(QNO) - Về Châu Đốc độ chớm thu, con đường miên man chừng ngắn lại. Từ Sài Gòn, chỉ 280 cây số, qua phà Vàm Cống, qua Long Xuyên đi thêm 80 cây số, là tới Châu Đốc.

Trên đường đi, tôi cứ nghĩ, ngày xưa Ngài Lê Đại Cang khi nhậm chức tổng đốc đầu tiên ở An-Hà (gồm An Giang và Hà Tiên), không biết ông xuống Châu Đốc bằng phương tiện gì? Xe ô tô như bây giờ thì không có rồi, xe ngựa cũng khó vì thưở ấy đường cái quan rất khúc khuỷu, lại chưa thông suốt vì chưa có những “nhà thầu BOT” như bây giờ. Chắc ông dùng thuyền, vì hồi đó đường thủy rất phát triển.

Các Chúa Nguyễn, rồi các Vua triều Nguyễn đều hết sức quan tâm tới giao thông đường thủy. Khắp miền Nam là chằng chịt những sông rạch và kênh đào, rất thuận lợi cho thuyền bè đi lại. Vậy là Ngài Lê Đại Cang có thể đi ngựa trạm, xe trạm từ Huế vào Gia Định thành, hay đơn giản hơn, đi ghe bầu từ cửa Thuận An và cập cửa Cần Giờ, rồi đi đường thủy xuống Châu Đốc.

Hành trình ấy chắc chắn phải dài hơn chúng ta đi ô tô bây giờ nhiều, nhưng bù lại, một vị quan có tâm hồn thi sĩ như Lê Đại Cang suốt hành trình có thể thu vào tầm mắt và tâm hồn mình những cảnh sắc lung linh hoang dại của Đồng Tháp Mười, của cả miền Tây bấy giờ còn đang được lưu dân khai phá để trồng lúa nước. Có thể bấy giờ đã manh nha những vườn cây ăn trái, dù chưa trở thành những vùng trái cây có thương hiệu như thời chúng ta sống. Nam Bộ lúc ấy thế nào nhỉ?
Dulichgo
Tôi cứ bâng khuâng khi thử đặt mình vào hoàn cảnh của Ngài Lê Đại Cang lần đầu tiên tới vùng đất còn hoang vu xa lạ này. Và có thể, vị Tổng đốc đầu tiên của vùng An-Hà sẽ gặp ngay ở Châu Đốc, ngay trên sông Hậu những… bầy cá linh đầu mùa. Những con cá bé nhỏ, di chuyển từng bầy từng dề trên sông theo con nước đầu mùa, và người dân ở đây rất dễ dàng bắt chúng.

Cá linh đầu mùa là một tuyệt phẩm của vùng miền Tây sông Hậu, nó đã thành món ăn khoái khẩu của cả 4 dân tộc sinh sống ở Châu Đốc, bên dòng sông Hậu: người Việt, người Khơ-Me, người Chăm, người Hoa.

Cá linh đầu mùa là thời điểm ta ăn con cá này  ngon nhất, còn về cuối mùa, cá linh bị cứng xương, ăn không còn ngon nữa. Ngồi ở nhà hàng Bảy Bồng 2-một nhà hàng du lịch nhưng các món ăn được nấu đúng hương vị như ở quán Bảy Bồng cũ gần chợ Châu Đốc, những thực khách thích những món ăn lạ sẽ vô cùng háo hức với món lẩu cá linh bông điên điển.

Loài cây điên điển mọc rất sẵn ở ven kênh rạch và trên Đồng Tháp Mười, hồi trước khi còn chiến tranh tôi đã từng đi xuồng ba lá và lội nước qua Đồng Tháp Mười mất… một tháng rưỡi, nên quá quen với bông điên điển:

“Bông điên điển mở cánh vàng nóng hổi,
là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay.
đất nước ngấm vào ta, đơn sơ,
như Tháp Mười không điểm trang đầy im lặng.”
(“Một người lính nói về thế hệ mình”-1973-thơ tôi)

Bông điên điển tươi óng ả một sắc vàng, đặt bên cạnh dĩa cá linh tươi đầu mùa với những con cá bé lút chút, chỉ như thế thôi, là món cá linh bông điên điển hoàn tất khi ta cho chúng vào nồi lẩu. Không món ăn nào giản đơn như thế, và…ngon đến thế!

Buổi trưa khi vừa kết thúc hội thảo về Tổng đốc Lê Đại Cang, tôi mời đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tới nhà hàng Bảy Bồng 2 ăn… lẩu cá linh đầu mùa. Cả hai ông nghệ sĩ miền Bắc này đều xuýt xoa khi xơi món ngon sông Hậu-Đồng Tháp. Nghe tôi kể những kỷ niệm về bông điên điển, cô nhà thơ Phó chủ tịch Hội căn nghệ An Giang cứ tưởng tôi là dân Nam Bộ.
Dulichgo
Tôi phải giải thích, tôi dân gốc miền Trung, nhưng trong chiến tranh có ở chiến trường Nam Bộ 5 năm, lại được hân hạnh lội qua Đồng Tháp Mười, lại phải tự kiếm cái ăn cùng đồng đội khi lội nước như vậy, nên khá rành từ bông súng tới bông điên điển, từ bông so đũa (Nam Bộ hay gọi là bông sua đũa) tới “lục bình trôi”…

Những loại thực phẩm này hồi ấy có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi vùng Đồng Tháp và ven sông Tiền sông Hậu, chỉ cần quơ chúng, đem rửa qua loa là… ăn được ngay, dù là ăn sống hay nấu canh chua cá, canh chua lươn. Cái anh bông điên điển này, vừa đẹp mã vừa có hương vị riêng, ăn hơi nhẫn nhẫn (đăng đắng), nhưng cực phù hợp khi ở chung nồi với cá linh đầu mùa.

Rất bất ngờ, sau khi thưởng thức tới bốn, năm món ngon, mà đầu vị là món lẩu cá linh bông điên điển, lại lai rai khoảng chục chai bia Tiger, mà lúc tính tiền, tôi và Nguyễn Trọng Tạo đều giành nhau... trả. Chỉ vì... rẻ quá. Rẻ tới kinh ngạc luôn. Tạo đã thắng, được trả tiền, còn Đặng Nhật Minh thì đãi chúng tôi một cuốc taxi Mai Linh “quẹt thẻ”. Anh Minh khoe là con trai anh cho thẻ, dặn bố có đi đâu thì dùng thẻ này của taxi Mai Linh, khỏi tốn tiền.
Dulichgo
Thật hạnh phúc với tôi, sau 45 năm, còn được ngồi ở một nhà hàng Châu Đốc cùng bạn bè để thưởng thức món canh chua bông điên điển nấu cá linh đầu mùa. Bởi những loài bông hoang dại ngày xưa, nay đã trở thành những đặc sản đắt giá trong các nhà hàng từ miền Tây lên tới Sài Gòn.

Vợ chồng tôi đã quyết tâm mang hai đĩa bông điên điển tươi từ nhà hàng Bảy Bồng 2 về… Quảng Ngãi, nơi có rất nhiều đứa em tôi chỉ có lần nghe nhắc tới loài hoa dại này chứ chưa bao giờ thấy, nói gì là ăn chúng. Riêng cá linh là không mang được về quê miền Trung, còn bông điên điển tuy phải để tủ lạnh lâu ngày đâm… hả hơi, nhưng ăn vẫn còn được.

Bông điên điển nấu canh chua cá thiều, ăn cũng ngon, nhưng không thể nào so với bông điên điển nấu cá linh. Mà cá linh đầu mùa. Kỳ tuyệt!
(Còn tiếp)

Châu Đốc chớm thu - Kỳ 1: Cá linh đầu mùa
Châu Đốc chớm thu- Kỳ 2: Viếng đền thờ Bà Chúa Xứ
Châu Đốc chớm thu- Kỳ 3: Trên trời dưới… mắm


Theo Thanh Thảo (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!