(TH) - 56 cây sa mu dầu và 5 cây phay sừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, Nghệ An) vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây di sản. Trong số này có những gốc đường kính 3,7m, cao 60m.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có 85.200 ha nằm trên địa bàn 9 xã của huyện Quế Phong. Đây là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An có diện tích rừng nguyên sinh lớn, độ đa dạng sinh học cao. Tại khu bảo tồn này quần thể cây sa mu dầu phân bố trong những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ chạy dọc biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn 3 xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, Tri Lễ cao 1.200 - 1.800m so với mực nước biển.

Theo khảo sát của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, chạy dọc biên giới Việt - Lào là quần thể cây samu dầu phân bố trong những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ, nằm trong khu vực nhiệt đới hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim.

Quần thể sa mu dầu được chia thành 7 khu vực với số lượng cây lên đến hàng nghìn, trong đó có 56 cây sa mu dầu và 5 cây phay sừng vừa được vinh danh cây di sản Việt Nam.
Dulichgo
Cây có đường kính lớn nhất là 3,7m, chiều cao 60m. Còn lại đường kính bình quân 2m; cao gần 50m. Tuổi đời của những cây này lên đến hàng nghìn năm.

Một gốc sa mu có đường kính 3,7m. Phải nhiều người nối tay nhau ôm mới xuể.

Để tới được vị trí những cây sa mu khổng lồ phải mất 6-7 giờ đi bộ đường rừng, trời mưa gió thì mất cả ngày.

Sa mu dầu thuộc nhóm 1A (loài thực vật quý hiếm) là loại gỗ có vân thớ đẹp, dễ chế biến gia công và đặc biệt có khả năng chịu nắng mưa rất tốt. Gỗ toát ra một mùi thơm dìu dịu, có tinh dầu xua đuổi ruồi muỗi...
Dulichgo
Samu dầu không chỉ tượng trưng cho thực vật Pù Hoạt, hay khu dự trữ sinh quyển miền tây, mà là biểu tượng cho thực vật của giải Trường Sơn Bắc, của hệ thực vật Việt Nam. Những loài cây này không chỉ có giá trị về mặt khoa học, giá trị về nguồn gen, các giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị lớn lao hơn đó là các giá trị về mặt văn hóa.

Cùng với 56 cây sa mu dầu, 5 cây phay sừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng được vinh danh là cây di sản. Những cây này phân bố ở độ cao khoảng 850m so với mực nước biển.

Phay sừng là loài cây thân gỗ lớn, thẳng tròn, cao trên 30m, có những cây tới 50-60 m, đường kính có thể lớn hơn 2m, gốc cây có bạnh vè.
Dulichgo
Gốc phay sừng cổ thụ có đường kính hơn 2m nằm lọt thỏm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chính quyền huyện Quế Phong gắn biển.

Hai loại cây này không chỉ có giá trị về mặt khoa học, về nguồn gen, cũng như về kinh tế mà nó còn tạo ra các ảnh hưởng về văn hóa, tâm linh gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên khu vực giáp biên.

Tại buổi lễ vinh danh chiều, Hội đề nghị khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và nhà chức trách Nghệ An có biện pháp chăm sóc các cây di sản, tránh bị xâm hại.
Dulichgo
Tại Nghệ An, ngoài quần thể 56 cây samu dầu và 5 cây phay sừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được công nhận cây di sản Việt Nam thì cây samu dầu hơn 2.000 năm tuổi ở Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) cũng đang giữ kỷ lục cây di sản Việt Nam là cây cao nhất, thân đơn to nhất với chiều cao hơn 70m, đường kính đơn thân 5,5m.

Theo Hải Bình (Vnexpress) + Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!