(BCT) - Nắng như mật tỏa trên những đám mây bồng bềnh, trải trên những nương lúa vàng ươm, thu trên cao ở Bát Xát chiếm trọn con tim của kẻ miền xa lạc bước tới đây. Ở lưng chừng trời, sắc thu đầy mộng mị…

Mường Hum, Y Tý, Ngải Thầu, A Mú Sung, Sàng Ma Sáo… không còn xa lạ với phượt thủ trên những cung đường Tây Bắc. Tuyến này đi suốt chiều dài huyện miền núi Bát Xát (tỉnh Lào Cai) qua những làng bản, những ngôi nhà trình tường độc đáo và cả những ngôi làng xa tít ở độ cao chừng 3.000 mét so với mực nước biển… Hiếm nơi nào được như Bát Xát, đâu đâu cũng có những cung đường, cảnh thiên nhiên hút hồn lữ khách. Hành trình một vòng từ Sa Pa lên Mường Hum rồi Y Tý, lại đi theo đường ven biên về lại thành phố Lào Cai; là cung đường càng đi càng mê mẩn, để rồi phải trở lại bao lần.

Bát Xát nằm ở độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển, riêng Y Tý cao khoảng 2.000 mét, không khí trong lành và mát mẻ quanh năm. Mùa đông, nhiệt độ vùng này xuống dưới 5 độ C, có những năm xảy ra hiện tượng băng tuyết. Y Tý quanh năm mây phủ vào mỗi sáng sớm và hoàng hôn, cũng là nơi ngắm mây đẹp nhất vùng Tây Bắc.

Lảo Thẩn của Y Tý là ngọn núi anh em với Fansipan. Cao gần 3.000 mét so với mực nước biển với cung đường đầy gian nan, nhưng đỉnh Lảo Thẩn vẫn hấp dẫn nhờ những bản làng ở tuốt trên mây dọc đường đi. Buổi sáng, đứng trên đỉnh núi là biển mây mênh mông. Cả bình minh và hoàng hôn nhìn từ ngọn núi này luôn rực rỡ mây ngũ sắc. Bát Xát còn hai ngọn núi khác đều có độ cao chỉ thấp hơn “nóc nhà Đông Dương” Fansipan là Ky Quan San và Cồ Nhìu San. Khi hệ thống cáp treo mắc từ chân lên đến đỉnh Fansipan, những người mê chinh phục độ cao chuyển sang ba ngọn núi ở Bát Xát để trải nghiệm và chinh phục đúng nghĩa độ khó của núi non Tây Bắc.
Dulichgo
Nằm ở cuối thôn Lao Chải cách trung tâm xã Y Tý chừng hơn mười cây số là cầu Thiên Sinh, theo phát âm của người Hà Nhì bản địa là Thiên Sân Shù, nối hai bờ biên giới Việt- Trung. Điểm đặc biệt của ranh giới này là một con suối sâu hun hút bên dưới mà mới nhìn đã thấy chóng mặt, bổ đôi núi đá và người ta lấy đó làm ranh giới, như thể trời sinh ra là để “Tiệt nhiên định phận”.

Đứng trên cầu vẫn nghe tiếng ầm ầm nước đổ ở bên dưới lòng suối và đổ ra thành con suối trong vắt ở phía xa xa. Người dân bản địa gọi đó là suối Lũng Pô- có nghĩa là con rồng cha để mô tả sự hùng vĩ của nó. Hai bên cầu là Cột mốc 87 làm cơ sở phân định biên giới hai nước. Con suối này đổ ra đến Cột mốc 92 thì giao nhau với sông Hồng tạo thành hai dòng trong xanh và đục ngầu cùng đổ vào Việt Nam. Vị trí này được xem là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt tạo thành vùng đồng bằng cho miền Bắc trù phú.

Sau “đặc sản” mây và những cột mốc thú vị, Bát Xát mùa thu dập dìu những con sóng lúa vàng đẹp ngút ngàn. Ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái) mang vẻ đẹp làm người ta xao xuyến thì ruộng ở Bát Xát lại tạo cảm giác choáng ngợp. Bắt đầu từ bản Xèo, Mường Hum, ruộng bậc thang chất ngất theo địa hình của những ngọn núi chất chồng lên nhau. Từ khoảng đầu tháng 9 trở đi, lúa chuyển sang màu vàng óng ả, dập dìu trong những cơn gió như những con sóng trôi. Lên tới Y Tý, Ngải Thầu, Dền Sáng, A Lù…, ruộng bậc thang nằm sâu về bên dưới tầm nhìn du khách.
Dulichgo
Xen lẫn trong màu vàng trù phú của lúa là những bản làng đẹp như một bức tranh trong miền cổ tích. Ruộng bậc thang ở đây đẹp theo từng mùa. Mùa nước đổ, mùa cấy, mùa mạ, mùa gặt… ruộng mang một vẻ đẹp khác nhau. Cũng những bậc thang ấy, ngay cùng một chỗ đứng, góc nhìn, nhưng vào những thời điểm khác nhau trong năm, du khách luôn có những cảm nhận mới mẻ. Bởi thế, Bát Xát dù còn khó đi nhưng luôn làm du khách cảm thấy lưu luyến.

Mùa thu Bát Xát, nắng nhẹ nhàng như đang tan chảy trên những cánh đồng vàng. Không có cây bàng lá đỏ, bầy sâm cầm nhỏ hay nồng nàn mùi hoa sữa, cốm thơm vỉa hè…, nhưng thu trên vùng cao ở ngay lưng chừng trời vẫn làm người ta xao xuyến và có phần choáng ngợp. Bởi thế, đường lên Bát Xát từ thành phố Lào Cai chỉ dài khoảng 80km, lấy mất khoảng ba giờ xe máy bởi đường xấu, nhưng vẫn có người mất cả một ngày đường hoặc hơn thế nữa bởi có quá nhiều điểm phải dừng, quá nhiều thứ phải ngắm nghía, trầm trồ. Và nơi ấy nếu cuối tuần có những phiên chợ “Thứ bảy Y Tý, Chủ nhật Mường Hum” đúng nghĩa là vén mây đi chợ hay chợ họp trong mây. Bởi có khi chợ nhóm đã lâu mà mây vẫn giăng phủ mờ mịt đầy mộng mị.

“Thứ bảy Y Tý, Chủ nhật Mường Hum”

Hành trình khám phá Bát Xát vào cuối tuần, du khách sẽ được trải nghiệm hai phiên chợ độc đáo của người Mông, Dao, Hà Nhì… ở trùng điệp núi non và thơ mộng của tiết trời Tây Bắc vừa chớm thu lành lạnh.

Chợ phiên thường họp từ tinh mơ. Có người phải thức dậy khi vừa qua ngày mới để xuống chợ. Cũng có người đi chợ từ đêm hôm trước rồi trở về nhà khi quá nửa đêm. Còn du khách, muốn trải nghiệm hai phiên chợ này thì đi từ ngày trước nữa. Tức là, bạn phải có mặt ở thành phố Lào Cai từ thứ sáu để bắt đầu hành trình ven biên rồi ngược lên núi cao để đến Y Tý. Trên đường đi, sẽ dừng chân ở các điểm, như: Cửa khẩu Lào Cai dài lên Y Tý tới cầu Thiên Sinh, tức từ Cột mốc 103 lùi về Cột mốc 87, qua những bản làng và những ngôi nhà trình tường “đông ấm, hè mát” độc đáo của người Hà Nhì. Phải di chuyển từ ngày thứ sáu để bạn có mặt tại trung tâm xã Y Tý trong đêm và tham gia chợ phiên vào sáng sớm thứ bảy.
Dulichgo
Trên bản đồ du lịch, Y Tý không được nhắc tới nhiều nhưng lại đặc biệt đối với phượt thủ và khách nước ngoài bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp hùng vĩ và chân chất với thiên nhiên. Ở phiên chợ, người ta thẹn thùng trước máy ảnh nhưng không hề có chuyện “năm nghìn mới cho chụp hình”. Hoạt động trao đổi hàng hóa, mua bán diễn ra một cách tự nhiên vốn có, không màu mè, trình diễn. Ở đó, du khách thật sự được đi chợ phiên của người bản địa, khác xa những phiên chợ khác ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) hay Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Đến trưa, chợ vãn. Du khách lại hành lý lên đường xuống Mường Hum để chờ phiên chợ hôm sau. Ở Tây Bắc, mỗi Mường là một cánh đồng lớn gắn liền với câu nói “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc” tức bốn cánh đồng lớn rộng tới cả trăm cây số vuông. Mường Hum không được rộng lớn như vậy nhưng hơn hẳn về độ cao và hoành tráng so với Tứ Mường.

Chợ Mường Hum tấp nập và là chợ phiên lớn nhất Lào Cai. Khi sương mù còn dày đặc, đã nghe tiếng người lao xao ở chợ và kéo dài đến hai giờ chiều. Cũng như Y Tý, Mường Hum là phiên chợ còn giữ nguyên nét truyền thống nhưng tấp nập người mua kẻ bán. Tất nhiên, ở đó, cũng có những người tới chợ để gặp gỡ bạn bè, để uống rượu ngô, ăn bát thắng cố… rồi về chứ chẳng mua hay bán thứ gì. Kết thúc phiên chợ, bạn có thể về lại Sa Pa để khám phá thị trấn du lịch trăm năm tuổi đầy cổ kính hoặc xuôi Ô Quy Hồ sang Yên Bái để khám phá đồng lúa Mù Căng Chải.

Theo Hoàng Kiều (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!