người bạn mời ghé nhà làm đĩa rồng đất (cách gọi vui để chỉ con kỳ tôm là động vật hoang dã sống ở đồi núi). Ở vùng rừng núi, kỳ tôm có nhiều, nhưng không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức.

Đúng như lời hẹn từ trước, sau khi sắp xếp công việc xong, 5 giờ chiều, tôi cùng một người bạn nữa tới nhà ông bạn Hồ Văn Thiết  ở xã Trà Phong (Tây Trà). Thấy chúng tôi đến, Thiết nhanh nhảu từ dưới bếp ra mời chúng tôi vào nhà. ‘Ngồi chơi chờ tui tí nha, tui đang lỡ tay làm mồi, cũng sắp xong rồi’- vừa nói, Thiết vừa đi xuống bếp sơ chế mấy con kỳ tôm.

Mười phút sau, từ dưới bếp, Thiết khệ nệ bê lên dĩa kỳ tôm đã làm sạch sẽ trắng phau và bếp than hồng đang rực lửa. ‘Bữa nay kiếm được 4 con, tui thịt hết để anh em mình dưới xuôi thưởng thức’- Thiết cười tươi nói với chúng tôi.

Sau khi bia, mồi đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi bắt đầu ‘nhập cuộc’. Ngồi bên đĩa kỳ tôm nướng, gắp miếng kỳ tôm thơm lừng đưa vào miệng nhâm nhi, húp ngụm bia lạnh, thật là đúng điệu ‘thần sầu’. ‘Kỳ tôm có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào lăn, xào sả ớt, nấu cháo... nhưng ướp muối ớt nướng trên bếp than vẫn là ngon nhất’- Thiết giải thích với chúng tôi.


Quả thật, đúng như lời Thiết, phải nói rằng món kỳ tôm nướng cực ngon. Thịt chắc, thơm bùi, càng nhai càng ngọt. Với mùi vị ngon, lạ nên chúng tôi hiểu được vì sao kỳ tôm được rất nhiều người ưa chuộng tìm mua dù giá bán khá cao. Theo giá thị trường hiện nay, tùy theo kích thước, trọng lượng mà kỳ tôm có giá từ 250- 300.000 đồng/kg.
Dulichgo
Vừa ngồi nhâm nhi, chúng tôi vừa trò chuyện và không quên hỏi Thiết về đặc tính cũng như cách ‘săn’ món mồi nhậu ‘đưa cay’ tuyệt vời này. Ông  bạn vui tính nghe tôi cà khịa cũng tiết lộ đôi điều về con rồng đất này.

Thiết bảo, về hình dạng, kỳ tôm cũng giống như kỳ đà. Chúng thường sống dọc theo những con suối, dòng sông giữa cánh rừng đại ngàn. Thức ăn chính của kỳ tôm là các con trùng nhỏ, cá và các loại hoa trái nằm trong vùng ẩm thấp. Điểm đặc biệt là, kỳ tôm có thể chuyền từ cành cây này qua cây khác một cách rất điệu nghệ, hoặc có thể lao thẳng xuống mặt nước như một mũi tên khi theo đuổi con mồi.


‘Khác với một số động vật khác, kỳ tôm có đặc tính cứ vào buổi chiều, khi mặt trời lặn là leo lên đậu ở các cành cây gần mặt nước, đến sáng xuống nước tắm rồi lên phơi nắng’- Thiết cho biết. Với tập tính, ban ngày kỳ tôm kiếm ăn trên các ghềnh đá, bên bờ suối nước dọc theo triền rừng, đêm đến chúng ngủ vắt vẻo trên cành cây bên bờ suối phòng khi có kẻ thù tấn công thì nhảy ngay xuống nước lặn trốn, nên kỳ tôm bắt dễ nhất là vào ban đêm.
Dulichgo
Nói đến đây, Thiết ngừng câu chuyện, mời chúng tôi cụng ly, uống hết ly bia rồi tiếp tục câu chuyện. ‘Tui biết bắt con này từ hồi còn nhỏ. Sau này lấy vợ, những lúc nông nhàn tui cũng vô rừng bắt về ăn, nhiều thì bán cho mấy quán nhậu. Dụng cụ bắt kỳ tôm đơn giản lắm! Chỉ cần một chiếc đèn pin một dây phanh xe đạp làm thòng lọng gắn vào đầu một thân cây dài khoảng 2m, túi đựng... là có thể hành nghề’- vừa nói, Thiết vừa chỉ bộ đồ nghề treo ở góc nhà.

Tuy nhiên, để bắt được kỳ tôm, Thiết bảo, cũng cần phải có kinh nghiệm. ‘Khi dùng đèn pin soi, phát hiện nó, thì nhẹ nhàng đi tới, tránh phát ra tiếng động khiến nó tỉnh giấc, chúng sẽ nhanh chóng nhảy xuống suối lặn mất. Sau đó, cẩn thận đưa thòng lọng vào cổ và giật mạnh. Khi ấy nó không còn đường chạy, và cũng phải nhớ khéo léo, nếu không sẽ bị bộ răng sắc nhọn hoặc móng vuốt cứng như dao của nó, cào tước da thịt’- Thiết chia sẻ kinh nghiệm.


Theo lời kể của Thiết, ngày trước ở vùng rừng núi kỳ tôm rất nhiều. Nó chạy lăng xăng ngoài bờ suối, thậm chí vô cả vườn nhà người dân. Mỗi đêm đi ‘săn’ Thiết cũng kiếm được mươi con, bán được cả tiền triệu. Nhưng khi phát hiện con vật là món ăn ngon, bổ dưỡng người ta đã đổ xô lên rừng, lên suối ‘săn’ nên số lượng ngày càng ít dần.
Dulichgo
Hiện tại, không ít các quán bán đặc sản biển rừng từ thôn quê cho tới thành thị có món đặc sản kỳ tôm này. Và để tạo sự lạ lẫm cho các thực khách họ đã lấy rất nhiều cái tên khác nhau để đặt cho món kỳ tôm. Nhưng với tất cả những người đã từng thưởng thức qua món thịt kỳ tôm thì đều có chung một nhận xét là ‘đáng đồng tiền bát gạo’.

Chúng tôi chia tay Thiết khi đã đồng hồ cũng đã điểm hơn 21 giờ, trên đường về tôi chợt nghĩ, kỳ tôm hoang dã được xếp vào loại động vật được bảo vệ, tuy nhiên, với tốc độ săn bắt như hiện nay cộng với đặc tính sinh sản không cao, môi trường sống dần bị thu hẹp thì một ngày không xa, kỳ tôm ngoài tự nhiên sẽ ngày một khan hiếm.

Theo HP (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!