(KTO) - làng Róoc Mẹt, xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, trong mỗi ngôi nhà hầu như đều có treo một cái đầu trâu. Già làng A Dên nói rằng, đó là một trong những phong tục từ bao đời nay của người Giẻ Triêng để xua đuổi ma làng, xui xẻo, rước may mắn về nhà.
Khi trong nhà gặp nhiều xui rủi hoặc những ngày vui: tết, cưới hỏi, khánh thành nhà… gia chủ liền làm trâu để cúng xin hoặc tạ ơn Yàng. Đầu trâu sau khi cúng được treo trong nhà để xua đuổi ma làng, đem lại may mắn.

Cúng trâu

Đến Đăk Nhoong, cả đoàn chúng tôi lấy làm lạ khi nhìn thấy phía trước mỗi nhà đều treo 1 cái đầu trâu, có gia đình treo 2-3 cái. Quan sát kỹ, nhận thấy, có đầu trâu còn rất mới nhưng cũng có cái đã khô lại, chỉ còn sọ đầu và 2 cái sừng khô chỉa ra phía trước.

Thấy khách muốn tìm hiểu, già làng A Dên nhoẻn miệng cười rồi bảo: “Có gì lạ đâu, gần 100% dân làng mình (85 hộ) treo đầu trâu trước nhà. Đó là tục của con Giẻ (người Giẻ Triêng- PV) từ bao đời nay rồi”.

Theo phong tục của người Giẻ Triêng nơi đây, mỗi khi trong nhà gặp nhiều điều xui rủi hoặc có niềm vui, gia chủ liền làm một con trâu, mời bà con đến, cúng báo với Yàng để giải xui hoặc chia vui cùng cả làng.

Chỉ vào chiếc đầu trâu treo trước nhà, ông A Mân, người dân trong làng bảo rằng, tháng 8 vừa qua, thấy trong nhà có nhiều điều không may, ông làm trâu để cúng, xua hạn, rước may mắn về nhà. Trước đó, khi về nhà mới, ông cũng cúng trâu để tạ ơn Yang và cầu mong cho gia đình nhiều niềm vui, rước lộc vào nhà.
Dulichgo
Không chỉ ông Mân, cách đây 2 năm, gia đình ông A Rao cũng làm một con trâu vừa để cúng giỗ ông bà tổ tiên, vừa xua xui rủi, đau ốm liên miên trong nhà. “Có gia đình 1 năm làm 2 lần, có gia đình 2-3 năm mới làm. Như gia đình mình, 2 năm nay thấy mọi việc bình thường, êm xui nên không làm trâu cúng” – ông Rao nói.

Trước ngày làm lễ cúng trâu, gia chủ chuẩn bị kỹ càng mọi thứ rồi đi thông báo thời gian cụ thể cho bà con dân làng. Hộ gia đình định cúng sẽ mua 1 con trâu, không bắt buộc phải trâu lớn hay trâu trắng, tùy vào điều kiện kinh tế gia đình. Trước ngày làm lễ, dân làng cùng hỗ trợ gia đình chặt tre, dựng 1 cây nêu trước nhà.

Hôm sau, khi đã cột trâu vào cây nêu, người đứng đầu gia đình (có thể là nam hoặc nữ) sẽ làm lễ, khẩn xin Yàng chứng kiến, nói lên những mong muốn của gia đình.

Sau đó, chủ nhà và những người trong gia đình, họ hàng sẽ cầm 1 cái túi nhỏ, bên trong đựng một ít gạo, 1 quả bắp, chuối, lá rừng đi xung quanh cây nêu 11 vòng, theo thứ tự chủ nhà sẽ đi trước. “Trong lúc đi mỗi người sẽ khẩn cầu, xin Yàng rước đi bệnh tật, đuổi ma làng, đem lại niềm vui cho gia đình, họ hàng, thôn làng” – già làng A Dên nói.

Đi hết 11 vòng là xong phần lễ, bà con nổi chiêng, giết trâu rồi cùng ăn uống, nhảy múa xung quanh cây nêu.
Dulichgo
10 ngày không cho mượn tiền, mượn gạo

Sau khi cúng trâu xong, gia chủ sẽ lấy đầu trâu treo trong nhà. Tùy từng gia đình, có người sẽ treo trong nhà, có người treo phía trước, cũng có người bỏ phía sau nhà, treo trên cây... Nhưng theo người dân nơi đây, thông thường, bà con sẽ treo trước nhà để mọi người biết rằng gia đình đang trong những ngày cúng lễ.

Sau khi treo đầu trâu lên nhà, gia đình chủ tế rất kiêng kị. Trong 10 ngày (tính cả ngày cúng), hàng xóm hoặc bất cứ ai không được đến nhà này để mượn tiền, mượn gạo. Nếu ai đến mượn sẽ bị gia đình từ chối, nhất quyết không cho.

Hơn thế, trong khoảng thời gian đó, hộ gia đình này cũng không lấy tiền ra mua bất cứ thứ gì. “Những ngày cúng cũng như ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, bà con quan niệm, nếu cho mượn hoặc lấy tiền trong nhà đi mua thì không làm ăn được, tiền sẽ ra như nước. Chính vì vậy, họ rất kiêng kị, chỉ nhận và không cho” – già A Dên nói.

Cũng vì những điều kiêng kị nên trước khi tổ chức cúng, gia đình phải chuẩn bị gạo, rau, nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết trong 10 ngày. Nhiều gia đình mong muốn nhận được tiền trong những ngày kiêng kị, trước ngày cúng, họ đem tiền sang gởi nhà hàng xóm để sau khi làm lễ xong, nhờ hàng xóm đem sang cho lại.Dulichgo

Kết thúc những ngày kiêng kị, nhịp sinh hoạt trong gia đình sẽ bình thường trở lại nhưng người dân vẫn treo đầu trâu trước/ trong nhà đến khi nào cũ, mục mới gỡ xuống. “Hơn 2 năm, đầu trâu khô rồi nhưng nhà mình vẫn treo trước nhà để có nơi cho ông bà, tổ tiên về và đuổi ma làng. Khi nào cúng lại mình mới gỡ đầu trâu cũ xuống và treo đầu mới lên” – ông A Rao nói.

Sau lễ cúng trâu, treo đầu trâu trước nhà, nhà nhà trong làng lại an tâm, chăm chỉ làm lụng với một niềm tin: xui rủi qua đi, may mắn về nhà, niềm vui đến làng.
Dulichgo
Mổ trâu, treo đầu trâu sẽ đuổi xui rủi, rước may mắn về nhà – đó là suy nghĩ, niềm tin của người dân nơi đây. Tuy nhiên, con trâu là đầu cơ nghiệp, giết trâu, người dân sẽ tốn một khoản chi phí rất lớn, mất sức kéo, hơn nữa lại tốn công, tốn sức, mất nhiều thời gian.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông A Nang – Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong xác nhận việc giết trâu, treo đầu trâu vẫn diễn ra ở làng Róoc Mẹt nhưng không thường xuyên. Xã cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nơi đây hạn chế việc cúng, tụ tập ăn uống để chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Theo Hoài Tiến (KonTum online)
Du lịch, GO!