Từ lâu, Vũng Tàu là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê du lịch. Đến đây du khách có thể thưởng thức món hải sản đặc trưng vùng biển, thưởng ngoạn bãi biển tuyệt đẹp và khám phá con đường đá kỳ lạ dưới biển xanh.

Tại vùng biển Bãi Sau (TP.Vũng Tàu), cách mũi Nghinh Phong khoảng 200m là đảo Hòn Bà, một đảo nhỏ có diện tích ước chừng 5.000m2 và là một thắng cảnh đẹp. Trên đảo có miếu Bà, còn gọi là miếu Hòn Bà. Đối với cư dân Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh thành như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long… miếu Hòn Bà là địa chỉ tâm linh để thờ bái, ngưỡng vọng từ nhiều năm nay.

< Con đường đá dẫn ra đảo Hòn Bà khi thủy triều rút vào một buổi bình minh.

Điều độc đáo và thú vị nhất là du khách sẽ được trải nghiệm, thử cảm giác đi bộ trên mặt biển xanh để ra hòn đảo nhỏ này nếu đến đúng thời điểm.

< Nhìn từ mũi Nghinh Phong.

Theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đã có chuyến ra thăm Hòn Bà, nhằm đúng ngày nước ròng (ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng) và không khỏi ngỡ ngàng khi trải nghiệm con đường đá khổng lồ gập ghềnh, lởm chởm từ từ hiện ra giữa biển khơi rồi dẫn thẳng ra đến đảo.
Anh bạn đi cùng tôi sung sướng reo lên: “Nhìn kìa, nhìn kìa! Quả là một kiệt tác độc đáo của thiên nhiên”.

< Khá lởm chởm nhưng đi được.

Chúng tôi đi bộ xuống bãi tắm, hướng về chân dốc Nghinh Phong để nhìn cận cảnh và đặt chân xuống đường đá để thử cảm giác thú vị khi chinh phục con đường kỳ lạ dưới biển này. Con đường được tạo thành từ rất nhiều những tảng đá nhỏ, lại có rất nhiều hàu bám vào sinh sống. Vỏ hàu sắc, đá trơn trượt, đi lại không dễ dàng, nếu không cẩn thận là rất dễ bị đứt chân.
Dulichgo
< Con đường này được tạo thành từ những tảng đá nhỏ, nhọn, sắc có rất nhiều hàu bám vào sinh sống.

Sau một hồi đi bộ khá vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đảo.

Trên đảo Hòn Bà có miếu Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển. Tương truyền ngôi miếu này được một hương chức thôn hội làng Thắng Tam đã dựng nên vào năm 1781.

Qua biến cố của thời gian, miếu Hòn Bà được trùng tu, sửa chữa nhiều lần mới có hình dạng như hiện nay với chiều cao nổi trên mặt đất là 4m; bên trong là điện thờ các vị thần linh; bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m. Theo lời người dân địa phương thì thời kháng chiến, đồng bào chiến sĩ yêu nước từng bí mật chọn nơi này làm chỗ họp bàn công việc.
Dulichgo
Một lần khám phá con đường đá kỳ lạ dưới đáy biển, quần thể cảnh quan tuyệt đẹp, sơn thủy hữu tình của đảo Hòn Bà cùng với mũi Nghinh Phong - núi Nhỏ, bãi Vọng Nguyệt và Bãi Sau mang đến cho đoàn du khách chúng tôi một cảm giác bình yên, hoang sơ, chẳng thể nào quên.

Hướng dẫn thêm:

Có hai cách để ra đảo, du khách có thể đi thuyền ra đảo vào những ngày nước đầy hoặc đi bộ trên con đường đá khi thủy triều rút.

Thường thì vào các ngày 14, 15 và mồng 1 âm lịch hàng tháng, thủy triều rút sâu lộ ra con đường đá gập ghềnh kéo dài từ bờ biển ra đảo. Tùy theo con nước mà thủy triều sẽ rút vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Khách có thể gửi xe ở bãi Thùy Vân, đi bộ dọc theo bãi tắm về chân dốc Nghinh Phong rồi đi theo con đường đá để đến đảo Hòn Bà.
Dulichgo
Thường thì thủy triều rút chỉ khoảng vài giờ, du khách phải tranh thủ viếng miếu và tham quan sau đó quay trở về bờ bên kia theo con đường cũ. Nếu bỏ lỡ thời gian này, khi thủy triều dâng lên, con đường đá bị chìm sâu dưới 2m nước biển, thì du khách phải thuê thuyền để quay trở về.

< Bên trong miếu Hòn Bà thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển.

Đường đi rất gần nhưng các chủ thuyền thường chạy vòng ra xa rồi mới cập đảo vì bên dưới có khá nhiều đá ngầm, giá mỗi lượt khứ hồi khoảng 500.000 đồng.

Vì nằm sâu dưới biển nên đá ở đây rất nhọn và trơn trượt, trên thân những tảng đá này có rất nhiều hàu bám vào, vỏ hàu rất sắc, du khách đi lại khá khó khăn, phải cẩn thận vì nếu trượt chân sẽ bị vỏ hàu hoặc đá cắt vào.

Hòn Bà - Vũng Tàu
Miếu Hòn Bà Vũng Tàu - Điểm du lịch tâm linh


Du lịch, GO! tổng hợp từ Dân Viêt và nhiều nguồn khác