Con đường độc đạo ngoằn ngoèo, hiểm trở vô tình như đã góp phần gìn giữ lại một mảnh đại ngàn cho hậu thế, cũng là nơi trú ẩn cuối cùng của bầy tê giác trong bi kịch tuyệt diệt giống nòi trên chính quê hương của chúng... Bạn Nguyên Vỹ viết.

< Đường lên xã Đồng Nai Thượng.

Cách TP HCM hơn 150 km về phía bắc, vườn quốc gia Cát Tiên rộng 74.320 ha được thành lập trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên năm 1992. Xã miền núi Đồng Nai Thượng nằm ở giữa rừng quốc gia Cát Tiên, gần như giáp ranh cả 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng.

< Thượng nguồn sông Đồng Nai, khúc chảy qua di chỉ Nam Cát Tiên.

Theo quy định, người dân không được phép sinh sống trong khu vực vườn quốc gia, nhưng oái ăm là ở xứ Đồng Nai Thượng này đã có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống từ lâu đời. Một di chỉ khảo cổ quan trọng ở Cát Tiên cho thấy đã có cộng đồng người quần cư từ ngàn năm trước.

< Nhà sàn của dân làng thôn Bù Gia Rá.

Giờ quyết định lập vườn, chả lẽ đuổi con cháu họ! Đây có lẽ là lý do của sự tồn tại xã Đồng Nai Thượng với 98% dân số là người dân tộc, nằm lọt thỏm trong vùng rừng quý giá còn sót lại.

< Trẻ thơ Đồng Nai Thượng.

Dân làng đã sống định canh định cư với vườn điều, rẫy khoai mì, bắp, bí, bầu… nhà nào cũng có, nhưng cách thu hoạch sản phẩm vẫn giữ được truyền thống “văn minh hái, lượm” của người thiểu số.

Đợi trái điều chín rụng đầy vườn mới đi nhặt hạt, khoai mì thì trồng rải rác nên lúc tiện đường chỗ nào, nhổ chỗ ấy mang về. Chúng tôi sững sờ trước những củ mì gần chục ký được chủ rẫy nhổ lên kèm lời giải thích: “Trồng mấy năm rồi nhưng ít đi đường này...!”.

< Trẻ nhỏ được mẹ địu.

Rừng Cát Tiên còn có nhiều cây ươi. Mùa nắng trái chín rụng khắp rừng. Vào rừng lượm hạt ươi về nhà phơi khô rồi bán cũng là một nguồn thu nhập đáng kể của dân làng.

Dân thành phố pha hạt ươi vào hạt é thành ly nước uống bình dân, cổng trường nào cũng có, gắn liền với tuổi thơ đi học của nhiều người nhưng chắc chẳng mấy ai được thấy một cây ươi to lớn sừng sững giữa rừng, trăm năm sống âm thầm đơm hoa kết hạt cho người đời… uống chơi.

< Quanh co đường đất đỏ dốc cao ngất.

Đường lên Đồng Nai Thượng phải băng qua nhiều đồi núi và thung lũng, rất khó đi nếu không muốn nói là trần ai. Mỏm đồi này nối tiếp mỏm đồi khác… nhiều như bát úp, nhưng theo người dân ở đây "…đường bây giờ đã dễ đi hơn 50% rồi!".

Xe máy muốn chạy được ở vùng này đều phải độ lại nhông, sên, đĩa và nhiều thứ khác mới mong “thọ” được. Mùa mưa, đường lầy lội, phải dùng dây xích quấn vào bánh xe, tạo độ bám sâu mới có thể di chuyển. Cũng vì thế mà ở đây hình thành nên một thói quen cứ hễ những việc trọng đại hay những nhu cầu thiết thân cho cuộc sống... đều phải được tranh thủ trước mùa mưa.

< Gian bếp người Châu Mạ.

Ông Điểu Ngọc Doa, Phó bí thư xã rót trà mời chúng tôi, trong khi bà vợ lục đục chuẩn bị cơm ở trong gian bếp. Hai vợ chồng đều là chiến sĩ quân giải phóng trước năm 1975, sống và bám trụ chiến đấu tại chỗ, lập nhiều thành tích, được thưởng huân chương và đều là Đảng viên. Chính ông Doa là người đã hiến tặng một hecta đất vườn nhà để dựng nhà thờ.

Chúng tôi nghỉ đêm trên tấm chiếu trải giữa nhà ông Doa. Mới bốn giờ sáng, trời còn tối mịt nhưng tiếng gà gáy đã rân vang chẳng ai ngủ tiếp được. Hôm đó là ngày chủ nhật. Chúng tôi trở dậy, cũng như dân làng, rục rịch sửa soạn dự lễ misa, một trong những dịp tụ họp đông đủ của dân làng.

< Khuôn viên nhà thờ cũ.

Trên những con đường đất đỏ quanh co, những người đàn ông đèo cả nhà trên xe máy, những người mẹ trẻ địu con trên lưng hay trước bụng, người già, trẻ con… đi cùng nhau tíu tít hướng về nhà thờ.

Ai cũng diện cho mình bộ đồ tươm tất nhất. Nhà thờ nhỏ, chật mà người dự lễ lại đông, đứng chen chúc tràn ra ngoài sân, dưới bóng mát vườn điều. Suốt buổi lễ, nhìn gương mặt ai cũng hồn nhiên, thành kính.

< Giáo dân Đồng Nai Thượng tại nhà thờ.

Rời Đồng Nai Thượng, lòng chúng tôi không khỏi chút day dứt, bùi ngùi. Đồng Nai Thượng không có cái mỹ miều cuốn hút của danh thắng, phố hội; không có cái tươm tất, đủ đầy của dịch vụ, tiện nghi nhưng nó đẹp ở cái vẻ hoang sơ, thô mộc của con người và của núi rừng miền Đông.

Một thôn làng nhỏ nhoi lọt thỏm giữa mênh mông heo hút nhưng lại ấm tình người, hay phải chăng, giữa cái bao la của đại ngàn huyền bí người ta lại dễ dàng chia sẻ và yêu thương nhau hơn?

Theo Nguyên Vỹ (Vnexpress)
Du lịch, GO!