(DLQT) - Dã quỳ là một loài hoa dễ mọc, thường nở rộ vào cuối thu đầu đông. Những người “săn” Dã quỳ thường tìm đến Ba Vì, Mộc Châu, Điện Biên, Đà Lạt, Gia Lai để đắm mình giữa màu vàng bạt ngàn của loài hoa hoang dại. Ít ai biết được rằng, Quảng Trị cũng có một mùa Dã quỳ đẹp ngây ngất lòng người.

< Nhóm Phượt Quảng Trị trên hành trình tìm Dã quỳ.

Loài hoa Dã quỳ gắn với một truyền thuyết cảm động về tình yêu đôi lứa. Chuyện kể rằng ở bộ tộc Lasiêng xa xôi vùng Tây Nguyên có một nàng thiếu nữ xinh đẹp tên là H’Ling. H’Linh yêu tha thiết chàng K’Lang. Ngày ngày K’Lang vào rừng săn bắn, hái lượm, H’Linh ở nhà se sợi dệt vải, tối về họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng.


< Sương sớm vẫn chưa tan.

Nhưng tình yêu giữa hai người lại không được suôn sẻ như mong đợi, bởi trong bộ tộc có chàng LaRihn là con trai của người tộc trưởng cũng ngày đêm thương thầm nhớ H’Linh, nhưng không được nàng đáp lại. LaRihn rất hờn ghen. Cho đến một ngày K’Lang vào rừng như thường lệ, nhưng đến tối không thấy về. H’Linh chờ đợi ba ngày vẫn không thấy K’Lang trở về làng. Nghĩ có chuyện chẳng lành, nàng vào rừng tìm K’Lang. H’Linh đi mãi qua mười mấy con suối, mười mấy cánh rừng mà vẫn không tìm thấy người yêu, quá mệt, nàng ngủ thiếp đi...
Dulichgo
Trong giấc ngủ say nàng mơ thấy K’lang gọi và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Nàng giật mình tỉnh dậy nhớ lại giấc mơ và đi tiếp, quả nhiên đi đến cuối nguồn nàng nhìn thấy một cảnh tượng vô cùng đau xót, K’Lang đang bị những người của bộ tộc Lasiêng trói chặt và dùng những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Nàng chạy tới ôm lấy chàng mặc cho nguy hiểm nàng vẫn quyết bảo vệ người yêu.

< Đoạn đường tại Tân Long, Hướng Hóa.

Vì quá hờn ghen với tình yêu của H’Linh dành cho K’Lang; LaRihn – con trai tộc trưởng Lasiêng đã buông lơi mũi tên hận tình, hắn không ngờ rằng chính mũi tên nghiệt ngã ấy lại bắn trúng nàng – người con gái mà hắn đã ngày đêm thầm thương trộm nhớ. H’Linh chết cùng K’Lang trong tư thế quỳ và ôm lấy chàng không rời.

Về sau, tại nơi H’Linh chết đã mọc lên một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ tràn đầy sức sống mãnh liệt thể hiện cho một tình yêu chung thủy, người đời đã đặt cho một cái tên là lạ và mỹ miều đó là hoa “Dã quỳ”. Người xưa cũng giải thích rằng “Dã” có nghĩa là hoang dã; “Quỳ” có nghĩa là quỳ gục xuống. Dã quỳ không kiêu sa, không quý phái, bởi ngay ở cái tên, đã sẵn mang chút gì hoang dã, lãng mạn.

< Thị trấn Lao Bảo nhìn từ trên cao.

Chúng tôi thực hiện hành trình tìm hoa Dã quỳ trên mảnh đất Quảng Trị vào một ngày cuối tuần đẹp trời. Đoàn xuất phát tại Đông Hà từ sáng sớm, khi mà hơi lạnh của những cơn mưa dai dẳng ngày hôm trước vẫn còn len lõi trong không khí, đọng lại trên nền đất đá ẩm ướt.
Dulichgo
Đã biết bao nhiêu lần đi trên con đường đến với miền Tây Quảng Trị, cũng cảnh vật ấy, những ngọn đồi, những con suối ấy, nhưng mỗi lần là một cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Con đường này bình thường đã ít người qua lại, hôm nay, vào cái thời điểm sáng sớm cuối tuần lại càng thưa thớt – chỉ lác đác vài cái áo khoác hờ, vài cái khăn e ấp trong buổi sớm mai lắm gió.

< Hoa Trẩu.

Đoạn từ thị trấn Krông Klang đi Tân Hợp đường quanh co, một bên là vách núi dựng đứng, phía bên kia là con sông Thạch Hãn vẫn miệt mài chảy về phía hạ nguồn. Những trận mưa đầu đông đã làm lưu lượng dòng chảy con sông mạnh hơn, nhưng vẫn chưa đủ phủ lấp những tảng đá lớn nhỏ lồi lõm lộ ra với đủ hình thù khác nhau.

Đến khu vực Tân Hợp, Khe Sanh mây mù giăng lối, chúng tôi cảm nhận được hơi lạnh phả vào mặt khi mở gương mũ bảo hiểm. Đây là vùng chịu ảnh hưởng của khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Tr­ường Sơn, nhiệt độ trung bình là 22 độ C. Đặc biệt, thị trấn Khe Sanh nằm ở giữa đỉnh Trường Sơn nên có khí hậu rất lý t­ưởng, quanh năm mát mẻ ôn hòa. Người ta ví Khe Sanh như Đà Lạt của Quảng Trị quả không sai. Hay cũng chính những điểm tương đồng này mà ở Đà Lạt có một con đường mang tên “Khe Sanh”?

< Lau nở rộ hai bên đường đi.

Từ Khe Sanh đi khoảng 10km đến địa phận xã Tân Long. Chúng tôi đã được Tân Long đón chào bằng nắng sớm và trời xanh. Chắc do tâm lý “mùa đông” rét mướt mấy ngày qua nên khi thấy bầu trời xanh ngắt chúng tôi thấy vui mừng đến lạ. Hai bên đường, cây cối đung đưa hòa mình trong nắng sớm. Nhìn về phía trước mặt, mây trắng lững lờ cuốn quanh những ngọn núi còn mờ sương. Nhìn từ xa, có lẽ khó nhận biết đâu là sương khói, đâu là mây trời, nhưng tựu chung lại, cảnh vật trên con đường tìm kiếm Dã quỳ khiến cho chúng tôi vô cùng hào hứng.
Dulichgo
Đến gần biên giới Việt – Lào, chúng tôi tạm nghỉ ở Trạm dừng chân Đức Nhân Lao Bảo tiếp thêm nhiên liệu. Đối diện trạm dừng chân có một con đường nhỏ rẽ vào Bản Ka Tăng (phía ngoài có cổng chào nhỏ màu đỏ đề “Bản Ka Tăng Thị Trấn Lao Bảo”).

Đường vào Ka Tăng nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo, hai bên có lác đác vài ngôi nhà của đồng bào dân tộc. Những ngôi nhà này chủ yếu gần đường lộ, càng vào sâu, cảnh vật càng hoang sơ. Lên đến một con dốc cao, chúng tôi dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh, bởi ở gốc độ này có thể thấy toàn cảnh thị trấn Lao Bảo. Đặc biệt, từ đây có thể thấy Hồ Lao Bảo với hình dạng như trái tim án ngự ở trung tâm thị trấn. Từ trên cao nhìn xuống, thị trấn Lao Bảo thật nhỏ xinh và yên bình.

Trong hành trình tìm Dã quỳ, chúng tôi thật may mắn khi được thấy những chùm hoa Trẩu (hoa Trổ) trái mùa e ấp nở trong nắng mới. Cây trẩu là loài cây thân gỗ, thuộc họ thầu dầu, phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, dễ gặp nhất là ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang… Hoa Trẩu thường nở rộ vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.

< Bông hoa Dã quỳ e ấp trong nắng sớm.

Ở vùng đất Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị hoa Trẩu cũng khoe sắc, vào cái thời điểm thật hiếm có: tháng 11. Cành Trẩu trái mùa xòe những cánh hoa trắng muốt dưới tán lá xanh thẩm đong đưa trong gió núi. Hoa trẩu đẹp đơn sơ bình dị và rất đỗi thanh tao. Màu phơn phớt hồng ở nhụy tạo cho những bông hoa trẩu có gì đó e ấp, ngượng ngùng và thuần khiết đến nao lòng. Sắc hoa trắng ngần dưới ánh nắng nhẹ nhẹ đầu đông gieo vào lòng người thật nhiều cảm xúc.
Đi qua một đồng cỏ xanh mướt mắt, chúng tôi bắt gặp một bãi lau trắng muốt trên địa phận thôn Doa Cư, xã Hướng Phùng. Lau mọc hai bên đường, tràn lên trên triền núi tạo thành một suối lau dập dềnh trong gió. Lau ở đây cao quá đầu người, bông không lớn, mọc thành từng cụm.


< Dã quỳ mọc thành cụm hai bên đường.

Vẻ đẹp của bông lau thật trong trắng mỏng manh, chỉ cần một ngọn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm những cành lau phất phơ nghiêng ngả theo chiều gió. Các bạn trẻ đi trong đoàn đều xuýt xoa trước khung cảnh đồi lau thơ mộng, ai cũng tranh thủ chụp thật nhiều bức ảnh kỷ niệm trước khi tiếp tục chặng đường tìm kiếm Dã quỳ.

Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy những cụm Dã quỳ đầu tiên tại thôn Xary, xã Hướng Phùng. Chúng tôi tin chắc rằng không chỉ ở Xary mà các khu vực lân cận vẫn có loài hoa hoang dã này vì nó là loại cây dễ mọc, dễ sinh trưởng và phát triển. Chúng tôi tấp xe vào mé đường, nơi có một rặng Dã quỳ đang khoe sắc. Bông hoa Dã quỳ vàng tròn trịa càng trở nên rực rỡ hơn dưới nắng. Mỗi hoa thường từ 10 đến 13 cánh, tỏa tròn to khoảng 8 – 10 cm, nhụy vàng có những chấm đen nhỏ tạo điểm nhấn cho bông hoa.

< Chụp ảnh kỷ niệm bên hoa Dã quỳ.
Dulichgo
Dã quỳ tuy không lớn như hướng dương nhưng do mọc thành bụi nên khi bung nở tạo nên một thảm vàng rất đẹp. Buổi sáng, hoa Dã quỳ căng tràn sức sống, nhất là khi cái nắng của mùa đông vừa hừng lên, sương vẫn còn đọng trên lá và những cánh hoa. Thời điểm lý tưởng nhất để chụp ảnh hoa Dã quỳ là 9 – 10h sáng hoặc khoảng 3 – 5h chiều là lúc hoa có màu vàng ươm, không quá gắt.

Dã quỳ còn được người ta gọi với cái tên khác là hoa sơn cúc, hoa cúc quỳ hoặc hoa quỳ. Loài hoa dại này có nét đẹp quyến rũ đến lạ lùng. Lại nhớ về câu chuyện truyền thuyết về Dã quỳ, hoa mang vẻ đẹp của người con gái nơi miền sơn cước, dịu dàng duyên dáng không đua hương sắc phấn như các loại hoa khác nhưng luôn mang trong mình một sức sống mãnh liệt, làm say đắm biết bao tâm hồn đến thưởng hoa.

Kết thúc hành trình tìm kiếm Dã quỳ, chúng tôi đã có thật nhiều khoảnh khắc, kỷ niệm đáng nhớ. Khoảng thời gian ấy tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã thực sự được hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ trong trẻo của cảnh sắc thiên nhiên; thấy lòng mình bình yên lạ; và như được tiếp thêm sức mạnh để bắt đầu một tuần làm việc mới với những trải nghiệm, thử thách mới.

Theo Ngô Thị (Dulich.Quangtri)
Du lịch, GO!