(TBKTSG) - Giữa tháng 7-2014, tôi tìm về làng chài nhỏ bé trên đảo Bích Đầm - nơi tận cùng của dãy núi Hòn Tre trườn mình ra vịnh Nha Trang - sau 12 năm thăm thoảng qua.

Người xứ đảo

Tôi đến bến cảng Cầu Đá (Nha Trang) tìm tàu đi Bích Đầm khi nắng chiều đã nhạt. Anh cò tàu ở đây cho biết: “Đò đi Bích Đầm đã chạy hồi 11 giờ rưỡi rồi. Mỗi ngày chỉ có một chuyến, nên giờ muốn đi chỉ có cách thuê nguyên chiếc tàu, giá 800.000 đồng”. “Nếu không có việc gì gấp thì mai đi đò cho rẻ, chỉ có 17.000 đồng một người thôi”, anh cò tàu “tư vấn” thêm. Kiểm tra thông tin một số bạn bè ở Nha Trang, rồi hỏi thăm lính biên phòng ở chốt Cầu Đá... mới tin kiểu làm ăn chụp giật tai tiếng một thời ở bến cảng du lịch này đã là quá khứ!

Nghĩ, ngoài chuyện “đi cho biết” thì mình có việc gì gấp ở Bích Đầm đâu. Với lại, đi ra đảo cùng (phương tiện) với người dân bản địa thì sẽ có những trải nghiệm thú vị hơn chứ!

Vậy là, trước 11 giờ hôm sau tôi quay lại bến cảng Cầu Đá, chờ tàu... Hơn 11 giờ, con tàu đi Bích Đầm có tên Tùng Thanh (KH 0222) có vẻ ngoài cũ kỹ tiến vào bến cảng. Như những cư dân đảo, tôi “tự tiện” bước xuống tàu và tìm cho mình một chỗ ngồi tùy thích.

Đến hơn 12 giờ tàu mới khởi hành, lão ngư xứ đảo ngồi cạnh nói: “Hôm nay, tàu lên nhiều hàng nên chạy trễ”. Và, như thường lệ, khi tàu vượt sóng qua đảo Trí Nguyên, bà chủ tàu bắt đầu nhìn và đọc tên từng hành khách để thu tiền. “Vì hành khách là dân ở các đảo Bích Đầm, Hòn Một, Vũng Áng, Đầm Bấy nên tôi biết tên”, bà chủ nói với tôi - khách lạ.

Và, trên chuyến đò, qua trò chuyện, một số lão ngư đã thiệt tình rủ rê “về nhà tui nhậu chơi”... Khi tàu cập bến, một bà dì dặn: “Nếu không có người quen ngoài này thì cứ vào đồn biên phòng... xin ở nhờ; không được thì cứ tới nhà dì, hỏi nhà dì Hạnh thì ai cũng biết”. Nhưng trước đó, khi tàu vừa rời bến, biết tôi lo lắng chuyện qua đêm trên đảo, ông Tùng Thanh, người lái tàu cũng là chủ tàu Tùng Thanh, đã nói: “Nếu thích, tối cứ ra tàu ngủ với chú, rất thoáng mát”.

Lão lái đò

Ông Tùng Thanh kể rằng, trước giải phóng, cha ông - ông Tùng Lâm, là người khai phá vùng đất Đầm Bấy.

Khi đó, ông Tùng Lâm có trang trại chăn thả gia súc và nuôi thủy sản khá lớn ở đây nên được người dân trong vùng gọi là chúa đảo. Sau giải phóng, vì nhiều lý do, trang trại của ông Tùng Lâm phá sản và ông Tùng Thanh được cha chia cho một chiếc tàu gỗ nhỏ làm vốn.

Những năm 1980, nhận thấy nhu cầu đi lại giữa các đảo trong vịnh Nha Trang với đất liền “đủ lớn” nên Tùng Thanh đã mở tuyến vận chuyển hành khách bằng chiếc ghe gỗ của cha mình để lại. Và hơn 26 năm nay ông Tùng Thanh gắn với nghề đưa đò - phục vụ bà con dân đảo.

Nhờ đó, quá trình phát triển cư dân ở vùng vịnh biển Nha Trang ông “nắm trong lòng bàn tay”. Như, khi tàu chạy qua đảo Trí Nguyên, ông nói: “Du lịch đã giúp hòn đảo này phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho người dân sinh sống ở đây như thiếu nước ngọt, ô nhiễm môi trường...”.

Khi tàu trả khách ở Vũng Áng, ông lại nói: “Làng này do ba ông thợ săn lập nên nhưng bây giờ kinh tế chính là đánh bắt xa bờ. Hiện làng có khoảng 90 hộ, cư dân chủ yếu từ Phú Yên di cư vào, chịu khó làm ăn nên kinh tế khá giả”. Rồi ông chỉ tay về Hòn Một, tiếp: “Làng Hòn Một do một ông thầy pháp tên Đựng lập nên, giờ có khoảng 70 hộ.”

Đông dân nhất vùng là làng Bích Đầm, gần 200 hộ, xấp xỉ 1.000 dân (Đầm Bấy chỉ có 20 hộ). Lập làng là một người họ Trương, từ Tam Quan, Bình Định di cư vào từ khoảng 200 năm trước đem theo nghề lưới đăng. Vì vậy, ngày nay, ở Bích Đầm nghề lưới đăng khá phát triển, dân chủ yếu sống dựa vào nghề này.

Đảo ngọc Bích Đầm

Khi tàu qua Hòn Mun, làng Bích Đầm dần hiện ra phía sau vịnh nước phẳng lặng, xanh màu ngọc. Vậy là tám hải lý, gần hai giờ đồng hồ đã trôi qua, từ khi rời bến cảng Cầu Đá. Xóm chài Bích Đầm vẫn đón khách bằng gốc bàng cổ thụ ngay bến cảng đầu làng như 12 năm về trước. Ngoài sự “biến mất” của cánh quạt điện gió xưa cũ (trên đảo giờ đã có điện), khung cảnh ập vào mắt tôi không hề xa lạ.

Vẫn nhà cửa chen chúc trên con đường làng chật hẹp không tiếng xe máy - thanh bình. Ghé nhà lão ngư hành nghề lưới đăng tên Hùng chừng mươi phút tôi phải xin phép đến đồn biên phòng “trình diện”. Vì nhớ, năm 2002, khi lần đầu tiên đặt chân lên đảo Bích Đầm chúng tôi đã bị lính biên phòng mời “vô đồn làm việc” do lên đảo mà không xin phép trước.

Nhưng lần này các anh lính biên phòng thoáng hơn khi nhiệt tình giúp tôi liên hệ với trạm hải đăng trên đỉnh Bích Đầm - nơi tôi muốn đến. Còn nhớ, năm 2002, muốn lên ngọn hải đăng Bích Đầm (công trình do người Pháp để lại) chúng tôi phải “lội bộ” đường rừng hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay đã khác...

Sau khoảng mười lăm phút đi bộ men theo con đường mòn từ cuối làng đến chân núi, tôi được anh Mạo, Trạm phó hải đăng Bích Đầm, đón. Với chiếc xe gắn máy duy nhất trên đảo - phương tiện leo núi của cán bộ trạm hải đăng - chỉ mất khoảng hơn 15 phút là tôi đã đến được ngọn hải đăng cao ngất. Anh Hữu, Trạm trưởng hải đăng, cho biết con đường lên núi này do năm thành viên của trạm tự “thi công” trong nhiều năm... mới hoàn thành.

Trên đỉnh ngọn hải đăng nhìn ra biển Đông mới đẹp làm sao - khi ánh nắng đầu tiên trong ngày xuất hiện. Anh Hữu cho biết, từ ngày đơn vị pháo binh chuyển đến địa điểm khác thì du khách (du lịch bụi) đến đảo Bích Đầm thoải mái hơn. “Thời gian gần đây tôi có tiếp một số công ty du lịch, họ muốn đưa khách ra Bích Đầm tham quan làng chài và lên ngọn hải đăng cổ xưa ngắm cảnh”, anh Hữu nói.

Với vẻ đẹp tự nhiên của biển, của rừng, của tình người chân chất xứ đảo Bích Đầm thì tiềm năng phát triển du lịch ở đây là không nhỏ. Tuy nhiên, để người dân bản địa không là “kẻ ngoài cuộc” trong quá trình phát triển thì cách làm du lịch cần phải được Nhà nước giám sát - không thể phát triển theo kiểu như xóa sổ cả làng chài ở Hòn Một để xây khu nghỉ dưỡng được.

Theo Quang Chung (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn)
Du lịch, GO!

Bình yên làng chài Bích Đầm