Tuyến đường tâm linh 293 gắn với Tây Yên Tử chạy qua thôn Mười Bẩy thuộc xã Yên Sơn (Lục Nam) dẫn chúng tôi lên Non Vàng thăm đình Đại Tháng khá thuận tiện. Ngôi đình nằm dưới chân núi Non Vàng (còn gọi là Đèo Tháng) nhìn ra dãy Huyền Đinh hùng vĩ.

< Non Vàng bên trục đường 293.

Đình Đại Tháng và sự tích ông Ba Mươi

Ông Nguyễn Văn Thực (75 tuổi) nguyên là giáo chức và trưởng thôn Lê Hồng Nam là những người đồng hành cùng chúng tôi đi tìm hiểu khám phá vùng đất con người miền sơn khê thuộc sườn Tây Yên Tử này.

Theo ông, đình Đại Tháng có từ lâu đời. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947, biết địa điểm Ao Giời trên Non Vàng có cán bộ cách mạng của ta hoạt động, giặc Pháp ra sức bắn phá vùng đất này, ngôi đình cũng bị tàn phá hư hỏng nhiều. Duy chỉ tòa hậu cung còn bảo lưu được nét kiến trúc cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Khuôn viên đình còn hệ thống chân tảng và một tấm bia đá là tài liệu, hiện vật để nói lên giá trị lịch sử ngôi đình.

Đình Đại Tháng có bố cục kiến trúc hình chữ đinh gồm tòa tiền đình một gian hai chái và tòa hậu cung một gian. Bộ khung gỗ vì mái tòa hậu cung còn khá chắc chắn, nhuốm màu thời gian cổ kính.

< Góc đình Đại Tháng.

Trong đặt ngai thờ, bài vị thờ thành Hoàng làng. Khác với nhiều ngôi đình ở vùng đất này, đình Đại Tháng thờ thành Hoàng là quan Ngũ Hổ.
Dulichgo
Truyền thuyết kể lại: Xưa kia, nơi đây là khu núi rừng rậm có nhiều lợn rừng thường ra phá hoại hoa màu, lúa khoai, khiến đời sống nhân dân đói khổ. Giữa lúc nhân dân gặp khó khăn, trong rừng xuất hiện năm ông Hổ, điều lạ là Hổ không ăn thịt người mà hàng ngày đều ra bắt lợn rừng bảo vệ mùa màng, giúp cho nhân dân làm ăn yên ổn, đời sống ấm no. Ghi ơn, nhân dân địa phương xây dựng ngôi đình thờ quan Ngũ Hổ. Trong đình treo câu đối nói về công trạng người được thờ:

“Ngũ Hổ tàng Long trừ kẻ ác,
Song Long tụ thủy giúp hiền nhân”.

Tương truyền sau ông Hổ hóa thân là năm ngọn núi bao bọc khu dân cư còn gọi là núi Tháng. Làng kiêng kỵ không gọi tên chữ mà phải gọi tên húy là ông Ba Mươi, lấy tên làng là Đại Tháng. Hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng mở hội cúng tế thành Hoàng quan ngũ Hổ theo nghi lễ cổ truyền. Nghi thức rước nước từ giếng Phật lên đình làm lễ tế. Vật tế cho thành Hoàng là cả một con lợn sống. Sau lễ tế, làng tổ chức các trò chơi diễn xướng văn hóa dân gian như đấu vật, chọi gà, hát ca trù, hát chèo...

< Ông Nguyễn Văn Thực am hiểu khá nhiều chuyện về Non Vàng.


Từ giếng Phật lên thăm Ao Giời

Hiếm thấy vùng đất nào còn để lại nhiều dấu tích đình, chùa như vùng đất địa linh này. Ông Nguyễn Văn Thực chia sẻ: “Làng Đại Tháng (thôn Mười Bảy ngày nay) xưa có năm thôn: Thôn Thông, thôn Gia, thôn Trúc, thôn Cát và thôn Yên Ninh, có năm ngôi đình, chùa. Đình chùa Vàng (đình chùa Đại Tháng), đình chùa Vực, đình chùa Đồng, đình chùa Thông, đình chùa Cao… Rất tiếc những ngôi đình, chùa này đã bị tàn phá trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nay chỉ còn phế tích, nền móng cũ. Nhân dân địa phương đang cố gắng mong muốn khôi phục, tôn tạo lại chùa Vàng trong thời gian tới làm nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo, rất mong được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền”.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu phế tích chùa Vàng, ông Thực chỉ tay ra phía trước nói: “Đây là nền móng cũ của ngôi chùa, những mẩu gạch, ngói cổ cùng chân tảng, bệ đá... là dấu tích của ngôi chùa xưa. Ngoài ao kia có một cái giếng, dân gian vẫn gọi là giếng Phật, quanh năm không cạn nước. Ngày hội làng thường rước nước từ giếng này về tắm Phật sau đó mới tổ chức vui hội”.

Đã gần trưa mà không ai mệt mỏi, mọi người vẫn chăm chú lắng nghe từng câu chuyện của cụ Thực kể về vùng đất con người nơi đây. Anh trưởng thôn Lê Hồng Nam tiếp tục dẫn chúng tôi lên thăm Ao Giời. Ở độ cao 108m so với mực nước biển, theo đường đồi phải khá vất vả mới lên được đỉnh Ao Giời. Đúng như câu ca truyền tụng:

“Đã lên tới đỉnh Ao Giời,
Thoát đi trần tục thấy đời Thần tiên”.

< Ao Giời trên đỉnh Non Vàng.

Quả nhiên, một phong cảnh thật hấp dẫn hiện ra trước mắt chúng tôi. Trên đỉnh núi cao xuất hiện một hồ nước rộng khoảng 600m2, đang giữa mùa hè khô cạn mà nước hồ vẫn đầy ắp long lanh.
Dulichgo
Sau khi được thỏa sức rửa mát bằng nguồn nước tự nhiên ở Ao Giời trên đỉnh Non Vàng, chúng tôi mới chiêm ngưỡng vùng trời đất, non nước quê hương ở địa thế thuận tiện. Anh Nam là người đã nhiều lần lên đỉnh Ao Giời ngắm phong cảnh quê hương tâm sự: “Địa thế, phong cảnh ở đây rất đẹp, nhìn phía Đông Nam, con đường tâm linh 293 gắn Tây Yên Tử như dải lụa đào uốn lượn. Dãy núi Huyền Đinh hùng vĩ chạy dài, dãy núi Cô Tiên chập trùng hướng về chùa Vĩnh Nghiêm và ngã ba Phượng Nhỡn. Nhìn phía Bắc, khu thị trấn Lục Nam, thị trấn Đồi Ngô sầm uất”.

Còn ông Thực lại cho biết: “Vị trí này còn là một cứ điểm quân sự quan trọng, cuối năm 1947, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Anh Sơn tức Phi Hùng về chỉ đạo, bàn cách đánh giặc Pháp ở địa phương. Các đồng chí lão thành cách mạng cùng các đồng chí hoạt động cơ sở đã lên đỉnh Ao Giời quan sát bàn kế hoạch đánh địch ở Cẩm Lý, Cổ Mân và Đồi Ngô giành nhiều thắng lợi”.

Chẳng biết từ bao giờ các tên địa danh: Non Vàng, Non Bạc, Hòn Ngọc, Giếng Phật, Ao Giời, Núi Tháng… đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ lớp người dân địa phương. Những tên địa danh không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn thôi thúc chúng tôi phải tìm tòi, suy nghĩ. Có lẽ nên thực hiện riêng một chuyên đề nghiên cứu về vùng đất con người miền sơn khê thuộc sườn Tây Yên Tử này mới thỏa đáng.

Theo Đồng Ngọc Dưỡng (Báo Bắc Giang)
Du lịch, GO!