(BCB) - Hang Thẳm Khẩu, xã Tam Kim (Nguyên Bình) là nơi tập trung quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) chiều 24/12/1944, ngay sau 2 ngày được thành lập để chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Năm 2010, địa điểm hang Thẳm Khẩu đã được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, đấu tranh cách mạng cho các thế hệ.

Hang Thẳm Khẩu gắn với giai đoạn lịch sử thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, Đội VNTTGPQ được thành lập gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trước đó, từ tháng 11/1944, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Việt Minh đã bắt tay nghiên cứu chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên. Sau khi bàn bạc và cân nhắc kỹ các phương án, Ban Chỉ huy quyết định chọn đồn Phai Khắt mở màn cho trận đánh đầu tiên của Đội VNTTGPQ, tiếp đó đánh đồn Nà Ngần. Chiều 24/12/1944, toàn Đội tập trung quân tại hang Thẳm Khẩu.

Chọn hang Thẳm Khẩu là nơi tập trung quân để chuẩn bị đánh trận đầu “phải thắng” bởi hang nằm ở lưng chừng núi cách làng Phai Khắt khoảng 500 m về phía Tây Bắc. Hang sâu khoảng 3 m, dài khoảng 12 m, có thể chứa được gần 40 người, hang khô và thoáng. Trong hang có nhiều mô đá nhỏ gồ ghề, trước hang có nhiều cây mọc che kín cửa hang. Hang không có nhiều ngóc ngách, thuận tiện cho việc lui, tiến. Bên phải hang có một phiến đá to bề mặt tương đối bằng phẳng được sử dụng làm bàn để vẽ sơ đồ đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Địa điểm hang Thẳm Khẩu vừa bí mật vừa thuận lợi cho việc quan sát. Từ năm 1941 - 1944, hang Thẳm Khẩu được sử dụng làm trạm liên lạc đưa cơm cho các đồng chí hoạt động cách mạng, như: Nông Văn Lạc, Dương Văn Đội, Tô Tiến Lực...
Dulichgo
Sau khi tập trung quân tại hang Thẳm Khẩu để bàn bạc, quan sát, ngày 25/12/1944, một số đội viên của Đội VNTTGPQ đóng giả thường dân đi trinh sát đồn Phai Khắt. Trung đội vũ trang của xã Thể Dục (Nguyên Bình) được phân công phục kích con đường từ châu lỵ Nguyên Bình vào Phai Khắt. Trung đội của xã Hoa Thám đảm nhận nhiệm vụ canh gác đường từ Ben - Le Nà Ngần vào; phụ nữ địa phương làm nhiệm vụ tiếp tế cứu thương; đội tự vệ bố trí thành một mạng lưới xung quanh vị trí trú quân của Đội VNTTGPQ để phòng trường hợp bất trắc xảy ra. Sau khi trinh sát và nắm rõ tình hình của địch ở cả 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần, chiều  25/12/1944, toàn đội xuất phát đánh đồn Phai Khắt. Nửa đêm 25/12/1944, Đội VNTTGPQ hành quân đến xã Cẩm Lý (nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình), cách đồn Phai Khắt khoảng 15 km để đánh đồn Nà Ngần. Sáng sớm 26/12/1944, quân ta tiến đánh đồn Nà Ngần. Cả 2 trận đánh, quân ta giành thắng lợi giòn giã.

Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh hang Thẳm Khẩu là một trong 5 điểm di tích nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, liên quan đến sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ, gồm: Di tích khu rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; Vạ Phá, xã Tam Kim; di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám. So với các điểm di tích khác, di tích hang Thẳm Khẩu chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm, không còn giữ được nguyên trạng như trước, rừng cây to đã bị chặt, nay là rừng tái sinh, thông tin về di tích còn hạn chế...
Dulichgo
Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, cơ quan chuyên môn và nhân dân cần có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn nguyên trạng di tích; phối hợp tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di tích; bổ sung vào di tích những yếu tố cần thiết nhằm phát huy tác dụng di tích, như: làm đường vào tham quan, sơ đồ di tích, biển chỉ dẫn...; nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích...

Theo Khánh Hà (Báo Cao Bằng)
Du lịch, GO!