“Choáng ngợp”, “thật hùng vĩ”… là cảm giác của du khách khi đứng trước những ngọn thác ở Tây Nguyên. Dòng chảy sông Mê Công khi rẽ vào Tây Nguyên len lỏi qua khe núi, ghềnh đá, thành những ngọn thác hùng vĩ giữa đại ngàn. Và gắn liền với những ngọn thác ấy là những câu chuyện tình tuyệt đẹp…

Đến Tây Nguyên mà không đi chơi thác quả là uổng phí. Không giống những ngọn thác khác, thác ở Tây Nguyên chảy ầm ầm và dữ dội hệt như lòng người cuộn trào, tuôn ra tất cả cảm xúc dồn nén. Mỗi con thác dường như đều gắn với truyền thuyết về chuyện tình nồng thắm, bi thương của các đôi trai gái bị chia cách. Tiếng thác đổ cũng là tiếng lòng, tiếng khóc thương cho chuyện tình buồn của họ.

< Thác Dray Nur.

Ngoài những thác nổi tiếng như Prenn, Đatanla, Pongour, Đam Bri hay Liêng-rơ-voa… ở Lâm Đồng, du khách đặc biệt nhắc tên cụm thác ở vùng ranh giới giữa Đắk Nông và Đắk Lắk là Trinh Nữ, Gia Long, Dray Nur và Dray Sap. Đường đến cụm thác này khá thuận tiện, chỉ cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 30- 40 cây số.
Dulichgo
Phong cảnh hai bên đường đẹp, trùng trùng điệp điệp núi non xen với các loại cây màu, lấp ló những nếp nhà của đồng bào dân tộc. Nếu chịu khám phá, du khách mất khoảng hai ngày để chinh phục và chiêm ngưỡng từng ngóc ngách của cụm thác này. Nếu không có thời gian, cụm 4 ngọn thác này có thể đi trong một ngày.

< Thác Bảo Đại (Jráiblian).

Tây Nguyên mùa này nóng và khô hạn. Cùng với thủy điện chắn dòng, sông Tây Nguyên cạn kiệt đi. Nhưng các ngọn thác vẫn ngày đêm ì ầm tuôn chảy. Đẹp nhất vẫn là cặp thác đôi Dray Nur (Đắk Lắk) và Dray Sap (Đắk Nông). Dòng sông hùng vĩ Serepok của cao nguyên chảy đến đây thì tách làm đôi. Tại hai nhánh sông lại có hai vực thẳm và hình thành hai dòng thác. Từ đặc điểm thác đôi, người dân bản địa gọi đó là thác vợ chồng. Thác lớn Dray Nur là thác vợ.

Thác nhỏ Dray Sap là thác chồng. Đó là do trong gia đình, phụ nữ là người giữ vai trò trụ cột. Hai đầu thác rộng hàng trăm mét, cao vài chục mét. Với địa hình có khoảng sụt chênh lệch cao, nước tuôn chảy mạnh mẽ tạo nên khung cảnh ngoạn mục. Điều kỳ lạ là sau khi tách đôi và hình thành hai thác này, phía hạ nguồn của thác, dòng Serepok hiệp lại thành một dòng và tiếp tục uốn mình qua những ngóc ngách của núi rừng.

< Thác Gia Long.

Và cũng từ đó, người dân bản địa tin vào truyền thuyết: hai dòng thác là hiện thân của cặp trai gái hai làng vốn có nhiều xung khắc nằm hai bên bờ Serepok. Mối tình của họ bị cấm cản. Cuối cùng cả hai phải tìm đến cái chết để mãi mãi bên nhau. Một đêm trăng, cả hai lén lút hẹn hò rồi cùng nắm tay nhảy xuống dòng Serepok cuồn cuộn nước. Chuyện tình xúc động đến tận trời. Thần Sấm tức giận gây ra sấm sét, cuồng phong dữ dội vào đêm ấy. Nơi hai người trầm mình sụt xuống và hình thành nên hai dòng thác tuôn chảy ngày đêm như hai dòng nước mắt không ngường tuôn rơi.

< Thác Dray Sáp hùng vĩ.
Dulichgo
Cũng theo người dân bản địa, vì trải qua mối tình đẹp mà ngang trái đó nên cặp đôi này hết lòng tác hợp cho những đôi trai gái yêu nhau. Vì thế, nhiều cặp uyên ương đã đến đây thề ước, chụp ảnh cưới với niềm tin hạnh phúc mãi mãi bên nhau.

Với địa hình dòng sông chảy qua núi ở phía thượng và hạ nguồn thác, mùa này du khách dễ dàng đi bộ băng ngang giữa hai bờ. Nước chảy quấn quýt dưới chân mát lạnh, xa xa là dòng chảy cuồn cuộn đổ xuống bên dưới. Riêng thác Dray Nur là nơi lý tưởng để du khách dành nhiều thời gian khám phá. Cạnh thác là một hồ nước sâu 5-7 mét vào mùa khô, xanh mênh mang.

< Thác Pongour.

Thác còn đặc biệt bởi phía sau làn nước đổ xuống có một hang động lớn. Người ta có thể đi vào phía trong của dòng nước đổ xuống từ bên này sang bên kia mà không bị ướt áo. Khi đứng từ bên trong hang động nhìn ra, những bức tường nước bao bọc phía trước, ánh sáng mờ ảo soi những tảng đá hình thù kỳ dị. Hấp dẫn nhất không chỉ là việc chiêm ngưỡng thác mà còn khám phá và thử thách bản thân dưới dòng nước chảy mạnh.

Theo Nguyễn Đức (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!