(Tiếp theo) - Đi quen, lại như thoát khỏi cái xô bồ thành phố nên chạy từ sáng sớm đến quá trưa nhưng chả thấy mệt mỏi gì dù chuyến đi này cũng chỉ đơn thuần 'công vụ', không ghé lung tung mọi nơi như các lần lang thang trước kia.

Hồi đó, trước mỗi chuyến đi thì bọn mình tham khảo trước lộ trình kỹ lắm. Chả phải lo sẽ ăn đâu, nghỉ đâu vì thứ này: nếu chịu đi, chịu đến rồi sẽ có. Tuy nhiên những điều cần biết trước là mình sẽ đi đường nào, chia làm mấy đoạn trong mấy ngày và quan trọng nhất là trên đoạn đường A - B, B - C... sẽ có những điểm nào đáng ghé - đến nơi nghỉ sẽ khai phá điểm nao?

< Vào thị trấn Di Linh. Ngã 3 phía trước có nhánh rẽ vào QL28 đi Phan Thiết sau khi vượt con đèo dài ngoằn Gia Bắc.

Còn lần đi ni thì tuốt tuột: đói thì ghé 'măm', khát hay quá ê mông thì tấp vào điểm nào đó cây hoa lá hẹ mà nghỉ mươi phút... rồi lại vi vu. Vậy nên cũng nhanh, thoắt cái đã ra khỏi địa phận xã Đinh Trang Hòa, hướng về thị trấn Di Linh.

< Nghỉ chân, uống nước ngay công viên ngã 3. Nơi này đối diện trà Tâm Châu - Di Linh.

Lại nói chút về Di Linh nhé:
Di Linh là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Di Linh, ở độ cao 1.000 m so với mặt nước biển. Tên Di Linh bắt nguồn từ Djiring, theo nhiều người, đây là tên của vị chủ làng có công thành lập ra buôn này. Di Linh là vùng đất Bazan màu mỡ, có tổng diện tích tự nhiên hơn 1614,63 km2; trong đó, có 47.000 ha đất nông nghiệp.

< Ảnh trên chỉ là cái cổng nhỏ, cái bự ngay bên cạnh. Nghe nói mé trái có quán cà phê tuyệt ngon có uống thử free (ảnh trên).

Khí hậu Di Linh trung bình không nóng lắm, không lạnh lắm, nhiệt độ trung bình khoảng 20°C, và thường thay đổi đúng mùa trong năm. Do vậy, Di Linh có tiểu vùng thời tiết, khí hậu rất thích hợp đối với các loại cây công nghiệp mà đặc biệt là cây cà phê.

< Nghỉ một hồi rồi đi, lúc này đã 14h - xế chiều rồi.

Về địa lý, Di Linh thuộc cao nguyên trung phần Di Linh, phía Nam tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh với các huyện Đức Trọng (đông), Lâm Hà (đông bắc), Bảo Lâm (tây), đều thuộc tỉnh Lâm Đồng, và các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) ở phía nam, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắc Nông ở phía bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 222 km về hướng đông bắc và cách thành phố Đà Lạt 78 km về phía nam.

< Nắng nhiều nhưng không nóng vì nơi đây cao hơn mực nước biển tầm ngàn mét chứ không ít.
Đường cao nguyên có khác, mới vừa leo dốc thì bây giờ đổ đèo. Cả một khoảng mênh mông phía xa.

< Qua trung tâm xã Gia Hiệp, vượt thôn Hiệp Hòa rồi Hiệp Thuận... Sắp đến thị trấn Liên Nghĩa rồi.

Huyện Di Linh bao gồm 19 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Di Linh và các xã: Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Tân Châu, Tân Nghĩa, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Tam Bố, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Gung Ré, Bảo Thuận, Hòa Ninh, Hòa Trung, Hòa Nam, Hòa Bắc, Sơn Điền, Gia Bắc, Tân Lâm.

< Ngã 3 Thống Nhất phía trước. Hai con đường này, đường nào cũng dẫn vào trung tâm thị trấn Liên Nghĩa nhưng nếu rẽ phải đi đường nhỏ, ta sẽ vào thác Gougah.
Đi 'công vụ' nên mình chạy thẳng cho nhanh.

< Vượt ngang thị trấn cái vèo. Liên Nghĩa là trạm trú chân cho dân phượt rất tuyệt do giá nhà nghỉ - khách sạn rẻ, ăn uống cũng vậy - không đắt đỏ như trên xứ hoa.

< Vào đèo Prenn: Đà Lạt đã kề cận rồi. Lúc này mới thấy cái lạnh tê tái len vào khe cổ áo...

Ta có thể điểm qua vài mốc Lịch sử Lâm Đồng qua các thời kỳ:

- Ngày mồng 01 tháng 11 năm 1899, chính quyền Pháp lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du Haut Donnai), tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring).
- Năm 1903, bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh, do đại diện của Công sứ Bình Thuận cai trị.

< Khí hậu Đà Lạt thường ngộ lắm: Nếu ta đứng ngoài nắng sẽ thấy nóng (nhất là buổi trưa) còn vào bóng râm lại thấy lạnh. Buổi tối thì không phải nói rồi, hi hi...

- Năm 1913, nhập đại lý Đà Lạt với đại lý Di Linh, gọi chung là đại lý Di Linh và vẫn thuộc tỉnh Bình Thuận.
- Ngày mồng 06 tháng 01 năm 1916: thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh Lâm Viên còn được gọi là Langbiang hay Lâm Biên.

< Từ cao tốc Liên Khương - Prenn lên xứ ngàn hoa có 2 con đèo: đèo Prenn và đèo Mimosa. Mình thường lên đèo Prenn, đổ đèo Mimosa.

- Ngày 31 tháng 10 năm 1920: xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt.
- Ngày mồng 8 tháng 01 năm 1941, lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng chuyển về Di Linh.

< Lái xe, gió thốc cóng tay. Lúc này bọn mình moi túi mặc thêm cái áo khoác nữa. Vậy nhưng chả thấm cái lạnh tê tái...

- Ngày mồng 19 tháng 05 năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, đồng thời tách một phần đất sáp nhập với thành phố Đà Lạt, thành lập tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng gồm 2 quận Bảo Lộc (Blao) và Di Linh. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng. Như vậy tỉnh Lâm Đồng do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt bao gồm 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức do Việt Nam Cộng hòa đặt.

< Trên đường Nguyễn Chí Thanh nhìn xuống chợ Đà Lạt. Rét căm, răng bắt đầu 'uýnh bò cạp'. Ba lớp áo, 2 lớp quần, găng tay da, vớ thấp... xem ra chả si nhê!

- Tháng 2 năm 1976, sáp nhập tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức thành tỉnh Lâm Đồng mới.
< Ghé ngang qua quán con mình xem tình hình thía nào. Mai khai trương nhưng giờ này còn lỏi ngỏi thứ chưa được giao, thiệt là (Đáng tiếc, hiện nay cái quán không còn nữa đâu).

Ngày nay, trung tâm huyện chính là thị trấn Di Linh. Thị trấn Di Linh nằm trên quốc lộ 20, cách Đà Lạt 80 km về phía bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 220 km về phía đông nam. Ngoài ra, thị trấn Di Linh còn được nối với Bình Thuận và Đắc Nông qua quốc lộ 28.

< Kiểm tra tình hình lúc ấy thấy tương đối ổn, vậy nên quanh quẩn một tý thì bọn mình đi. Đi kiếm chỗ ở chứ, sắp tối rồi.

Diện tích trồng chè và cà phê tại Di Linh khoảng 145.000 ha, diện tích sản xuất rau, hoa khoảng 23.783 ha tập trung tại Dalat, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; Chè, cà phê, rau, hoa Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, có những loại có giá trị phẩm cấp cao. Do khí hậu mát mẻ và có nhiều thắng cảnh đẹp: Di Linh cũng là nơi nhắm đến của nhiều du khách.

< Thuê phòng ở khách sạn Hoàng Gia (Nguyễn Chí Thanh), trả giá, chỉ 150k phòng đẹp.

< Ấm lòng hẳn khi vào quán cơm này. Ấm vì mấy cái lò ngay phía trước, ấm cả bao tử vì cái món cơm sườn kèm canh nóng: ngon bổ rẻ (20k)!

< No cái bụng rồi, lại chấp nhận cái rét để đi lung tung. Chưa biết ở đây mấy ngày nhưng tắm nước nóng cuộn mền thì bọn ni không chịu, hi hi...
Bùng binh chợ Đà Lạt đây.

Lại nói tí về chợ đêm Đà Lạt, bạn nhé...

< Đi 'khám điền thổ' trong chợ luôn. Ngắm nghía thôi chứ không có gì rẻ với du khách đâu.

Tới Đà Lạt người ta hay nhắc đến chợ Âm Phủ như một vẻ đẹp về đêm. Tên gọi này xuất hiện từ hồi đèn đường còn chưa có, những người bán đồ ăn khuya tụ tập ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt.

< Loanh quanh trong chợ chán thì ra. Chiều tà trên phố, ánh nắng tắt dần trên xứ hoa.

Cứ khoảng sau 5 giờ chiều, các ki ốt buôn bán dọc con đường vào chợ Đà Lạt mau chóng thay đổi diện mạo; những hàng bán hoa ban ngày vội vã dọn dẹp, chỉ chừng 30 phút sau, thay vào đó là một cửa hàng đồ lạnh - đồ nóng xuất hiện. Không khí của chợ đêm Đà Lạt chộn rộn hẳn lên.

< Phố xá lên đèn, gió buốt đến tận óc. Chạy xe về nhà trọ gửi rồi tiếp tục đi bộ khám phá phố phường. Lúc ra khỏi quầy khách sạn, thấy nhiệt kế chỉ 10 độ; hèn chi lạnh dữ nghen!

< Những tia nắng cuối cùng sắp chợt tắt.

Đa số các loại thức ăn được bán ở vùng này đều chỉ là những loại thức ăn nóng hổi đúng chất "vừa thổi vừa ăn".

Bước từ con dốc xuống đầu chợ, là đã có rất nhiều hàng quán nhỏ, hay xe đẩy của các cụ già với khói bốc tỏa trắng xóa nghi ngút, kèm theo là một mùi thơm đến đỗi lạ lùng luôn. Đi đằng xa, khí lạnh làm tê cóng mũi, mà đến khi cảm thấy hơi ấm nóng, mùi thơm tỏa ra sực nồng thì biết là đã đến chợ rồi.

< Xuôi ngược trên phố Nguyễn Chí Thanh, cái nơi có quán nhà, có nhiều khách Tây...

Ngoài các quán ăn, du khách có thể thưởng thức nhiều món bình dân, độc dáo và rất tiện vì có thể vừa đi dạo vừa… ăn như bắp luộc, khoai lang nướng, mực nướng...

Có cả các món nướng xiên, cánh gà, đùi gà nướng. Nếu thích lai rai giữa chốn đông người, khách cũng có thể kéo ghế có sẵn mà ngồi ăn, mặc kệ thiên hạ đông đúc chung quanh bởi chẳng ai để tâm dòm ngó.

< ... và lại lếch thếch xuống bùng binh chợ. Ngồi ghế đá canh me ông bán bán mì, ở đây có loại bagette dài, rất thơm ngon, giòn rụm.

Đặc biệt, nếu bạn có ý định sắm cho mình những bộ trang phục vừa đẹp lại với giá cả hợp lý thì chợ đêm Đà Lạt chính là điểm đến lý tưởng.

Bộ đồ ngủ, áo sơ mi, áo len, áo khoác, khăn choàng cổ, mũ len,… chỉ có giá vài chục ngàn trở xuống, và nếu lựa kĩ bạn cùng sẽ tìm được những món đồ ứng ý để làm quà cho người thân.

< Phố về đêm, ghế đá trở thành buốt giá, gió thì rét căm căm vì càng đêm càng lạnh.
Lạnh chịu không xiết nên bọn mình trở về khách sạn, lúc này nhiệt kế báo còn 7 độ thôi. Phòng ốc ấm cúng thật, khá đủ tiện nghi nhưng chân đi: mới 7h tối thì làm sao có thể trùm mền? Còn xem TV thì ở nhà coi đã rồi, ngán chết...

Dù có nhu cầu mua sắm hay chỉ là dạo phố, chụp ảnh lưu niệm và ăn hàng đêm – một thú vui đặc biêt ở thành phố sương mù này.

< Vậy nên mặc thêm lớp áo và lơn tơn xuống phố trong màn đêm. Áp lòng cả 2 bàn tay vào thành ly để thụ hưởng cái ly sữa đậu nành nóng bỏng rồi xoa lên mặt, từng ngụm sữa beo béo vừa thơm vừa ngòn ngọt, vừa khiến lữ khách quên cả cái giá lạnh len lõi vào người qua nhiều lớp áo dày cộm.

Ghế ngồi chỉ là ghế nhựa, thích êm thì ngồi trên hàng hiên được lót những chiếc nệm cũ, chả phải sang trọng gì đâu nhưng chính nó góp phần làm giảm đi cái rét da diết của Đà Lạt. Lại thêm rộn lòng khi nghe và góp chuyện cùng những người con của thành phố hoa; hai chị chủ hàng, anh xe ôm... với các câu chuyện đời thường khiến một góc phố về đêm bỗng ấm áp hơn. Xứ ngàn hoa thật tuyệt vời!

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!