(BQN) - Hang Hanh là một hang rỗng, luôn ngậm nước. Nó như một dòng suối chảy ngầm xuyên ngang qua một dãy đảo đá vôi nằm ven bờ vịnh Bái Tử Long ở khu vực km9, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Vì là một hang rỗng nên hang Hanh có hai cửa, một cửa (cửa A) nằm giáp với quốc lộ 18, khu vực km9, trước nó là bãi sú vẹt, sình lầy. Cửa kia, cửa B, nằm trên vịnh Bái Tử Long. Người ta có thể tìm đến cửa B khi đến miếu Ba Cô, bởi miếu này xây trên một hòn đảo nhỏ ngay sát cửa B.

Khi thuỷ triều cạn kiệt, cửa hang A nhận nước mưa, nước thải sinh hoạt trong vùng đổ ra biển. Khi thuỷ triều dâng, cửa B hang Hanh nhận nước biển nống vào lấp đầy vùng sú vẹt sình lầy nơi cửa hang A.

Từ xưa đến nay vẫn vậy, hang Hanh là “đường giao thông” của người dân vùng Quang Hanh. Họ đi ra vịnh Bái Tử Long bằng thuyền mủng, bơi chui theo dòng hang Hanh từ cửa A ra cửa B và đi theo hướng ngược lại khi trở về.

Hoạ sỹ Vũ Quý một lần điện cho mình rủ đi chơi, nếu rỗi. Mình nhận lời mà không hỏi lại, kiểu “đi đâu?”, “chơi gì?”... bởi tính mình rất thích đón đợi, nhấm nháp những điều bất ngờ.
Dulichgo
Hẹn nhau ở Cột đồng hồ (TP. Hạ Long). Đến, ngoài hoạ sỹ Vũ Quý còn có nhà báo lão thành Như Mai. Mình rất thích ông già này, bởi ông là người từng trải, rất thông minh, rất hóm, đối đáp nhanh và sắc sảo. Hơn nữa, đây là một ông già, nếu mình được đi chơi cùng, chuyến đi sẽ thú vị lên rất nhiều, bởi ông vào cuộc chơi, khó có cụm từ nào thích hợp hơn là “không chê vào đâu được”, mặc dù lúc này ông đã ngót 70 xuân.

Chúng mình bắt xe đi Cẩm Phả. Đến Quang Hanh thì xuống. Vũ Quý bảo chờ thêm người. Một chiếc xe khách Cẩm Phả - Hòn Gai xịch đến. “Họ kia rồi!”, Vũ Quý chỉ hai người đàn ông trên xe vừa bước xuống, trong đó có một người vác cây đàn ghi ta. Đó là nhà văn Ngô Quang Thông, lúc ấy mình mới chỉ biết anh qua các truyện ngắn; đọc thấy thích, bởi mỗi truyện ngắn của anh bao giờ cũng đem đến cho bạn đọc những bất ngờ thú vị; văn phong có nét riêng, khó trộn lẫn với người khác, phảng phất một chút liêu trai... Người đi cùng tay xách nách mang, đó là một “khổ chủ”, bạn của anh Thông và anh Quý.

Chúng mình đi vòng vèo nhờ qua bờ ao một số nhà dân, tụt xuống bãi sú vẹt rồi cứ theo lạch nước chảy lần ra rặng đảo đá phía trước mặt. Đến lúc này mình chưa biết rõ đi đâu mà thấy lóp ngóp quá, song không đọc được trong mắt ai sự lóp ngóp ấy, chỉ thấy họ vừa đi vừa ngó nghiêng, khám phá, ra chiều thích thú.

Cuối cùng thì đến. Chúng mình đứng trước một cửa hang; các lạch của bãi sú vẹt đến gần cửa hang này thì tạo thành một con lạch lớn, như dòng suối; nước đang chan hoà đổ vào cửa hang đó. Người đi cùng với nhà văn Ngô Quang Thông lúc trước nói nhỏ nhẹ: “Đây là một cửa của hang Hanh”. “Ôi trời!”, mình chỉ biết thốt lên như vậy, vì quá ngạc nhiên và thích thú, bởi đã nghe tên hang từ lâu, nhưng nào đã được đặt chân tới.

Chờ một lúc, trong bóng đen sâu thẳm của lòng hang thấy có ánh đèn dầu đang lắc lư, nghiêng ngả đi tới: Con trai người “khổ chủ” chèo thuyền (mủng) từ ngoài vịnh Bái Tử Long chui hang vào đón.
Dulichgo
Đến đây hẳn đã rõ. Thì ra hang Hanh chính xác là một dòng sông hay suối ngầm, chảy xuyên qua rặng núi đá vôi vùng Quang Hanh, bây giờ vẫn giữ nguyên vai trò của nó: tải nước của thung lũng Quang Hanh ra biển và ngược lại, nhận nước từ ngoài biển vào thung lũng. Người dân Quang Hanh dùng nó làm đường đi ra biển - ra vịnh Bái Tử Long.

Chúng mình lên mủng. Rất nhanh, đã không nhìn thấy ánh sáng trời. Hoạ sỹ Vũ Quý bảo chàng trai chèo mủng chèo chậm lại để chúng mình vừa đi vừa ngắm hang qua ánh sáng của chiếc đèn chai. Đã lâu mới lại trông thấy loại đèn này: bầu dầu làm bằng ống bơ hoặc lọ mực, chụp là một nửa cái chai thuỷ tinh, bấc là một túm giẻ. Không hiểu mọi người như thế nào, với riêng mình, khám phá, thăm thú hang động chỉ thích dùng đuốc hoặc đèn dầu. Cái đẹp của hang động nhìn qua khoảng sáng này tạo cảm giác huyền ảo, mông lung, sự lung linh chợt loé, lại thấy có chút gì đó thần bí, liêu trai... Tất cả càng đẹp hơn khi đi trong hang Hanh, bởi thăm thú hang này phải ngồi trên thuyền, ánh sáng đèn chai hơi ngả nghiêng theo nhịp chèo, nước vỗ lóc bóc.

Hang Hanh có lẽ phải dài gần cây số rưỡi, quanh co, khá nhiều ngóc ngách, chỗ rộng, chỗ hẹp; nhũ đá trên trần hang muôn vẻ, lấp lánh ánh thuỷ tinh khi ánh sáng chiếu vào; các lườn đá hai bên bờ cũng vậy. Rất nhiều những đám con điềm điệp nơi các lườn đá, nâu một màu bùn, không biết sống hay đã chết. Thảng hoặc lại trông thấy những chú chuột chạy lăng xăng ở các lườn đá gần mép nước, chúng dạn dĩ, không sợ người. Một vẻ hoang sơ từ thuở khai thiên lập địa, không có sự can thiệp của bàn tay con người. Sự im ắng đến nao lòng, chỉ nghe thấy tếng lõm bõm của chèo khua, tiếng lóc bóc của nước vỗ hai bên mạn thuyền, tiếng kẽo kẹt nho nhỏ của dây néo và tiếng phù phù khe khẽ từ ngọn lửa của chiếc đèn chai. Không ai nói câu nào, hình như đều đang đắm chìm vào cõi hư vô...
Dulichgo
Đến một khoảng hang rộng, trần hang vô số nhũ đá rủ muôn hình thù kỳ dị, lấp lánh ánh thuỷ tinh; rất nhiều các mành đá bắt đèn toả ánh sáng xanh dịu, lộng lẫy hơn cả một sân khấu lộng lẫy nhất; nhà văn Ngô Quang Thông bảo dừng chèo. Anh bắt đầu chơi đàn ghi ta và hát, nay mình không nhớ tên bài, lần đầu tiên được nghe, nhưng nó thuộc thời của những bài hát như “Thiên thai” của Văn Cao, “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương... Giọng nhà văn trầm, ấm, ghi ta đệm rất nhuyễn, giữa một bồng lai tiên cảnh, nghe hay vô kể, như chưa bao giờ được nghe bài hát nào hay hơn thế. Mình thầm cảm ơn hoạ sỹ Vũ Quý đã rủ tham gia cuộc chơi này.

Cuối cùng thì cửa hang Hanh (cửa B) phía vịnh Bái Tử Long cũng hiện ra. Nước biển trong hang bắt ánh sáng xanh mát mắt. Chàng trai chèo thuyền bảo cửa hang này nước khá sâu, ngư dân thường hay đến đây câu cá vược lúc triều cường.

Một điều bất ngờ nữa, sau khi rời cửa B một đoạn, ngoảnh lại nhìn, rất khó phát hiện ra cửa hang, bởi chúng có những tảng đá trụt che chắn, muốn vào hang phải len lách qua những tảng đá này. Vì thế thăm hang Hanh không có cách nào khác là đi bằng mủng hoặc loại thuyền có tên là kayak. Lại nữa, ngay gần cửa hang có một ngôi miếu. Đó chính là miếu Ba Cô. Người ta đã thêu dệt truyền thuyết, rằng, xưa có ba cô gái đi biển, gặp hôm trời mưa to, ba cô vào hang trú mưa, thấy cảnh sắc trong hang đẹp quá nên ba người mải miết ngắm cảnh, tới lúc nước triều dâng cao ba cô gái bị mắc kẹt ở trong, bỏ mình và hoá thành thuỷ thần… Ngày nay dân chài thường lên miếu thắp hương xin linh hồn ba cô phù hộ cho họ.

Điều này cũng cho thấy một thực tế, khi nước triều cường, hang Hanh sẽ có đầy nước, không đi thuyền vào được.

Chúng mình đã lên miếu để thắp hương. Miếu khang trang và sạch sẽ, thoáng đãng, hướng mặt ra vịnh Bái Tử Long. Đứng ở đây mà ngắm non xanh nước biếc Hạ Long, cũng để lại dấu ấn khó phai. Ngôi miếu chính là điểm để mình xác định ra hang Hanh ở chỗ nào mỗi khi có dịp đi tàu qua, để nhớ về chuyến đi chơi thú vị như vừa kể trên.

Mình nhớ, trong một cuộc chơi của chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” của VTV3 Đài THVN đã phát, có câu hỏi về hang này (“8 chữ, tên một hang động dài nhất ở vịnh Hạ Long?”). Khi đáp án là HANG HANH, rất nhiều người là dân gốc ở vùng vịnh Hạ Long đã chưa biết đến hang này.

Nhắc lại đây để nói rằng, những bí mật của vùng vịnh Hạ Long rộng lớn (hơn 1500 km2) còn rất nhiều, rất cần được khám phá và phát huy giá trị phục vụ con người, đặc biệt là khi du lịch phát triển, không để cho du khách khi đến chỉ tưởng Hạ Long là mấy cái hang động Thên Cung, Sửng Sốt, hòn Gà Chọi...

Và đây là một hướng dẫn du lịch về hang Hanh:

Hang Hanh: Cách thị xã Cẩm Phả 9 km về phía tây, cách Bãi Cháy 20 km; là một hang động đẹp và dài nhất so với các hang động hiện có trên vịnh Hạ Long. Động có chiều dài 1300 m, chạy xuyên suốt dãy núi đá Quang Hanh ra tới biển. Con đò nhỏ dẫn du khách luồn lách qua từng khe đá quanh co dưới ánh đuốc bập bùng, từng chùm nhũ đá buông rủ xuống từ trần động ánh lên những sắc màu kỳ diệu, dòng nước êm ả lững lờ trôi, không gian tĩnh mịch chỉ có tiếng mái chèo khua nước nghe thánh thót một thứ âm thanh kỳ ảo.

Càng vào sâu, động càng đẹp, mang vẻ hoang sơ. Những chùm hoa đá rực rỡ, những trụ kim cương, khi ta chiếu đèn vào, những mâm xôi đồ sộ, chùm hoa mẫu đơn, giò phong lan cảnh… tất cả đang ở trong tư thế vươn ra lay động rung rinh. Đâu đó có tiếng trống bập bùng như đêm hội từ xa vọng lại. Đó là tiếng sóng vỗ nhẹ vào vách đá tạo nên, và còn nhiều nữa những hình ảnh đẹp lạ kỳ. Người Pháp đặt tên cho động Hang Hanh là Le tunnel (đường hầm). Cửa động rất thấp vì vậy phải dùng thuyền nhỏ thì mới vào được trong động.Dulichgo

Đi thăm động có thể thuê ca nô từ bến Đoan (thuộc khu vực Hòn Gai – Tp Hạ Long) hoặc đi ô tô đến thành phố Cẩm Phả. Tại bến tàu Cẩm Phả có thể thuê thuyền hoặc ca nô ra thăm động. Gần cửa động có các thuyền nhỏ chở thuê vào thăm và phải chọn vào lúc nước thuỷ triều xuống kiệt cửa động mới lộ rõ. Trước khi vào động phải mang theo đuốc hay đèn pin. Bình thường một thuyền nhỏ vào và ra khỏi động mất khoảng thời gian 60 – 90 phút. Động Hang Hanh trước hết dành cho những người ưa mạo hiểm và phải thật sành con nước vì nếu không tính toán kĩ lưỡng thời gian lúc thuỷ triều lên thì bạn sẽ bị nhốt chặt trong chốn thuỷ cung thăm thẳm ấy.

Ngay trước cửa động bây giờ, trên khối đá cheo leo như một ngọn tháp, có một ngôi miếu nhỏ gọi là Miếu Ba Cô. Truyền thuyết xưa kể lại rằng: Xưa có ba cô gái đi biển, gặp hôm trời mưa to, ba cô vào động trú mưa, thấy cảnh sắc trong động đẹp quá nên ba người mải miết ngắm cảnh, tới lúc nước triều dâng cao ba cô gái bị mắc kẹt ở trong và bỏ mình tại động và hoá thành thuỷ thần… Ngày nay dân chài thường lên miếu thắp hương xin linh hồn ba cô phù hộ cho họ.

Theo Trần Giang Nam (Báo Quảng Ninh), ảnh Halong.Wawe và nhiều nguồn khác.
Du lịch, GO!