(BQN) - Bỏ lại những ngột ngạt xô bồ của phố thị, thử đeo ba lô và ngược núi về với ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh trên dãy Ngọc Linh (Nam Trà My) tìm cảm giác bình yên bên bếp lửa nhà sàn sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên cho những bàn chân ưa khám phá.

“Tỉnh dậy hoàn toàn đơn độc trong một thị trấn xa lạ là một trong những cảm xúc tuyệt vời nhất trên thế giới” - tôi đã nghĩ ngay đến câu nói ấy của Freya Stark khi ngắm nhìn những tia nắng đầu ngày từ nóc Kon Bin. Không thể diễn tả được xúc cảm của kẻ lữ hành khi trước mặt là những chóp núi trập trùng trong sương trắng. Phía hừng đông đẹp đến ngỡ ngàng. Giữa rừng, chỉ có gió xào xạc và những âm thanh của núi, của bình yên. Một ngôi làng trong mơ…

< Làng Kon Bin ven sườn đồi đẹp nhất là vào khoảng tầm 3 giờ chiều.

Từ Tăk Pỏ (xã Trà Mai) - trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi ngược xe máy lên điểm Trường Tiểu học Ngọc Linh, điểm cuối con đường đang được mở vào trung tâm xã Trà Linh. Từ đây, chỉ có thể gửi xe máy ở dãy hàng tạp hóa san sát nằm ở bìa rừng, rồi cuốc bộ theo con đường độc đạo để đến Kon Bin.

Bắt đầu một hành trình gian nan cho những đôi chân chưa quen leo dốc, gùi hàng, bởi đường lên là những con dốc dài mà mỗi bước chân là một lần đầu gối chạm mặt. Nước suối ngọt lịm, mát lạnh đến tỉnh người đủ để quên đi cảm giác mồ hôi tuôn ướt áo.

< Tìm lại cảm giác yên bình ở Kon Bin.

Rồi lại đi. Con đường mòn xuyên qua những vạt cỏ lau cao quá đầu người, thi thoảng lại len lỏi giữa những tán rừng và những ruộng bậc thang xanh ngắt. Ruộng lúa nước của người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh không bát ngát như ở Tây Bắc, nhưng màu xanh của ruộng mạ hai bên lối đi đẹp mơ màng.

Nghỉ chân dưới những tán cây, ngắm nhìn ruộng bậc thang trải theo sườn núi dốc như một liều thuốc “tăng lực” cho “phượt thủ” tiếp tục hành trình. Thi thoảng, bạn sẽ bắt gặp những đoàn người Xê Đăng gùi hàng thuê lên nóc dừng chân chia nhau từng chút bột “cá c’râu”, loại thuốc bột truyền thống, rầm rì trò chuyện. Khoảng gần 2 tiếng đồng hồ ngược núi như thế, bạn sẽ đến được Kon Bin.

< Một góc thảo nguyên nhỏ ở Kon Bin.

Bước chân chợt hẫng khi đỉnh đồi là cả một thảo nguyên xanh rì. Nằm trên vạt cỏ, ngửa mặt nhìn trời xanh mây trắng, có cảm giác cả bầu trời xanh nằm gọn trong lòng bàn tay. Những toan lo của cơm áo thường ngày đã nằm đâu đó dưới chân núi, thật bình yên.

Làng Kon Bin đẹp nhất là vào khoảng tầm 3 giờ chiều. Nắng vàng rực nhưng tiết trời cứ dịu như mùa thu. Lạnh. Phần vì Kon Bin nằm ở độ cao hơn một nghìn mét, phần vì lọt thỏm giữa những cánh rừng nguyên sinh. Chừng vài chục nóc nhà của người Xê Đăng bám víu lấy bình nguyên nhỏ trên đỉnh đồi. Trong làng duy nhất tiệm tạp hóa, nhưng lại khá đầy đủ mọi thức từ bánh trái nước ngọt đến cả… bia. Ngay bên cạnh làng cũng là những dãy ruộng bậc thang đều tăm tắp.

Khách đến Kon Bin, tha hồ xuýt xoa với những khung hình đẹp, chưa kể từ đồng cỏ còn có thể phóng tầm mắt tìm con đường nhựa ngoằn ngoèo nằm sát chân núi và những ngôi làng khác ở xung quanh. Những người Xê Đăng ở Kon Bin khá rụt rè khi mới gặp khách, nhưng vẫn sẵn sàng bày rượu cần nướng cá suối hát hò suốt đêm, rồi ngủ vùi bên bếp lửa.

Hừng đông đỏ rực phía chân trời. Những thung sâu chìm trong mây trắng. Buổi sáng ở Kon Bin trời trong mát, bạn sẽ tỉnh giấc giữa tiếng chim hót, tiếng gió reo và một cánh đồng mây trước mặt. Nếu như Ngọc Linh được mệnh danh là nóc nhà của Nam Trung Bộ thì cánh đồng cỏ ở Kon Bin như một ban công chìa ra phía dưới, một địa điểm không thể tuyệt vời hơn để đón bình minh. Những lo toan muộn phiền như được giũ quên trong khoảnh khắc mặt trời hiện lên từ biển mây trắng ngút ngàn trên chóp núi. Hãy đến đó, ở đó để biết hạnh phúc của những chuyến lữ hành với chiếc ba lô và đôi chân chưa bao giờ muốn dừng lại…

Theo Phương Giang, Alăng Ngước (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!