(BTN) - Vượt 20km đường 784 từ Bùng Binh, Hưng Thuận trong mưa. Chạm vào đất Bến Củi thì mưa đã ngớt. Nhưng cũng nhờ thế mà được ngắm Bến Củi sau mưa, dù đã nửa chiều nhưng tất cả làng quê nông thôn mới Bến Củi vẫn bừng lên, tươi mới đến không ngờ.

Biết đã “chạm” vào Bến Củi, là nhờ rừng cao su sẫm bóng một bên đường. Rừng cao su miên man, dằng dặc. Nhờ mưa, mới có thêm cảnh tượng: tất cả các vườn rừng đã ngập, những thân cây đen thẫm theo đội hình ngang, dọc xếp hàng như một đội hình quân đang lội nước.

Lại nữa, ở phía sau kia có một vạt rừng mới chặt để trồng mới một thế hệ cao su tiếp nối. Nên cái phông nền ngời sáng ấy càng in đậm bóng những hàng cây. Ðen thẫm, xanh ngời… Và, vì sao nhỉ, những hàng cây ven đường cứ uốn cong mình vào phía lộ? Như là cố tình che mưa nắng cho người đi qua, trả nợ một ân tình. Ân tình ấy là người Bến Củi đã chăm sóc cao su trên miền đất này 111 năm rồi.

Sách “Truyền thống cách mạng xã Bến Củi và Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, lao động và Công đoàn Tây Ninh (1945-1975)” do Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh xuất bản tháng 4.2000 đều xác định cao su Bến Củi có từ năm 1906. Năm ấy: “Công ty cao su Ðông Dương (S.I.P.H) đã lập ra hàng loạt đồn điền trong đó có đồn điền cao su Bến Củi…”.
Dulichgo
Tiếp theo là các đồn điền Vên Vên, Trà Võ, Hiệp Thạnh, Cầu Khởi (1913) và Arnaud, Oconen (1915)… Rõ ràng, Bến Củi là “anh hai” của làng cao su trên đất Tây Ninh, ngày nay đã thành một thế mạnh của ngành nông nghiệp tỉnh. Chỉ hơi tiếc là đi nhiều tuyến đường Bến Củi, căng mắt ra tìm cũng không thể thấy một “cụ” cây nào thuộc thế hệ đầu tiên ấy nữa.

Tất cả đều trẻ trung, mườn mượt một màu xanh óng ả, chẳng biết đây là cháu con thế hệ thứ bao nhiêu? Ấy, cũng vì thế mà từ đường 789 tìm đường về Bến Củi- ngã ba Ðất Sét thật dễ bị lạc.

Nay bạn đã có thể yên tâm, nhờ đoạn đầu mối con đường 789 ấy đã và đang làm. Tại ngã ba cuối đường có biển chỉ đường mới tinh, chỉ cho ta về Bến Củi, lối rẽ phải là sang Dầu Tiếng của Bình Dương. Ðường này mới làm, mặt nhựa thẫm đen sau mưa sạch bóng.

Chẳng mấy chốc lướt xe đã về đến ngã tư trung tâm xã ở ấp 2. Ðến đây chợt nhớ đến chữ “làng” của thời chưa xa lắm. Người dân cao su Bến Củi vẫn còn quen gọi nơi mình ở là những làng 1, làng 2, làng 3, và gần đây thêm làng 4. Như bên kia sông Sài Gòn, là những làng 13, làng 14 của cao su Dầu Tiếng. Chữ “làng” có vẻ nặng tình thương mến hơn với những vùng quê cố cựu cao su.

Bến Củi một ngày mưa! Nền trời âm u sũng nước càng làm cho những công trình mới ở khu trung tâm rực lên màu ngói đỏ. Tươi mới nhất là Trường THCS Bến Củi. Chỉ hai màu: ghi vàng dìu dịu và đỏ ngói.

Có thêm chút óng ánh màu đồng của hàng chữ tên trường trên cái cổng nóc ngói hiên ngang. Ðối diện bên kia đường là ngôi đền thờ đức Thánh Trần Hưng Ðạo. Chỉ có mái đền này là ngói cũ trầm ngâm. Nhưng, lại càng bật lên cái cổng rực rỡ những đỏ, vàng liễn đối, hoành phi dưới mái tươi màu ngói mới. Màu đỏ ấy còn dắt dây qua những trạm y tế xã hay trung tâm văn hoá, sinh hoạt cộng đồng.
Dulichgo
Từ ngã tư trung tâm, đi lối nào cũng là đường nhựa thẳng băng, có lề thoáng sạch. Theo một đường chạy tới, bỗng thấy một bên mình bừng sáng sắc màu lá mạ non xanh. Thì ra, đấy là sân bóng kề bên trung tâm văn hoá xã… Màu mạ non mơ ước ấy đã khiến cả mấy chú bò ra gặm cỏ dưới trời mưa.

Bến Củi dường như là xã “rặt” cao su. Diện tích tự nhiên có 3.524,9 ha, thì đất cao su đã là 2.839 ha. Diện tích lúa chỉ còn dưới 25 ha. Còn lại là cơ sở hạ tầng và một vài trang trại nuôi heo và cá.

Xã có thế mạnh nhất về thuỷ lợi, nhưng lại hầu như không cần kênh mương thuỷ lợi. Một bên phía Ðông là sông Sài Gòn ầm ào nước đổ. Bên Tây lại là dòng kênh Ðông lừng lững trong xanh. Có chỗ, như ở ngoài ấp 1 gần đập chính hồ Dầu Tiếng, mái nhà và vườn cao su như lút dưới bờ kênh. Ra đây, ta sẽ thấy một vùng trời nước bao la khoáng đạt. Thỉnh thoảng mới có một đàn trâu, hoặc dê, bò thong dong gặm cỏ. Cỏ lau phơ phất soi bóng mình xuống dòng kênh in đậm bóng hình núi Cậu phía trời xa.

Ai cũng biết rằng Nam bộ có một miền Ðông “gian lao mà anh dũng”. Nhưng, chắc sẽ ít người biết hơn là Tây Ninh cũng có một “miền Ðông” dũng cảm của riêng mình. Ðấy chính là huyện căn cứ Dương Minh Châu có từ năm 1951. Mà xã cực Tây của huyện miền Ðông này chính là Bến Củi. Vào tháng 7.2017, Ðảng bộ huyện Dương Minh Châu vừa cho ra mắt tập sách nhỏ viết về Bến Củi. Ðấy là: “Truyền thống cách mạng xã Bến Củi huyện Dương Minh Châu (1945-1954)”.

Ðọc sách sẽ thấy chính miền đất cực Ðông này là nơi khai sinh ra phong trào công nhân ở tỉnh nhà. Ngay từ năm 1936 đã có những cuộc đấu tranh đầu tiên đòi “Dân sinh, Dân chủ”. Tiếp theo là các Công hội đỏ và Mặt trận Việt Minh. Ðến ngày 25.8.1945, Cách mạng tháng Tám ở Tây Ninh, thì các đồn điền cao su Bến Củi và phụ cận đã thuộc về tay công nhân cách mạng. Ðến cuối năm 1946 thì hai tổ chức Liên hiệp Công đoàn và Liên đoàn Cao su Tây Ninh đã được thành lập.
Dulichgo
Tờ báo của Liên đoàn Cao su mang tên là “Cao Su Chiến” có tác dụng cổ vũ công nhân cao su đánh giặc. Biết bao chiến công cùng bao máu xương, nước mắt đã đổ xuống đất rừng cao su Bến Củi suốt hai cuộc kháng chiến dài 30 năm.

Bến Củi lại nằm trên tuyến hành lang chiến lược nối Sài Gòn và miền Tây lên căn cứ Dương Minh Châu, nên cùng với vùng tam giác sắt: “Là nơi kẻ thù tập trung càn quét, đánh phá vô cùng ác liệt và cũng là nơi cung cấp nhiều sức người sức của cho các căn cứ kháng chiến trên địa bàn huyện Dương Minh Châu và chiến khu Bời Lời” (sđd)…

Bến Củi kiên cường đánh giặc, cho đến ngày 13.3.1973 đã tự mình giải phóng quê hương. Một vài nhân chứng của cuộc chiến đấu anh hùng ấy vẫn còn đây, như các ông Phạm Văn Tám (Tám Liệt), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Nguyễn Quang Hợp (Tư Ốm), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Họ đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ một người lính của lực lượng vũ trang công nhân Bến Củi…

Nếu như sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh mới chỉ xác nhận xã Bến Củi có từ năm 1958 dưới thời Mỹ Diệm, thuộc quận Khiêm Hanh thì cuốn Truyền thống xã… đã lội ngược dòng xa hơn, tìm lại ngọn nguồn Bến Củi. Ðấy là: “Dưới thời Pháp thuộc vùng đất Bến Củi thuộc làng Ðôn Thuận, tổng Hàm Ninh thượng…”, lúc ấy có nhiều bến sông cho ghe thuyền đến mua củi, nên Bến Củi thành tên xóm, ấp.

Thực ra, nguồn gốc Bến Củi còn xa xưa hơn, đúng ra phải là từ thời triều Nguyễn lập phủ Tây Ninh năm 1836. Trang 416 sách “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” có mục từ Hàm Ninh ghi rằng: “Tổng thuộc h. Tân Ninh, p.Tây Ninh, t. Gia Ðịnh, từ triều Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) có 11 xã, thôn”, trong đó đã kể tới thôn Ðôn Thuận.
Dulichgo
Giai đoạn sau đó, tổng Hàm Ninh được chia hai tổng “thượng, hạ” thì Ðôn Thuận mới thuộc về Hàm Ninh Thượng, và tổng này ban đầu cũng có đến 11 thôn, chứ không phải chỉ 4 thôn như Tây Ninh xưa và sách Truyền thống xã Bến Củi đã ghi. Ðến đầu thời Pháp thuộc, chúng giải thể 5 thôn, vẫn còn lại 6 thôn là: Ðôn Thuận, Hiệp Ninh, Lộc Ninh, Phước Hội, Ninh Ðiền, Long Vĩnh. Tới đầu năm 1941, lại tách Ðôn Thuận thành hai thôn, thì Bến Củi thuộc về thôn Thuận Lợi…

Một chiều kích lịch sử rộng dài trên miền đất cực Ðông huyện căn cứ địa. Và con người của miền đất này, kể cả những người phu cao su đầu tiên đến từ năm 1927, đã làm nên một xã Bến Củi anh hùng; một miền quê cao su bừng sáng hôm nay.

Theo Trần Vũ (Báo Tây Ninh)
Du lịch, GO!

ĐGD: Bến Củi là một xã thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.