Có một cây cầu đá bắc qua một con rạch nhỏ trên sông Đồng Nai (đoạn chảy qua phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) mà dân gian gọi là cầu Thủ Huồng. Ngoài địa danh cầu Thủ Huồng, ở Đồng Nai còn có những địa danh khác như chùa Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng đều gắn liền sự tích một nhân vật có thật tên Thủ Huồng đã được ghi trong sử sách. Điều thú vị là địa danh Nhà Bè ở Sài Gòn cũng do ông Thủ Huồng "khai sinh" nên.

Vị quan xây cầu, chùa, dựng nhà cho dân

Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng. Theo sách Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu thì quê quán của ông Thủ Huồng là ở Cù Lao Phố (do những di tích liên quan đến ông hiện còn ở vùng đất Biên Hòa).

Sách Ngàn năm bia miệng của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng (NXB Văn hóa Thông tin Long An, 1984) lại ghi ông Thủ Huồng là người Gia Định, vì ở đất Gia Định còn lưu truyền câu ca dao: "Ai ơi có đến Nhà Bè/ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng". Dù ông mang tên Võ Hữu Hoằng nhưng dân chúng đọc "trại" Hữu thành Thủ, Hoằng thành Huồng nên tên thật bị đổi thành Võ Thủ Huồng, gọi tắt là Thủ Huồng.

< Cây cầu đá, dù có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng vẫn còn vững chắc theo thời gian.

Xung quanh nhân vật Võ Thủ Huồng bao trùm nhiều câu chuyện đầy huyền thoại kỳ bí: Ngày xưa, vào thế kỷ 18, ở Cù Lao Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông làm chức quan thơ lại trong bộ máy cai trị của nhà nước phong kiến đương thời. Trong 20 năm làm việc chốn nha môn công quyền, ông đã thâu tóm vơ vét được nhiều tiền của.

Vợ mất sớm lại không con cái mà tiền bạc thì quá thừa thải, Thủ Huồng xin thôi chức quan về nhà ở ẩn. Thủ Huồng rất yêu thương người vợ sớm mãn phần, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma, là nơi người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. Vợ chồng được hội ngộ mừng mừng tủi tủi, sau đó Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi cho biết một lần và được vợ đồng ý. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã tận mắt nhìn thấy một cái gông to, mà chúa cai ngục cho biết là để dành cho ông...

< Di tích ba khúc gỗ cây Sao để làm chân cầu Thủ Huồng ngày xưa nay vẫn còn.

Khi quay trở lại dương trần, Thủ Huồng thấm thía thuyết lý luân hồi và quả báo nên mới đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi cho dân như xây cầu, nạo vét kênh rạch, xây dựng chùa chiền, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo dừng chờ nước triều ở ngã ba sông.

Sau đó ít lâu, ông Thủ Huồng lại đi thăm vợ và được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa thì thấy cái gông dành cho ông đã nhỏ lại rất nhiều và sau đó cái gông tự tiêu tan. Trở lại cõi tạm, ông tiếp tục làm nhiều việc thiện, việc nghĩa giúp đời hơn nữa cho đến khi ông mất.

Thời gian sau này, Đạo Quang (1782-1850), hoàng đế thứ 8 của nhà Thanh (Trung Quốc) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch về một người ở Gia Định. Số là khi mới sanh, trong lòng bàn tay vua đã có mấy chữ "Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng". Khi sứ tâu lại mọi chuyện, nhà vua mới gửi cúng chùa Thủ Huồng một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương, hiện tượng Phật này vẫn còn ở ngôi chùa Chúc Thọ (tên cũ là chùa Thủ Huồng) tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa.

< Tấm bia đá dân dựng để ghi công đức người phụ nữ bỏ tiền ra xây dựng mới cầu Thủ Huồng vào năm 1910.

Từ những giai thoại kỳ lạ trên mà dân gian sau này đúc kết ra những bài học nhân quả sâu sắc: Nhờ thành thật hối lỗi, một kẻ sâu dân mọt nước như Thủ Huồng dám đem hết tài sản cống hiến vào công tác từ thiện chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua.

Cầu Thủ Huồng - di tích còn lại của trăm năm

Sách Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức biên soạn, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, NXB Đồng Nai 2006) chép: "Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè... Cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn...".

Theo ông Nguyễn Trí Lợi (70 tuổi), nhà ở khu phố 4, phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa) sống gần chân cầu Thủ Huồng nói rằng thật ra cây cầu ngày xưa cho ông Thủ Huồng làm chỉ là một cây cầu ván, chân cầu là những khúc gỗ to, quý và chắc được đóng sâu xuống đáy sông. Bằng chứng là mỗi khi nước cạn, chân ba khúc gỗ cây sao làm cầu nằm sát mé sông đã lộ thiên.

Cầu Thủ Huồng, di tích trăm năm còn sót lại rất cần cơ quan chức năng ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử.

Đến năm 1910, cây cầu ván đã xuống cấp nên có một phụ nữ tên Hai Ngời mới bỏ tiền ra xây dựng một cây cầu bằng đá theo nguyên bản và vị trí của cầu ván Thủ Huồng xưa. Cây cầu đá trụ vững từ đó cho mãi đến tận đến ngày hôm nay, ngót nghét đã hơn 100 năm. Ghi nhận việc thiện nguyện của bà Hai Ngời nên nhân dân mới dựng một tấm bia đá tạc công đức ở chân đầu cầu. Qua thời gian, tấm bia cũng đã phai mờ hàng chữ khắc trên đá.

< Người dân đi qua lại hàng ngày trên cây cầu Thủ Huồng.

Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu đá hình dáng theo kiểu hơi cong cong được xây dựng bằng chất liệu gạch, đá, bê tông cốt thép có chiều dài 10 m, chiều ngang cầu chưa tới 1 m, chỉ dành cho một chiều xe lưu thông mà thôi, còn xe đầu bên kia phải đứng đợi. Ba trụ cầu cao 4 m, đường kính 3 m là những khối bê tông rất kiên cố.

Người dân hằng ngày vẫn lưu thông qua lại cây cầu Thủ Huồng, luôn nhắc nhở con cháu người đời sau không quên công đức tiền nhân xây cầu để hiểu hơn về những bài học nhân nghĩa ở đời.

Theo Trường Trí (Pháp luật Online)
Du lịch, GO!