(ĐVO) - Việc các đoàn phượt cứ lên vùng cao là mang bánh kẹo cho, nên các em hình thành thói quen xấu, giờ không cho thì chặn đường, rất nguy hiểm.

Ngày 1/5, một đoạn clip được phượt thủ có tên Chí Dũng chia sẻ, đã ghi lại cảnh một nhóm trẻ em dàn hàng, chặn đầu xe, cướp đồ và tấn công những phượt thủ đi qua cung đường Mã Pí Lèng (Đồng Văn, Hà Giang). Và những gì mà lũ trẻ cướp đa phần là bánh kẹo và đồ uống.
Anh Chí Dũng – người quay clip chia sẻ, vụ việc xảy ra vào khoảng 11h sáng ngày 1/5. “Nhóm đối tượng này giật bánh kẹo của rất nhiều nhóm phượt và đây không phải lần đầu. Tôi treo hai hộp bánh ở trước xe mua về làm quà suýt bị giật, hai xe đi trước bị giật mất gói bánh. Ai cũng bực nhưng không muốn làm lớn chuyện”.

Trước thông tin trên, phóng viên Đất Việt đã liên hệ với một số phượt thủ, nhóm phượt hay đi lên vùng Tây Bắc, Đông Bắc để tìm hiểu thêm, đều nhận được sự bất ngờ, các phượt thủ đều cho rằng đây là hiện tượng hy hữu, nhưng cũng có nguyên do.

Suýt đâm phải em bé mới biết đi

Chia sẻ với Đất Việt, bạn Nguyễn Gia Tiến (Hải Phòng) cho biết: "Tôi có đi Hà Giang cách đây 1 năm, cũng đi qua đèo Mã Pì Lèng. Trước đó, tôi cũng đã đi hầu hết các địa điểm nổi tiếng của vùng núi phía Bắc, tuy nhiên, không gặp hiện tượng nào như vậy.

Hầu hết, các em đều đứng bên đường rồi vẫy tay chào khi đoàn của tôi đi qua. Mà thực ra việc cho bánh kẹo cũng tùy vào đoàn phượt, không phải đoàn nào lên cũng cho quà". Bên cạnh đó, theo bạn Tiến, chắc chắn phải một số đứa bé tính cách táo tợn thì mới dám làm việc này và làm nhiều lần thành công thì mới rủ cả đám chạy ra đường.

Trong khi đó, cũng là người thường xuyên đi phượt, bạn Nguyễn Gia Hiếu (Hà Nội) cho hay, tuy chưa gặp trường hợp nào chặn đường xin kẹo, nhưng đã từng bị các em nhỏ trên Sa Pa đến tận nơi xin kẹo bánh, rồi ép mua đồ.

Thực tế, các đoàn đi phượt có tặng quà cho các em thì cũng chỉ muốn chia sẻ một chút với bọn trẻ, nhưng chính những hành động tưởng như rất đẹp này lại đang tạo cho các bạn nhỏ một thói quen xấu. Các bạn nhỏ nghĩ rằng chỉ việc đứng chào các ''phượt thủ '' là sẽ có bánh kẹo. Trong những bạn nhỏ đó có những bạn rất nhỏ, cứ đứng bên đường như vậy rất nguy hiểm cho các em và cả người đi đường.

"Trước đây, tôi rất ấn tượng với các em nhỏ vùng cao, vì các em rất hồn nhiên, rụt rè và ngại tiếp xúc với người lạ. Còn bây giờ chắc đã quen với chuyện các cô chú chạy xe máy qua làng bản của mình. Theo suy nghĩ cá nhân, tôi thấy, chắc chắn đã được cho bánh kẹo nhiều lần, nên các bạn nhỏ nghĩa các cô chú từ thành phố lên sẽ có bánh kẹo, có quà ngon, ra xin sẽ cho, nhưng tùy từng đoàn, không cho mới nảy sinh chạy ra chặn đường.

Vô hình chung các em đang dần tạo ra thói quen xấu, không làm mà vẫn được hưởng thụ. Bản thân tôi cũng suýt đâm phải một bé gái mới tập đi, lúc đó trời chập choạng tối, đúng khúc cua trên đoạn đường từ đồn biên phòng A Pa Chải vào huyện Mường Nhé, Điện Biên.

Sau hỏi mới biết em chạy theo anh trai để xin kẹo bạn tôi đi đằng trước nhưng không kịp, bị ngã ngay giữa đường. Cậu anh mải chạy đuổi theo nên không để ý. Thực sự quá nguy hiểm, nhờ may mắn và có chút kinh nghiệm tích lũy sau những chuyến đi nên tôi đã tránh được", bạn Hiếu kể lại.

Nghỉ học ở nhà để đi xin kẹo, xin quà

Cũng chia sẻ với Đất Việt, bạn Lê Quân Anh (Hà Nam) một người đam mê phượt cho biết: "Đã đi rất nhiều cung đường vùng núi phía Bắc nhưng tôi chưa gặp trường hợp đó bao giờ. Trước đây khi tôi đi Hà Giang chỉ thấy các em giơ tay ra chào, có lần tôi còn được một em bé tặng hoa.

Trước khi đi phượt chúng tôi cũng tìm hiểu và đọc được cảnh báo không nên cho trẻ kẹo vì cho kẹo trẻ sẽ bỏ học để đi xin, nên chưa bao giờ đoàn phượt của chúng tôi cho kẹo trên vùng cao, chỉ mua đồ ủng hộ. Chỉ có lần được nghe cậu bạn thân kể, khi đi phượt Lai Châu thì lúc ngồi nghỉ bên lề đường cũng có bị mấy bạn nhỏ đến nhờ mua đồ, có em còn địu cả đứa em 3 tháng mới sinh đi bán, không mua thì không được, các em đeo bán mua thì thôi. Thực sự các bạn nhỏ vùng cao hiện nay đã khác trước đây rất nhiều, không còn hồn nhiên như xưa nữa".

Là người đam mê những cung đường, bạn Nguyễn Tiến Lộc (Lào Cai) chia sẻ: "Theo tôi được biết thì những câu chuyện này chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, nhưng nói chặn thì không đúng lắm, mà là ra xin theo cách của riêng mình.

Đây là hậu quả của việc trước đây nhiều người đi phượt mang theo bánh kẹo, bong bóng phát cho các em, tạo nên một thói quen. Trẻ em vùng cao khác với trẻ em thành phố, cứ nhìn thấy quần áo có phản quang, đi đoàn đông, các em sẽ nghĩ ngay đến chuyện được phát bánh kẹo, quà tặng.

Cách đây không lâu khi đi lên Hà Giang, tôi được chứng kiến nhiều em bỏ học để ra đứng ở đường vào các ngày thứ 7, chủ nhật để chờ phượt thủ lên. Thậm chí có phụ huynh bắt con em mình phải mang đồ đi bán dọc các nơi. Chính vì thế, mới đây xuất hiện phong trào tuyệt đối không mua hoặc tặng cho các em bất kỳ quà gì khi đi phượt, không cho thì các em chặn đường như vừa qua".

Cho cũng phải đúng cách

Đưa ra ý kiến về sự việc trên, bạn Vũ Đình Đại (Hà Nội) chủ nhóm phượt Ngay cho rằng, đây là những sự việc khá hy hữu, nên mới được mọi người quan tâm.

"Còn tình trạng bị người dân tộc họ cố tình đâm vào mình, rồi gọi cả làng ra ăn vạ thì không thiếu. Có lần đi Lai Châu đoàn của tôi bị một người đi ra giữa đường đột ngột va nhẹ vào họ, họ lăn ra đường ăn vạ, rồi phải đền tiền. Còn các em nhỏ chả lẽ lại học chiêu bài này của người lớn, hay bị bố mẹ xui.

Tôi đi phượt nhiều, cũng nói chuyện với giáo viên trên đó nhiều, được biết, việc học sinh bỏ học mỗi khi có lễ hội là thường xuyên, vì thế mới có nhiều biển báo không cho kẹo trẻ em, tránh tình trạng nghỉ học. Nhưng có vẻ việc người du lịch lên vùng cao quen mang theo quần áo cũ, kẹo bánh nó thành điều tất nhiên, nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt.

Có thể ban đầu xuất phát từ lòng thương nghĩ trên đó các em rất thiếu thốn, nhưng kể cả việc đi từ thiện đến cũng không đúng. Đa phần các đoàn chỉ đến điểm trường chính ở thị trấn, mà có lúc 1 tuần trường đón đến mười mấy đoàn từ thiện, vì các trường trong bản rất khó đi.

Chính vì thế, mới tạo ra hiện tượng chỗ có chỗ không, các em ở điểm trường trong bản khổ thực sự thì không có đồ, nên cứ đi bộ mười mấy cây xuống quanh khu du lịch để xin đồ". Cho nên, theo bạn Đại, cho cũng phải biết cách cho đúng cách, thường các đoàn đi lên trên đó không tin chính quyền hay nhà trường, giao cho phát hộ, nên đến được điểm nào phát ngay tại điểm đó, tạo hiện tượng cho vô tội vạ, không có tổ chức.


"Có lần tôi đi thiện nguyện không đến được tận bản, đến chân núi thì phải có gần 20 anh trai bản phóng xe Win chở cả đoàn lên, đường thì một bên vực, đường bé chỉ nửa mét, các em nhỏ trên đó khổ lắm, nhưng không đoàn nào dám lên.

Mùa đông chúng ta mặc 4 cái áo, các em vẫn cởi chuồng, nên tốt nhất các đoàn phượt đừng tạo tiền lệ xấu", bạn Đại nhấn mạnh.

Theo Châu An (Đất Việt)
Du lịch, GO!