(SMO) - Với những người có sở thích dã ngoại kết hợp mua sắm vào dịp cuối tuần, thăm làng nghề cổ ngàn tuổi bằng tuyến buýt 47A Long Biên-Bát Tràng sẽ đáp ứng nhu cầu này. Hơn thế, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân Bát Tràng cũng như có cơ hội “sắm vai” thợ gốm nổi danh trong và ngoài nước.

Khởi đầu hành trình ở bến Xe Long Biên, du khách chỉ việc ngồi yên vị cho đến khi xe đến điểm cuối cách chợ Bát Tràng 100m. Từ đây, du khách có thể tản bộ (hoặc sử dụng dịch vụ xe trâu với giá 150-200 nghìn đồng/xe 10 người) trên những con đường làng quanh co để tìm hiểu làng nghề đã có khoảng 1.000 năm lịch sử.

Tương truyền: Làng gốm Bát Tràng hình thành từ thời Lý. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình về kinh thành Thăng Long lập nghiệp. Đến Bạch Thổ thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng) nhận thấy nơi đây có nguồn nguyên liệu tốt (đất sét trắng) để làm đồ gốm, 5 dòng họ này đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.Dulichgo

Do nhu cầu phát triển kinh tế, nhiều thương gia, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long hành nghề và lập nghiệp. Nhờ đó, Bát Tràng từ làng gốm bình thường trở thành trung tâm gốm nổi tiếng của Đại Việt. Thêm nữa, trong quá trình hội lưu với các nền văn hóa bên ngoài, một số kỹ thuật làm gốm tiên tiến như nước men rạn trắng, nước men sắc màu vàng đỏ, nước men màu đỏ, màu vàng thẫm... đã được người dân Bát Tràng tiếp thu và tiếp tục sáng tạo qua nhiều đời. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, các thế hệ nghệ nhân và thợ gốm Bát Tràng tiếp tục học hỏi, sáng tạo để tạo nên thương hiệu gốm Bát Tràng danh tiếng ngày nay.

Không chỉ có vậy, đến với làng nghề Bát Tràng, du khách còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường nhật cũng như “mục sở thị” và tham gia vào quy trình sản xuất gốm Bát Tràng. Bởi dọc hai bên đường làng quanh co có khá nhiều gia đình làm gốm sứ. Du khách có thể vào tham quan để tìm hiểu quy trình làm gốm hoặc xem các thợ gốm hành nghề hay đơn giản mua một vài món đồ ở những cửa hàng tại gia với giá rẻ hơn ngoài chợ về làm kỷ niệm. Thậm chí, du khách có thể trực tiếp tham gia một công đoạn nào đó của quy trình này. Trong đó, “nặn gốm” mang đến “người chơi” nhiều trải nghiệm thú vị. Vì thế, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội được một lần vào vai thợ gốm khi đến Bát Tràng để tìm hiểu cách thức và công đoạn làm gốm của làng nghề nổi danh bậc nhất Việt Nam.

Khi tham gia trò chơi này, du khách sẽ được cung cấp cục đất to, hơi ẩm cùng bàn xoay đúng điệu. Người chơi chỉ cần đặt cục đất giữa bàn xoay là có thể thỏa thích tạo hình theo ý muốn. Với đa số du khách, làm cốc, bát và những đồ dùng hình tròn được nhiều người thực hiện, bởi nó không quá khó. Với những người khéo hơn, có thể nặn hình thù các con vật. Sau khi nặn xong, du khách có thể thực hiện tiếp công đoạn hong khô trong thời gian 30 phút trước khi tô vẽ, trang trí cho sản phẩm. Sau đó, sản phẩm sẽ được người thợ phủ bóng bên ngoài để giữ cho sản phẩm được bền hơn với thời gian, giúp du khách có thể lưu giữ kỷ niệm cho một lần đến Bát Tràng. Hiện tại, nhiều gia đình ở Bát Tràng tham gia cung cấp dịch vụ này. Do đó, du khách có nhiều cơ hội lựa chọn dịch vụ với giá cả hợp lý, từ vài chục nghìn đến khoảng 200 nghìn đồng, tùy vào dịch vụ mà du khách sử dụng.

Trong khi chờ đợi sản phẩm hoàn thiện, du khách có thể sử dụng dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi do những gia đình này cung cấp. Với chi phí khoảng 100-200 nghìn đồng/người (tùy thực đơn, không kể đồ uống), du khách sẽ có được bữa trưa ngon miệng với nhiều món ăn đa dạng và phong phú. Bằng không, du khách có thể ăn nhẹ bằng các đồ mang theo chờ lấy sản phẩm hoàn thiện rồi tảo bộ quay lại chợ Bát Tràng để thưởng thức các món ăn dân dã nơi đây như bánh tẻ nóng, cơm, bún, miến... ở các quán cạnh chợ với giá cả phù hợp với túi tiền của mỗi người. Trong đó, canh măng mực là món ăn du khách nên thử. Bởi giờ đây, canh măng mực trở thành đặc sản địa phương, nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân gốm Bát Tràng.

Khi đã no bụng, du khách có thể mặc sức mua sắm tại chợ Bát Tràng. Nơi đây được chia thành các gian hàng nhỏ bày bán đủ loại hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến gốm sứ: Từ những gian hàng bát đĩa cao cấp, đồ trang trí đẹp mắt đến đồ thờ cúng, tiểu cảnh non bộ, những món đồ lưu niệm, cốc chén và các món bát đĩa bình dân. Khi mua sắm trong chợ, du khách có thể mặc cả, chú ý kiểm tra hàng trước khi ra khỏi quầy. Khi tham quan trong chợ, du khách cần thận trọng để tránh vô ý làm vỡ đồ được các chủ hàng bày la liệt dẫn đến phải đền tiền. Nếu mua đồ lớn, cồng kềnh, du khách nên sử dụng dịch vụ chuyển đồ của cửa hàng tránh tình trạng đồ bị vỡ, hỏng hóc khi vận chuyển.
Dulichgo
Khi đã thăm thú và thỏa thích mua sắm món đồ cần thiết, du khách quay lại bến, lên xe buýt 47A cách chợ 100m để trở về bến Long Biên, kết thúc hành trình khám phá làng nghề Bát Tràng đã có gần 1.000 năm tuổi.
(Còn tiếp)

Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P1): Hành trình di sản
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P2): Thăm làng nghề ngàn năm tuổi
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P3): Về nơi phát tích huyền thoại Nỏ Thần
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P4): Thăm làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Theo Quang Huy (Sống Mới.vn)
Du lịch, GO!