Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn không khí đặc trưng riêng của Đà Lạt, bạn nên "gồng mình" với khí lạnh ở đây để làm một cuộc dạo phố đêm...

< Chợ Âm Phủ - Đà Lạt.

Đêm Đà Lạt lạnh buốt, thế nhưng khu vực trung tâm bao giờ cũng nhộn nhịp. Người đi đường chắt chiu từng chút hơi ấm trong những chiếc áo len, áo khoác đủ màu, đủ kiểu. Các cửa hiệu, nhà hàng rực rỡ ánh đèn. Vừa đi dạo ngắm phố đêm, vừa gặm bắp nướng phết mỡ hành hoặc nhâm nhi miếng khoai lang chiên, chuối chiên thơm lừng... Thật thú vị!

< Cầu thang khu Hòa Bình.

Người ta đi ăn khuya ở chợ Âm Phủ. Đây là khu vực kéo dài từ trước chợ Đà Lạt đến gần hồ Xuân Hương, bày bán lộ thiên tất cả các món ăn uống phổ biến: cơm, phở, bún, cháo, trứng, sò, nghêu, ốc, chè, sữa, đậu nành.

Tên gọi chợ Âm Phủ này xuất hiện từ hồi đèn đường ở Đà Lạt còn chưa có nên những người bán đồ ăn khuya hay mượn ánh đèn rạp hát Hòa Bình để làm ăn, từ đó mà tụ tập mua bán ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt.

Mỗi gánh hàng đêm có trang bị thêm một ngọn đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, ánh sáng chỉ vặn nhỏ vừa đủ cho du khách thấy có những món ăn gì để lựa chọn. Trong đêm khuya, khi Đà Lạt chìm trong màn sương trắng xóa, nhìn từ xa khu chợ đêm cứ như những đốm sao sáng le lói nên thành tên gọi chợ Âm Phủ là vì vậy.

Nếu bạn có dịp đến chợ Âm Phủ Đà Lạt ăn đêm trong tiết trời lạnh buốt những ngày cuối đông, bạn sẽ được thấy hết cái hay cái đẹp của thành phố này.

< Bánh căn xíu mại.

Chợ Âm Phủ xưa nay không bán những món cao sang, cầu kỳ, chỉ đơn giản là những nồi ốc luộc lá gừng nóng hổi hay bếp than hồng quạt cháy tí tách cùng khô cá, khô mực làm mồi uống vài ly rượu gạo, rượu thuốc, hoặc là trứng vịt lộn và những món bún bánh, mì cháo bình thường. Nhưng cái thú của chợ Âm Phủ là họp để ăn uống, vui chơi từ 7-8 giờ tối kéo dài cho đến tận 3-4 giờ sáng hôm sau. Du khách đến đây không phân biệt sang hèn, là ai nấy có thể thoải mái ra vào, tạt qua ăn một chút lót lòng, ngồi nhâm nhi vài ly rượu, hàn huyên với bạn bè, hay một mình đi thưởng thức “món” đêm lạnh Đà Lạt.

< Bánh canh bột lọc kiểu Huế.

Đến đây, bạn có thể “luyện Listening-speaking” với cả một “đội quân” chạy xe thồ khuya đón khách. Họ lịch sự như các “Gentleman” thực thụ và nói tiếng Pháp, tiếng Mỹ nhanh như gió, chuẩn không cần chỉnh. Bạn cũng sẽ gặp những nụ cười thật tươi cùng tiếng xuýt xoa của những người lao công quét đường vừa xong việc ghé qua tìm chút lót bụng khi tang tảng sáng. Bạn cũng có thể gặp các nhạc công, ca sĩ vừa rời quán bar, vũ trường ghé vào, vừa ngồi ăn, vừa gõ đũa, gõ chén tạo nên “vài phút ngẫu hứng” rất chi là “đường phố”, hoặc trò chuyện thoải mái với các cô cậu sinh viên ít tiền, nhưng dư sự hồ hởi và lòng nhiệt tình tuổi trẻ.

Sau phút giới thiệu bất ngờ bên bàn ăn, họ có thể cùng bạn lang thang bay bổng cả đêm bên hồ mù sương để kể cho bạn nghe cả một khung trời Đà Lạt. Đặc biệt, đến chợ Âm Phủ, có khi bạn còn có những cuộc hội ngộ bất ngờ với người quen bởi có rất nhiều khách du lịch tìm đến đây vì muốn thưởng thức hương vị đêm Đà Lạt.

Bây giờ, chợ Âm Phủ đã được quy hoạch trong khuôn đất khá rộng, nằm dọc từ cửa chợ Đà Lạt đến bùng binh hồ Xuân Hương. Các món ăn khuya ở chợ đêm Đà Lạt cũng phong phú và đa dạng hơn, với đủ các món ăn ba miền như bún bò Huế, mì Quảng, phở Bắc, bánh canh, hủ tiếu Nam Vang…

< Phở Hiếu và sữa đậu nành quán chị Hoa.

Riêng bánh mì ở chợ đêm Đà Lạt đã nổi tiếng từ lâu với món xíu mại cay ngon. Bạn sẽ rất thích nhìn hai người phụ nữ, một già, một trẻ, vừa nướng bánh, vừa bỏ xíu mại và rau vào bánh mì. Khách đông là thế nhưng dù bạn mua cả chục ổ một lúc thì bạn cũng chỉ đợi chừng 10 phút là có ngay. Đặc biệt, họ tiếp chuyện khách rất nhanh, rất duyên nhưng không hề tính nhầm của bạn dù chỉ một… xu!

Ngoài chợ Âm Phủ, quanh khu Hòa Bình cũng có các quán ăn đêm đã đi vào tiềm thức của người Đà Lạt và du khách thập phương như miến gà Nga ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phở Hiếu đường Trương Công Định, mì Quang Thanh đường Phan Đình Phùng, hoành thánh mì vằn thắn cạnh rạp Ngọc Hiệp, hay bún bò đường Ấp Ánh Sáng, chè Hé đường Duy Tân...

Sau một ngày rảo quanh các con dốc, khi cảm giác đôi chân đã mỏi nhừ vì trót mê mãi chinh phục hồ Xuân Hương, bạn có thể dừng lại bên gánh ốc đầu đường Trương Công Định, kêu dăm ba trứng hột vịt lộn, vài đĩa ốc bươu hay nghêu luộc ăn với chuối xanh rau thơm chấm với nước mắm gừng, cùng nhau chia xị rượu đế nếp. Nếu vẫn thấy chưa chắc dạ, hãy làm thêm tô cháo gà. Nhiều người thích ăn phở bò ở Đà Lạt không chỉ vì hương vị phở hơi khang khác mà còn vì ở cách ăn: ai cũng “phi" thật nhanh để vừa "đua" với cái đói, vừa “đua” với cái lạnh để mỡ bò không kịp đóng váng trên vòm miệng!

Ðêm Ðà Lạt mù mưa, ai chui vào tiệm sữa đậu nành cũng thấy sướng, được uống ly sữa nóng thơm lừng mùi đậu xanh, đậu nành hay đậu phộng ở các gánh sữa. Ðêm Ðà Lạt, du khách có thể uống sữa đậu nành mọi lúc mọi nơi. Nếu thích uống sữa đậu nành gánh ở bờ Hồ Xuân Hương thì du khách sẽ được “khuyến mãi” thêm vài mẫu chuyện vui, buồn về đời tha hương cầu thực của dân nhập cư bán sữa đậu nành. Uống sữa đậu nành nóng khi trời lạnh đã trở thành một cái thú của những người dạo phố đêm Đà Lạt.

Nhiều người vẫn nhớ lắm hàng sữa đậu nành gần hồ Xuân Hương của ông già với chiếc áo len đỏ đã cũ. Những hàng bán nước luôn bày sẵn nhiều loại bánh ngọt ăn kèm như bánh su, bánh pía, bánh nướng nhân thơm, nhân dừa để khách ăn lót dạ. Trên đường Tăng Bạt Hổ ở trung tâm thành phố, bên cạnh hàng nước đậu của chị Hoa còn quán phở Hiếu có từ thời Giải Phóng, giờ cũng mở cửa bán hàng khá khuya.

Du khách thập phương đến với Đà Lạt, một lần hay vài lần, vẫn thích thú với bữa ăn khuya ngon miệng ngoài trời như thế, để được xuýt xoa vì vị cay nồng và cái lạnh se se của mảnh đất cao nguyên trữ tình.

Theo Chu Du 24
Du lịch, GO!