Bao báp là loài cây đặc trưng của châu Phi nhưng ngay ở trung tâm TP.HCM có cây được trồng 25 năm, đang nở hoa. Bao báp là một chi của 8 loài cây thân gỗ có kích thước từ vừa đến lớn, trước đây được coi là thuộc họ Gạo (Bombacaceae), hiện nay được coi là thuộc phân họ Gạo (Bombacoideae), có nguồn gốc từ châu Phi (Madagascar với 6 loài, thảo nguyên nhiệt đới Đông Phi 1 loài và Australia 1 loài).

Chúng được chú ý vì có khả năng lưu trữ nước bên trong thân cây to phình ra, với dung tích lưu trữ có thể tới 120.000 lít nước để đảm bảo tồn tại trong các điều kiện khô cằn cao cụ thể trong từng khu vực.

Bao báp là loài cây nổi tiếng của châu Phi, hiếm thấy ở Việt Nam. Nhưng ngay trong khuôn viên ĐH Sư phạm TP HCM (quận 5) cũng có một cây bao báp cao lớn, đang phát triển xanh tốt suốt gần 25 năm qua.
Dulichgo
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM) cho biết, cây được trồng từ hạt giống do thầy Nguyễn Quý Tuấn, nguyên giảng viên khoa Sinh vật của trường, mang về từ Angola năm 1993. "Lý do thầy Tuấn mang hạt giống về vì đây là loại cây nổi tiếng về học thuật, mang hình ảnh mạnh mẽ và là biểu tượng của châu Phi", thầy Hồng nói.

Sau gần 25 năm phát triển, cây bao báp cao khoảng 15 m với bộ gốc to lớn có đường kính bằng vòng tay của 2 người lớn ôm. Ở châu Phi, loài cây này dễ trồng, chỉ cần vứt hạt xuống đất. Cây có chiều cao 5-25 m và sống được hàng trăm năm.

Mục đích ban đầu của thầy Tuấn là muốn uốn cây bao báp thành bonsai trong nhà nhưng không được vì cây lớn nhanh. Nhà chật nên ông phải mang cây vào trường trồng.
Dulichgo
"Cây bao báp trong khuôn viên ĐH Sư phạm lớn nhanh, đến năm 2003 thì ra hoa. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở TP.HCM không hợp nên cây không thể kết trái" - thầy Hồng chia sẻ.

Lá bao báp thường rụng vào đầu mùa khô khiến cây chỉ còn lại những cành trơ trụi. Hoa bao báp ra vào mùa hè với cuống có thể dài đến một mét, nụ to gần bằng nắm tay.

Hoa bao báp to gần bằng một bàn tay, bắt đầu nở vào cuối buổi chiều, rạng rỡ nhất về đêm.
Dulichgo
Dù vậy, hoa nhanh chóng héo rũ ngay sau khi nở được nửa ngày, khi ánh nắng xuất hiện. "Khi cây còn nhỏ, Thảo Cầm Viên Sài Gòn từng đến xin về trồng nhưng nhà trường không đồng ý vì chúng tôi xem cây như báu vật của trường" - thầy Hồng chia sẻ.

TP.HCM còn ba cây bao báp khác nhỏ hơn, được trồng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, có tuổi đời khoảng 20 năm.
Dulichgo
Cây bao báp được trồng rất ít ở Việt Nam. Ngoài TP.HCM, đến nay, cây còn được trồng ở Hà Nội, Kiên Giang và Huế. Trong đó, cây ở Kiên Giang có tuổi đời ước tính khoảng 100 năm.

Theo P.V (Vnexpress)
Du lịch, GO!