Từ 15h ngày 9/1, đoạn đường Nguyễn Văn Bình dài khoảng 100m ở trung tâm TP HCM trở thành Đường sách với nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc.

Sau gần ba tháng xây dựng, những hạng mục quan trọng của Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM đã hoàn tất, chờ mở cửa phục vụ độc giả.
Tại buổi công bố thông tin ở Sở Thông tin - Truyền thông ngày 6/1, bà Quách Thu Nguyệt - một thành viên xây dựng đề án Đường sách - xúc động chia sẻ: "Gần một năm kể từ khi ý tưởng về con đường hình thành, các đơn vị xuất bản, giới chuyên môn và cơ quan chức năng đã trải qua chặng đường gian nan và vất vả. Thậm chí có lúc như 'ngồi trên đống lửa' để triển khai đề án. Chúng tôi vui vì nhận được sự ủng hộ lớn từ những anh em làm sách, người trong nghề, bạn đọc...".

Gần 20 đơn vị xuất bản cả nước có gian hàng trên trục đường Nguyễn Văn Bình, như: Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM, Văn hóa - Văn nghệ, Trẻ, Kim Đồng, Giáo dục, các công ty cổ phần sách - phát hành, công ty truyền thông tư nhân: Nhã Nam, Phương Nam, Thái Hà, First News, Đông A, Đại học Hoa Sen, Trường Phát, Alphabooks... Các nhà sưu tập sách cũ, sưu tập sách quý hiếm cùng nhiều cá nhân là tác giả, cây bút... cũng góp phần tạo nội dung hoạt động sôi nổi ở đây.

Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam - các đơn vị được chọn có gian hàng ở Đường sách phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Đơn vị đó phải đang trong quá trình hoạt động xuất bản - phát hành, có bề dày về thương hiệu, có quá trình lâu năm trong xuất bản và có uy tín. Đồng thời, đơn vị có khả năng tổ chức các hoạt động văn hóa liên quan đến sách chứ không chỉ xuất bản và bán sách. Họ cũng phải có khả năng tài chính để xây gian hàng trên trục đường Nguyễn Văn Bình. Theo đó, chi phí xây dựng một gian hàng với diện tích 4,5 x 4,5m (dành cho gian hàng không vướng cây xanh) là 476 triệu đồng và gian hàng (vướng gốc cây) là hơn 387 triệu đồng.

"Sách ở đường Nguyễn Văn Bình hoàn toàn có nguồn gốc. Các hoạt động văn hóa, giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm ở đây đều dựa trên cơ sở pháp lý. Chúng tôi mong muốn Đường sách khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo bầu không khí lành mạnh cho làng xuất bản Việt Nam", ông Lê Hoàng chia sẻ.

Từ 15h ngày 9/1, các hoạt động ở Đường sách bắt đầu trên các cụm không gian chính.

Đầu tiên là khu trưng bày, bán sách và không gian giao lưu, tiếp xúc, cộng tác viên, tác giả, bạn đọc của các đơn vị. Con đường này có hai khu cà phê sách (bên hông Bưu Điện TP HCM), là nơi bạn đọc vui chơi, thư giãn, hòa mình vào các hoạt động đọc sách, mượn sách, các chương trình giới thiệu tác phẩm mới, giao lưu tác giả, bạn đọc, tọa đàm, các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật...  Tiếp đến là ba kios bán sách, báo, tạp chí, vật phẩm văn hóa, khu sân chơi - đọc sách cho trẻ em. Bên cạnh đó là khu trưng bày, triển lãm sách, báo, tranh ảnh, vật phẩm văn hóa theo chủ đề từng tháng, khu mua bán, trao đổi sách cũ, các bộ sưu tập vật phẩm - ấn phẩm quý hiếm...

 Con đường này cũng là nơi để độc giả giao lưu, tiếp cận nhiều ấn phẩm hay, nhiều chương trình văn hóa. Phong cách thiết kế gian hàng sách, khu giao lưu, cà phê sách được tập trung tối đa để làm sao tạo sự thư giãn cho mọi người trong không gian mở, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Trục đường Nguyễn Văn Bình cũng được thiết lập wifi miễn phí phục vụ du khách.

Ông Dương Thanh Hoài - Giám đốc chi nhánh phía Nam của công ty sách Nhã Nam, đơn vị có gian hàng ở Đường sách - chia sẻ: "Tôi rất vui khi cuối cùng Đường sách đã hoàn thành. Nếu mô hình này thành công, nó sẽ là một mô hình tiêu biểu mỗi khi chúng ta nhắc đến sự bắt tay của đơn vị nhà nước và tư nhân trong việc xã hội hóa các công trình văn hóa. Không chỉ riêng Nhã Nam mà nhiều đơn vị rất hào hứng chờ ngày Đường sách đi vào hoạt động, phục vụ độc giả, cũng như mong mô hình này có thể được nhân rộng ra nhiều địa phương".

Theo ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc sở Thông tin - Truyền thông TP HCM, bên cạnh Đường sách Nguyễn Văn Bình, ban tổ chức đang nỗ lực xây dựng một website về Đường sách. Website nhằm lan tỏa mô hình Đường sách đến từng bạn đọc, kết nối và đón nhận những ý kiến, sự đóng góp xây dựng đời sống văn hóa đọc ngày càng nâng cao.

Ngoài khánh thành Đường sách Nguyễn Văn Bình vốn mang tính chất hoạt động cố định, Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM và các đơn vị vẫn tiếp tục phối hợp để duy trì Lễ hội đường sách Bính Thân 2016 vào dịp Tết Nguyên đán. Lễ hội đường sách này nhằm phục vụ cho người dân thưởng lãm đường hoa Nguyễn Huệ có thể ghé sang các gian hàng sách để tìm đến các ấn phẩm ưng ý. Lễ hội kéo dài 8 ngày (từ ngày 5/2 đến ngày 12/2, tức từ 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết). Chương trình diễn ra tại ba trục đường trung tâm của quận 1 là Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế.

Lễ hội Đường sách 2016 có chủ đề: "TP HCM - Hòa bình, thịnh vượng và phát triển". Tại đây trưng bày các ấn phẩm giới thiệu về thành tựu của thành phố trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội qua 40 năm đổi mới và phát triển, trưng bày các ấn phẩm về đại thi hào Nguyễn Du nhân kỷ niệm 250 ngày sinh của ông, sách chủ đề về Biển đảo thiêng liêng...

Thoại Hà (Vnexpress)
Du lịch, GO!