Đã từng đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp và thân thiện giữa trùng khơi, nhiều người trở về khuyên bạn bè "Trong đời phải một lần đến cù lao Thu!". Nghe có vẻ rất khoa trương như kiểu "100 điểm đến trước khi chết". Nhưng cù lao Thu là một điểm đến xứng đáng bởi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc trên biển Đông và phong cảnh hùng vĩ của đảo được ví như con rồng đang vùng vẫy giữa biển cả.

Cù lao Thu có nhiều tên gọi khác là cù lao Khoai Xứ, đảo Thuận Tịnh hay đảo Phú Quý. Người Pháp gọi là đảo Pulo Cecir de Mer. Cho dù tên gọi là gì thì đây vẫn là điểm du lịch biển hấp dẫn ở Bình Thuận.

Cù lao Thu là một hòn đảo khá lớn và mất nhiều thời gian di chuyển từ bờ nên du khách phải mất ít nhất từ 3 đến 5 ngày cho hành trình khám phá đảo. Trong đó, thời gian di chuyển từ bờ ra đảo mất 1,5 ngày (do phụ thuộc thủy triều). Dù phải di chuyển nhiều chặng với nhiều phương tiện nhưng cù lao Thu vô cùng dễ đi.
Dulichgo
Chuyến tàu sắt dũng mãnh rời cảng Phan Thiết (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) rẽ nước lướt băng băng trên đầu con sóng ròng rã suốt 6 tiếng mới ra tới cù lao Thu. Tùy giờ xuất phát mà tàu có thể cập đảo lúc 15 hay 17 giờ mỗi ngày. Mùa này, gió trên biển dao động từ cấp 4 đến cấp 6, biển động nên tàu xé nước rất dữ dội.

Nhiều đoạn, tàu chòng chành, lắc lư mạnh. Hành khách là người trên đảo thường đi lại trên hành trình này nói: "Gió cấp 6 thì kể gì! Đàn ông trên đảo này phải điều khiển được tàu trong gió cấp 7, cấp 8". Trong khi ở biển Tây, gió cấp 5 là tàu phải tạm ngừng ra khơi. Bấy nhiêu đủ thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên buộc người ta phải thích nghi và trở nên dũng mãnh. Bởi thế, khi đặt chân lên đảo, chúng tôi không bất ngờ với những cơ ngơi kiên cố. Dù nhà cấp 4 cũng phải xây dựng chắc chắn với tường dày, mái lợp tôn fibro xi măng chứ không lợp tôn thiếc, và được chằng néo rất kỹ. Rất nhiều nhà đúc hẳn nóc bằng để chống chọi với mưa gió, bão táp.

Dịch vụ trên đảo đáp ứng những nhu cầu cần thiết và đơn giản của sinh hoạt hằng ngày. Giờ đây, ngày càng có nhiều khách du lịch đến đảo, quán xá, nhà hàng mới mọc lên nhưng ở mức độ ít so với quy mô của đảo. Với người dân vậy là quá đủ. Trong 3 xã trên đảo chỉ có xã Tam Thanh, trung tâm huyện, mới có nhiều hàng quán nhưng số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dulichgo
Bù lại, thiên nhiên nơi đây vô cùng hùng vĩ. Trên đảo vẫn còn dấu tích của nham thạch tạo những bờ đá cao vút, những rãnh sâu hun hút đầy ngoạn mục. Đá có kết cấu không bền vững. Theo thời gian, mưa gió bào mòn và điêu khắc trên đá tạo nên một bức tranh sống động và có cảm giác như chúng đang được kiến tạo mỗi ngày.

Mũi Doi Thầy là một dải đá đen từ nham thạch nhô ra biển. Càng ra xa, vị trí càng hiểm trở bởi những vách đá dựng đứng tạo nên những vực sâu hun hút. Mũi đá ba bên là vực thẳm. Nhưng những vách đá lại có những gờ nhỏ đủ để du khách đeo bám leo lên hoặc đi xuống theo vách đá đầy thú vị. Tuy nhiên, trò chơi này không thích hợp cho người sợ độ cao. Vì vậy, du khách cần cân nhắc trước khi tham gia.

Di chuyển chừng nửa ngày đã hết các ngóc ngách trên đảo. Mùa gió nồm, các bãi biển phía Tây dậy sóng nhưng bờ Đông thì sóng chỉ lăn tăn nhẹ nhàng.

Gió cấp 5, cấp 6, bờ Đông sóng hơi mạnh một chút chứ không dữ dội. Vì thế, mùa này bãi Triều Dương, bãi Nhỏ, bãi Dọc Cái, gành Đá Đen, gành Hang… biển hiền hòa, thích hợp cho các hoạt động cắm trại, tắm biển và mò hải sản trên các rạn san hô, bãi đá ven biển. Lúc thủy triều xuống, bãi biển lùi rất xa, có nơi ra hàng trăm mét, đá ngầm, san hô lộ thiên. Đó cũng là lúc tôm, cá, cua, ghẹ và các loài ốc mắc kẹt lại bãi, tha hồ bắt.
Dulichgo
Nếu mũi Doi Thầy hung vĩ bởi những bờ đá đen thì bãi Triều Dương là bãi biển đẹp nhất, rộng rãi nhất và cũng là điểm sinh hoạt của người dân địa phương. Cuối tuần, lễ Tết, dân đảo kéo nhau ra đây tắm biển, nướng hải sản ăn chơi cả ngày lẫn đêm. Trên đảo không có nhiều điểm giải trí nên sinh hoạt tập thể trên bãi biển Triều Dương trở thành nét văn hóa của người dân trên đảo. Bãi biển này cát mịn màng, có những dải cát chạy ra xa tạo nên bờ cát có hai mặt biển vô cùng độc đáo.

Bốn mặt của đảo là biển xanh trong lành, có màu lam tuyệt vời mà mắt thường có thể nhìn tận đáy dù đứng cách bờ vài chục mét. Hai đỉnh cao nhất trên đảo là núi Cao Cát và núi Cấm. Trên đỉnh Cao Cát cao 80 mét là tượng Phật Quan Âm ngự đài sen nhìn về hướng Đông như bảo vệ, che chở cho người dân trên đảo và những đoàn tàu đánh cá ngoài khơi, theo tín ngưỡng của cư dân miền biển. Từ đây, có thể nhìn bao quát khoảng ¾ đảo. Riêng núi Cấm là ngọn cao nhất, 108 mét, trên đỉnh đặt hải đăng và trạm ra đa được xem là "mắt thần" của biển Đông. Đặc biệt, trên đảo có đền thờ Công chúa Bàn Tranh- vị công chúa của vương quốc Champa xưa. Đây là nơi tín ngưỡng của người dân trên đảo, không thua kém các điểm tâm linh khác như Mộ Thầy Nại, chùa Linh Sơn…

Thông tin thêm:

Tàu đi Phú Qúy xuất bến từ cảng Phan Thiết ngay tại trung tâm thành phố. Thời gian xuất bến tùy thuộc vào triều cường. Tức là, người ta canh con nước lớn để xuất bến vì cửa cảng bị cát bồi lấp. Vì thế, thời gian xuất bến thường dao động từ 8-12 giờ sáng mỗi ngày. Từ đảo trở về cũng vậy, phải canh tới đất liền là lúc nước lớn, nên tàu xuất bến từ đảo dao động từ 12 giờ khuya đến 8 giờ sáng hôm sau. Vì vậy, để đảm bảo đúng hành trình, du khách cần lên lịch đi và về và liên hệ với hai đầu cảng để biết giờ xuất bến- số điện thoại của cảng Phan Thiết (062) 3817585, 3817586, 3820846, cảng trên đảo (062) 3506374. Dulichgo

Có hai loại tàu ra đảo: Tàu cao tốc Phú Hưng, số điện thoại 0908737566, thời gian di chuyển từ 3,5-4 tiếng, giá vé 250.000 đồng/khách; tàu thường có Bình Thuận 16 (số máy 0907559410), Bình Thuận 18 (số máy 0903882961), Phú Quý 07 (số máy 0949666595)… thời gian di chuyển 5,5-6 tiếng, giá vé 150.000 đồng/khách. Bạn hãy liên hệ trước để đặt vé, chỉ cần gọi trước rồi tới sớm khoảng 1-2 tiếng để lấy vé.

Di chuyển trên đảo chủ yếu bằng xe gắn máy, tàu bè di chuyển từ đảo này sang đảo kia. Khi tàu cập bến, có nhiều nhà xe tiếp thị tận cảng với giá thuê xe gắn máy 100.000 đồng/ngày.

Nhà nghỉ trên đảo chủ yếu tại xã Tam Thanh, giá dao động 200.000-350.000 đồng/phòng 3 người/đêm. Vào cuối tuần, các khách sạn, nhà nghỉ đều kín chỗ. Tuy nhiên, du khách không phải lo lắng bởi có nhiều nhà dân mở cửa đón tiếp du khách.

Nhưng thú vị nhất là cắm trại tại các bãi biển trên đảo. Dân trên đảo rất lành và hiếu khách. An ninh trên đảo rất tốt. Du khách có thể để đồ đạc, xe cộ ở bất cứ đâu mà không bị mất, kể cả để qua đêm. Vì thế, các bãi biển luôn là chỗ nghỉ an toàn cho du khách để cắm trại, tổ chức các hoạt động tập thể.
Dulichgo
Một số điều cần lưu ý

- Hãy đặt vé tàu trước vì bạn có thể ở lại một đêm ở Phan Thiết nếu trễ chuyến tàu.
- Nhớ đem CMND hay giấy tờ tuỳ thân trong suốt quá trình lưu trú trên đảo.

- Thời tiết rất nắng nên hãy chuẩn bị bao tay, áo khoác, nón, khăn đa năng …
- Khi đi tàu rất dễ bị say sóng vì thời tiết hay thay đổi thất thường!
- Hãy khám phá các làng chài ven biển gồm: Ngũ Phong, Long Hải, Đông Hải, Tam Thanh.
- Ngắm bình minh tại mũi Doi Thầy (Mộ Thầy), gành Đá đen, gành Hang, hòn Tranh, bãi Doi Dừa, bãi Triều Dương, bãi Dộc Cái, hòn Trào, hòn Chén.
- Ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp ở hải đăng trên núi Cấm.
- Viếng chùa Linh Bửu, chùa Linh Quang, Thạnh Lâm, vạn Liên Thành, vạn Hải Hòa… Ở Vạn An Thạnh có lưu giữ bộ xương cá voi.
- Ngoài đảo có dịch vụ cho thuê xe, khoảng 100k/ngày nên bạn không cần phải mang theo xe.

Theo Nguyễn Thành (Báo Cần Thơ) và nhiều nguồn khác.
Du lịch, GO!

Cù lao Thu đẹp như một kỳ quan
Vịnh Triều Dương - Phú Quý
Ra Phú Quý, hãy ghé Hòn Tranh
Phú Quý đẹp đến lặng người
Phú Quý không còn xa...