Tuy là vùng đất mới được khai phá nhưng Cà Mau là nơi hội tụ nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo và phong phú, trong đó có tục thờ Bà Chúa xứ.

Tục thờ Bà Chúa xứ là hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Nam Bộ, một số miếu thờ nổi tiếng gắn với những lễ hội truyền thống được nhiều người biết đến như: miếu Bà Chúa xứ núi Sam (Châu Ðốc), miếu Bà Chúa xứ núi Bà Ðen (Tây Ninh), miếu Bà Chúa xứ Tháp Mười (Ðồng Tháp)… Những miếu thờ này từ lâu đã trở thành địa chỉ hành hương quen thuộc của đông đảo người dân Nam Bộ. Ðây cũng là những điểm đến tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại Cà Mau, theo kết quả kiểm kê vào đầu năm 2016, trên toàn tỉnh còn lại hàng chục miếu thờ Bà Chúa xứ được xây dựng quy mô, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Riêng địa bàn TP Cà Mau đã có 14 miếu thờ. Tại các huyện trong tỉnh vẫn còn một số miếu thờ dưới hình thức cộng đồng, nhiều miếu thờ đã có hàng trăm năm, gắn liền với lịch sử khai phá, dựng làng, lập ấp của cư dân địa phương.

Theo các nhà nghiên cứu, tục thờ Bà Chúa xứ ở Nam Bộ nói chung, ở Cà Mau nói riêng có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ mẫu, sâu xa hơn là tín ngưỡng “cha trời - mẹ đất” cổ truyền của người Việt. Theo chân những lớp người đi khai hoang, mở cõi, hình thức tín ngưỡng này đã được các lưu dân mang theo trong tâm thức, như một “hành trang tinh thần” từ quê cha, đất tổ.

Khi vào đến dãy đất miền Trung lại được giao lưu, tiếp biến văn hoá với tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở (vốn là nữ thần Pô Inư Nagar) của người Chăm, quá trình “Nam tiến” lại tiếp tục diễn ra cùng với sự gặp gỡ giữa các nền văn hoá Việt - Chăm - Khmer - Hoa… Trên vùng đất mới đã làm biến đổi nhiều yếu tố gốc của tín ngưỡng thờ mẫu truyền thống.
Dulichgo
Hệ thống miếu thờ Bà Chúa xứ thường có 2 loại, loại miếu thờ của gia đình thường được lập với quy mô nhỏ, trong sân hoặc vườn nhà để các thành viên trong gia đình thờ cúng; loại miếu thờ cộng đồng do dân cư trong xóm góp công góp của xây dựng, ban đầu có thể làm bằng cây lá, khi có điều kiện thì xây dựng bằng bê-tông, cao và rộng để người có thể đi vào sắp lễ cúng kiếng thường xuyên.

Bên trong các miếu thờ thường có tượng Bà Chúa xứ bằng bê-tông ở tư thế ngồi, đặt trang nghiêm chính giữa bệ thờ, đầu đội mão trang trí sặc sỡ, mặc áo hoàng bào hoặc áo lụa thêu rồng phụng, trên cổ đeo nhiều chuỗi hạt, hai bên có lộng che, có khi thêm đôi hạc đứng chầu. Trong khuôn viên một số miếu thờ còn có bàn thờ Thông thiên, bệ thờ thần Nông, thần Hổ…

Bài vị trong các miếu thờ Bà Chúa xứ thường được viết bằng chữ Hán với các danh xưng của Bà: “Chúa xứ nương nương”, hoặc “Chúa xứ thánh mẫu”, có khi là “Chúa xứ bổn cảnh”. Thời Nguyễn, dưới triều vua Gia Long, bà còn được sắc phong là “Linh Sơn thánh mẫu” ghi nhận sự có mặt của tín ngưỡng thờ Bà Chúa xứ trong lịch sử dân tộc. Bà Chúa xứ vừa là một “phúc thần” với chức năng phù hộ sức khoẻ, tiền tài, danh vọng, công việc… nhưng có lúc lại đóng vai một “ác thần” trong những thề thốt, nguyền rũa, trù ếm lẫn nhau của nhân gian.

Tại các miếu Bà Chúa xứ, vào các ngày rằm và mùng 1 âm lịch hằng tháng (ngày Sóc, ngày Vọng) người dân địa phương thường sắp mâm lễ đến thắp nhang khấn vái cầu bình an, sức khoẻ, việc làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu… Lễ cúng thường là trái cây và bánh ngọt, những gia đình có điều kiện cũng cúng lễ mặn như thịt heo, gà, vịt.

Trong sách “Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long”, các tác giả Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Ðường đã mô tả hiện tượng thờ Bà Chúa xứ phổ biến ở Nam Bộ trước năm 1990: “Ở Nam Bộ, nhà nào cũng có miếu thờ Bà Chúa xứ, đặt ở góc nhà hoặc góc vườn. Trong rừng U Minh, người dân đốn củi, lấy mật ong cũng thờ Bà Chúa xứ để cầu mong được mạnh khoẻ, tránh được sốt rét, tránh rủi ro trong nghề nghiệp…”.

Ðặc điểm chung của các miếu thờ Bà Chúa xứ ở Cà Mau là hầu hết được xây dựng dọc theo các tuyến sông rạch, thuận lợi cho người dân đi lại để thực hành tín ngưỡng. Nhiều miếu thờ được lập ở ngã ba sông, nơi xuồng ghe thường qua lại, người trong xóm có công có việc đi ngang miếu như được nhắc nhớ vào thắp nén nhang “đi thưa, về trình” với thần linh. Những miếu thờ này không chỉ dành cho người dân địa phương, mà khách thương hồ có dịp đi ngang qua muốn cầu nguyện chuyện gì cũng có thể vào khấn vái để xin Bà phù hộ.
Dulichgo
Hoàn cảnh hình thành các miếu thờ ở các địa phương cũng khác nhau, có gia đình do đã lập miếu từ nơi khác, khi di cư đến Cà Mau thì lập lại để thờ; có người do ốm đau, bệnh tật nên người nhà khấn vái cầu xin Bà Chúa xứ phù hộ, đến khi khỏi bệnh liền lập miếu thờ; có người nằm mộng thấy bà hiện về báo điềm lành hoặc điềm dữ đối với gia đình, làng xóm, để thể hiện lòng thành kính nên lập miếu thờ để Bà phù hộ, độ trì…

Có thể nói, tục thờ Bà Chúa xứ là sản phẩm văn hoá tâm linh được hình thành qua quá trình giao lưu, tiếp biến và hội tụ của nhiều làn sóng văn hoá trên vùng đất mới. Ðây là hình thức tín ngưỡng phổ biến trong đời sống dân gian Cà Mau qua nhiều thế hệ, gắn liền với công cuộc khai phá, định cư của người Việt ở vùng đất tận cùng đất nước./.

Theo Huỳnh Thăng (Báo Cà Mau)
Du lịch, GO!