(QBO) - vùng giữa tỉnh Quảng Bình có một hệ sơn thuỷ rất địa linh, đó là núi Đâu Mâu cao như hình “cây bút” và phá Hạc Hải rộng như một “nghiên mực” lớn.

Núi Đâu Mâu được sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả như sau: “Ở cách huyện Phong Lộc 22 dặm về phía tây, thế núi hùng dũng cao vót, đứng sững ở bên trời, trông như hình đâu mâu nên gọi tên này. Tương truyền cạnh núi có giếng, trong giếng có giống cá lạ; chân núi kề sông cái, sản giống cua đá, hồi đầu bản triều đắp luỹ dài, trên từ núi Đâu Mâu tức núi này; năm Nhâm Tuất đầu đời Trung hưng, Tây Sơn Nguyễn Quang Toản đem binh Bắc Hà vào cướp, phá luỹ Đâu Mâu, quân ta ở trên núi ném đá xuống, quân giặc chết và bị thương nhiều, liền tan vỡ. Đầu niên hiệu Tự Đức ghi vào điển thờ”. Hiện nay còn có dấu tích luỹ Đâu Mâu trên núi và tấm bia đá (tấm bia đang được để ở Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình).

Sách Ô châu cận lục của Tiến sỹ Dương Văn An viết năm 1555 cũng có chép về núi Đâu Mâu nhưng cũng chỉ ghi lại như Đại Nam nhất thống chí, ngắn gọn hơn.
Núi Đâu Mâu cách cầu Long Đại trên đường Hồ Chí Minh về phía tây theo đường chim bay khoảng 10 cây số, phía tây núi Mồng Gà (Đa Mao) và phía đông nam núi U Bò, ở trong quần thể núi cao của dãy Trường Sơn trùng điệp, phía nam là núi Đông Then. Núi Đâu Mâu có đỉnh cao nhất là 668 mét, và các đỉnh nhỏ thấp hơn. Do núi cao như vậy nên dân gian mới có câu ví “Đâu Mâu vi bút”.

Núi Đâu Mâu ăn liền với các núi cao của dãy Trường Sơn hùng vỹ càng làm cho sơn hệ núi non của Quảng Bình thêm phong phú, gắn liền với những huyền thoại hấp dẫn về sông núi Quảng Bình, như núi Thần Đinh, sông Nhật Lệ, càng làm cho tỉnh nhà thêm phần địa linh nhân kiệt, càng làm cho chúng ta thêm yêu quê hương mà ra sức phấn đấu để làm cho tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.

Núi Đâu Mâu có hệ động vật, thực vật đa dạng phong phú. Các loài động vật gồm: hươu, nai, chồn, khỉ, cáo, voọc, sóc, cầy, trước đây còn có hổ, báo,... các loài bướm đẹp, các loài côn trùng, các loài chim,... Các lòai thực vật gồm các loại gỗ quý: lim, táu, sến, gụ, nghiến,... các loài hoa rừng: phong lan, mai, bông trang,...
Cách núi Đâu Mâu gần 20 cây số về phía đông đông nam, có một vùng đầm phá rộng lớn cùng với sông Kiến Giang, đó là phá Hạc Hải (Thiển Hải, tức Biển Cạn), cổ nhân ví Hạc Hải như cái “nghiên mực” bên cạnh “cây bút” Đâu Mâu và có câu Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, là biểu trưng của sự học hành. Dulichgo

Đâu Mâu-Hạc Hải đã tạo nguồn cảm xúc cho các mặc khách tao nhân xuất khẩu thành thơ:
Bể Hạc ai mài xanh sắc nước
Non Mâu tô điểm vẻ da trời.

Phá Hạc Hải ở phía đông nam Võ Xá, bên phía tây đường Quốc lộ số 1A, thuộc xã Hồng Thuỷ và Gia Ninh. Phá kéo dài theo phương tây bắc-đông nam, dài khoảng 6-7 cây số, rộng 1-2,5 cây số, diện tích khoảng 12 cây số vuông, bắt đầu ở Mỹ Trung trở về phía đông nam.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã mô tả phá Hạc Hải và gọi là phá Thạch Bàn, như sau: “Ở cách huyện Lệ Thuỷ 14 dặm về phía  bắc, có tên là Thiển Hải, cũng gọi là Bình Hồ, do nước từ các nguồn Yên Sinh và Cẩm Lý đổ vào, trăm sông tụ hội, mọi nhánh đổ về, gọi là Hạc  Hải, phía đông bắc từng động cát chập chồng, phía tây bắc vạn núi chắn ngang, ở giữa thì mặt nước mênh mông, chỗ sâu chỗ cạn,  có một đường lạch rất sâu, thuyền bè đi  lại cần phải đề phòng sóng gió; hạ lưu hợp với sông Mỹ Hương rồi đổ ra biển.

Sách An Nam chí chép: “Thiển Hải ở huyện Nha Nghi, sóng biếc mênh mông, cây lau rậm rạp, thuyền chài tụ tán, có thể làm nơi du ngoạn của một phương". Sách ấy lại nói: “Sông Bồ Đài phát nguyên từ Lão Qua, chảy qua phía đông huyện Bồ Đài, chia dòng chảy vào Thiển Hải, lại vào sông Hoá Châu, sông có thể đi thuyền được, có lẽ chỉ phá này”. (Thiển Hải tức là biển cạn). Như vậy sách An Nam chí có sự nhầm lẫn mà Đại Nam nhất thống chí cũng ghi chú là sông Bồ Đài ở tỉnh Thừa Thiên mà Thiển Hải đây là phá của Thừa Thiên chứ không phải của Quảng Bình.

Phá Hạc Hải ở giữa có đường lạch tức là sông Kiến Giang, phá ở hai bên sông. Nước của phá Hạc Hải là nước lợ, rất thích hợp với các loài thuỷ sản nước lợ như: cá bống, cá úc, cá buôi, cá leo, cá chai,..., các loài tôm đất, tôm bạc, tôm tú, tôm rằn, tôm tít, cua, rạm,... Đặc biệt rạm trong mùa tháng tư âm lịch rất nhiều. Dân gian có câu: “rạm trồi thì lụt, rạm tụt thì mưa”; nếu rạm xuất hiện trước rằm tháng tư thì sẽ bị lụt, nếu rạm xuất hiện sau rằm thì chỉ mưa to mà không bị lụt. Rạm là thực phẩm rất ngon, chế biến làm canh, rang, kho đều tốt, bổ.

Thuỷ sản ở phá Hạc Hải phong phú đã nuôi sống nhân dân trong vùng. Một loài thực vật quan trọng khác là rong rêu, ở đáy phá rất nhiều, dân thường đi thuyền, lặn xuống lấy về làm phân xanh ủ với phân chuồng trồng lúa, hoa màu rất tốt, không chỉ cho dân trong vùng mà cả ở Bảo Ninh, Đồng Hới.

Do phong thuỷ của núi Đâu Mâu và phá Hạc Hải như vậy, cho nên dân vùng hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ đã phát triển sự học, trước đây có 4 làng văn vật là “Văn, Võ, Cổ, Kim”, xứng đối với huyện Quảng Trạch và Tuyên Hoá có 4 làng văn vật “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ”. Làng Văn La có một vị đậu Phó bảng là Hoàng Trọng Đài, một danh nhân Hoàng Kế Viêm yêu nước nổi tiếng cả nước, một Thống đốc quân vụ đại thần, một Hiệp biện Đại học sỹ,... cùng với một vị khác làm cho Văn La là làng “song Hiệp biện Văn La” nổi tiếng.

Làng Võ Xá có những nét văn hoá-lịch sử đặc sắc, một vị đậu Phó bảng (Lê Doãn Thành). Làng Cổ Hiền có một vị đậu Tiến sỹ là Lê Hữu Lệ, và có những nét văn vật đáng quý. Làng Kim Nại có một số vị đậu Cử nhân và những nét phong thuỷ, văn hoá rất đáng quý.

Các làng khác trong hai huyện này tuy không được liệt vào các làng văn vật nhưng cũng có nhiều vị học hành đỗ đạt cao như An Xá, Tuy Lộc, Thạch Bàn, Tả Thắng, Xuân Lai, Mỹ Lộc, nhất là làng Phù Chánh (xã Hưng Thuỷ) có gia đình họ Nguyễn Đăng có 2 vị Tiến sỹ và Phó bảng là Nguyễn Đăng Hành và con là Nguyễn Đăng Cư,...
Hệ sơn thuỷ Đâu Mâu-Hạc Hải quả là thế phong thuỷ rất đáng quý của  vùng đất “địa linh nhân kiệt” Quảng Bình.

Theo Ngọc Hiên Hiên (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!