(Tiếp theo) - Con suối có tên kỳ lạ Mo Phí chảy vòng vèo từ ngã ba biên giới qua hầu hết các bản của xã Sín Thầu. Người Hà Nhì thường chọn nơi an cư theo con nước... Nơi đây từng là đại bản doanh của thú rừng, của thuốc phiện. Và bây giờ, "nàng sơn nữ" A Pa Chai ấy đang rũ mình.

"Đại bản doanh" của thú rừng

Bản Đoàn Kết là bản người Hà Nhì đầu tiên trên đường vào ngã ba biên giới. Đoàn Kết là cái tên do bộ đội biên phòng vùng ngã ba biên giới đặt từ năm 1960. Hồi đó, vùng Chung Chải còn hoang vu. Lên ngã ba biên giới hay xuống Mường Nhé phải vừa đi vừa dọn đường. Mỗi một trận lũ qua, đường biến mất. Lại phát cây làm đường. Trước khi bản Đoàn Kết có tên trên bản đồ Lai Châu cũ, 4 bản của người Hà Nhì nằm rải rác xung quanh con suối Mo Phí.

Bộ đội biên phòng động viên bà con hợp lại thành một để giúp đỡ nhau, để tránh con thú hoang thỉnh thoảng vẫn về rình rập. Bản mới mang tên Đoàn Kết đến bây giờ. Từ khi đoàn tụ làm một, người Hà Nhì mới biết "cái bụng" cán bộ chọn đúng như thế nào. Đoàn Kết như một tiên nữ nằm gác đầu vào dãy núi A ló à ta dè phà và khoả chân dưới dòng Mo Phí lững lờ. Đoàn Kết cũng là đầu nguồn con suối Nậm Ma quanh co lượn về Pắc Ma, ra sông Đà hùng vĩ.

Người đưa đường cho chúng tôi lên Lengsuxìn là trưởng bản Lỳ Hà Xá và Lỳ Sé Chừ. Đường từ Đoàn Kết lên Lengsuxìn chỉ khoảng 12 cây số nhưng là một chặng gian nan nhất. Xá bảo chặng này hãi nhất là thú rừng thường hay "dạo chơi". Lỳ Hà Xá như một chiến binh chuẩn bị ra trận. Áo bộ đội bạc màu nắng gió miền biên. Đôi dép đi rừng đặc dụng của người Hà Nhì đứt nham nhở. Đặc biệt, trên vai Xá là một khẩu súng thể thao. "Đây là khẩu súng. Nó cũng là vợ hai của tôi đấy cán bộ à...!" - Xá cười vang cả bản. Lỳ Sé Chừ giải thích: "Thỉnh thoảng mới thấy nó đi cùng vợ, súng thì lúc nào cũng ở bên cạnh..."

< Đường đi từ A Pa Chải lên Tá Miếu.

Chúng tôi cứ đi qua hết đoạn rừng già lại đến những đồi cỏ gianh. Lỳ Hà Xá cầm súng đi đầu. Cứ mỗi lần đi qua các đồi cỏ gianh trưởng bản Xá lại giục chúng tôi đi nhanh hơn và bám sát nhau. Dọc tàluy âm là những bụi cây dại, phía dưới là vực. Dọc tàluy dương là mép đồi cỏ gianh ngút tầm mắt, cao ngang đầu người. Thỉnh thoảng có những lối nhỏ, tròn rẽ đám cỏ gianh, thọc thẳng ra đường mòn. Đó là lối đi của thú rừng. Đây là chặng đường rừng nhiều vụ thú dữ vồ người nhất khu vực ngã ba biên giới (TS sẽ có phóng sự riêng về vấn đề này). Cách đây khoảng mười năm, không ai dám đi một mình qua con đường mòn này vào ban đêm. Hổ, gấu, lợn lòi... hay lang thang ven đường mòn. Lỳ Hà Xá bảo mới đây nhất, đầu năm 2004, một người ở bản Đoàn Kết đi nương đã bị gấu vồ. Vài năm gần đây người dân săn nhiều, thú bỏ đi dần nhưng thỉnh thoảng vẫn có con chầu chực ven đường để... trả thù! Chặng đường từ Đoàn Kết lên Lengsuxìn có 2 địa danh đặc biệt. Hai địa danh mang tên những người bị thú vồ. Cách Đoàn Kết 30 phút đi bộ là ""dốc Mai Lình"". Người dân Đoàn Kết đã đặt tên dốc sau khi ông Chang Mai Lình bị gấu vồ tháng 11/1998. Địa danh thứ 2 là "khe 2 bà cháu" gần đồn biên phòng Lengsuxìn. Cả 2 bà cháu ở bản Lengsuxìn đi làm nương bị hổ ăn thịt.

< Người dân ngã ba biên giới.

Hết những đồi cỏ gianh lại đến những rừng tre ngút ngàn. Những khóm tre nguyên sinh mọc tua tủa, chìa ra đường. Có những đoạn, tre mọc lồng vào nhau thành những vòm kín bưng. Vượt qua rừng tre, Lỳ Hà Xá bảo nghỉ chân ở suối voi giữa khu rừng nguyên sinh. Ngày xưa nơi đây chưa có đường mòn, từng đàn voi trong rừng sâu tìm đến uống nước suối. Từ đó dân gọi là suối voi. Bây giờ tôi mới có dịp quan sát Lỳ Hà Xá. Dáng người nhỏ nhắn nhưng chắc nịch, cả bản không ai theo kịp Xá về chuyện lội rừng, săn thú. Xá nổi tiếng ở khu vực ngã ba biên giới với nhiều tài nghệ thiện xạ. Người dân Hà Nhì gọi Xá là tay sát thú. Xá bắn đã bắn được không biết bao nhiêu thú rừng. Đặc biệt, cả vùng chỉ mỗi mình Xá bắn được kỷ lục 6 con gấu. Con đầu tiên Xá bắn từ khi mới 16 tuổi. Bà con bản Đoàn Kết kể lại, trước đây Lỳ Hà Xá là một con nghiện. Sau khi được đồn biên phòng Lengsuxìn cai, Xá trở về làm nương, lấy vợ và được bầu làm trưởng bản. Nói tiếng Kinh không sõi nhưng Lỳ Hà Xá hay chuyện. Đi đến đâu kể chuyện đến đấy. Có lần đang đi Xá buột miệng hỏi: "Hà Nội có nhiều trưởng bản như mình không?"...!

< Tác giả trên đường từ Lengsuxìn về Đoàn Kết.

Chúng tôi kết thúc chặng đường rừng thứ hai tại đồn biên phòng Lengsuxìn. Đây là đồn biên phòng xa nhất của Điện Biên, khổ nhất, "cô đơn" nhất, sát khu vực ngã ba biên giới nhất. Người thân mất không kịp về, có điện báo cũng mất gần 10 ngày mới lên đến nơi đành chờ giỗ 49 ngày hoặc 100 ngày. Trước đây chưa có đường mòn vào, cả đồn chỉ trông chờ vào sự tiếp tế lương thực, thực phẩm bằng trực thăng. Sau nhiều năm lội rừng, đồn huy động quân và dân chung sức mở đường ra đến tận Đoàn Kết.

Lần đầu tiên có đường, một chiếc xe máy đã vào được tận Lengsuxìn. Dân bản ồ ạt đến xem "cái xe 2 bánh". Khi xe nổ máy, trẻ con chạy te tua vì sợ. Thế rồi không lâu sau, một trận lũ tới, đường bị mất không còn chút dấu vết. Lũ tan, người lại mở. Lũ về, đường lại xoá. Cứ thế... Và lũ đã cuốn đi 2 chiến sĩ biên phòng. Anh Thắng (người Sơn La) đồn Mường Nhé đi công tác về đến suối Pô Lếch chảy ra sông Đà, không gọi được đò, anh quyết định bơi sang và bị cuốn trôi. Anh Đại 305 Mường Tè cũng bị lũ cuốn trôi 9 ngày sau mới tìm thấy xác... Con đường trở thành ước mơ cháy bỏng trong thẳm sâu của từng cán bộ chiến sĩ đã và đang làm nhiệm vụ khu vực ngã ba cũng như là chính người dân nơi miền cực Tây của Tổ quốc.

Sơn nữ A Pa Chải rũ mình

< Bản A Pa Chải đang "rũ mình" đứng dậy.

Thêm gần một ngày đường rừng ngược dòng Mo Phí, chúng tôi tới A Pa Chải. Theo nghĩa dịch của người dân, A Pa Chải là khu đất bằng phẳng, rộng lớn. Trước khi chúng tôi tới được vùng đất còn hoang sơ và nhiều huyền thoại này, A Pa Chải là bản cuối cùng của khu vực ngã ba. Gần một năm nay, hơn hai chục hộ dân từ A Pa Chải chuyển lên lập bản mới sát biên giới hơn thành bản Tá Miếu. A Pa Chải vẫn xa xôi nhưng không còn là xa xôi nhất. A Pa Chải có 56 hộ, 100% người Hà Nhì.

Cách đây không lâu, A Pa Chải oằn mình gánh chịu nỗi đau của thuốc phiện. Người nghiện nhiều như lá rừng. Cán bộ, trẻ con, người lớn xem ma tuý như niềm vui chống lại sự hoang hoải, cô độc của những con người sống giữa mênh mông rừng, suối nơi mảnh đất địa đầu. Con suối Mo Phí nhiều cá, đàn bà A Pa Chải không thèm giăng lưới. Cánh rừng Già Mơ Pho nhiều thú, đàn ông A Pa Chải không thèm săn. A Pa Chải như sơn nữ ngủ trong rừng hoang lại chìm sâu hơn, mải miết hơn trong cơn mê dài của thuốc phiện. Thậm chí, kể cả Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã Sín Thầu bây giờ là Sừng Sừng Khai ngày ấy cũng nghiện theo ""truyền thống"". Từ khi bộ đội biên phòng Lengsuxìn có chính sách cai nghiện cho bà con, Sừng Khai là người kiên quyết nhất bản. Anh mang mẹ mình lên đồn nhờ cán bộ cai còn mình tự cai ở nhà. ""Cai từ nhà ra bản"", chỉ hơn một năm sau cả bản đã sạch khói thuốc ""nàng tiên nâu"".

< Tác giả (thứ 4, từ phải qua) và cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải.

So với thời nhà báo đầu tiên đặt chân đến A Pa Chải cách đây 20 năm, khi chúng tôi tìm đến, A Pa Chải đang ""rũ mình"" đứng dậy. Người ta ví A Pa Chải như thiếu nữ Hà Nhì hàng chục năm cùi cụi chúi mình bám vào núi, vào nương giờ bỗng ngước mắt nhìn lên. Thật vậy. A Pa Chải đã khác. ""văn minh"" đã vượt rừng, vượt suối Mo Phí vào phủ lên cái bản làng nhiều năm sống trong khắc khoải, thiếu thốn. A Pa Chải đã có điện nước, có ti vi. Cả bản có hàng ngàn con bò. Nghiện hút không còn, nhiều nhà chỉ mong có đường để bán bò mua ""cái xe máy"" chạy xuống Mường Nhé cho đỡ mỏi chân. Nhà Sừng Khai nay đã trở thành "thượng lưu" ở bản. Anh có máy xát, máy phát điện, ti vi, đầu đĩa và gần 100 con bò. A Pa Chải cũng đã có trường học. Trẻ con không còn cầm tờ báo chỉ xem mỗi tranh ảnh nữa. Cô giáo người Kinh, thầy giáo người Thái không ngại đường xa đến cắm bản. ""Người A Pa Chải không còn lạc hậu nữa rồi...!"" - Phó Chủ tịch xã Sừng Sừng Khai cười vang cả núi rừng.

Chúng tôi đến A Pa Chải đúng vào ngày cúng bản. Tục lệ người Hà Nhì mỗi năm cúng 1 lần vào ngày con hổ tháng 3 để cầu mưa thuận gió hoà. Lễ cúng bản diễn ra trong 3 ngày, người lạ vào được nhưng không ra được! Khách đến bản vào dịp này bị giữ lại hết 3 ngày. Cả bản coi là khách quý. Có con nai, con hoẵng săn được phải đem ra mời khách. Rượu uống không cạn không về.

< Người dân địa đầu Tá Miếu sống nơi ngã ba biên giới.

Chúng tôi bị Sừng Sừng Khai giữ lại 2 ngày và 1 ngày ở trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải. "Nhiều bà con bản mình lần đầu tiên thấy mặt nhà báo. Cán bộ cứ ở đây. Rượu uống không bao giờ cạn, gạo không bao giờ hết. Cái tình người Hà Nhì lúc nào cũng tràn ăm ắp, không vơi đầy như nước suối Mo Phí 2 mùa đâu... Ở lại đi mà!" - Sừng Sừng Khai nhỏ nhẹ tâm sự. 2 ngày chúng tôi ở bản Sừng Khai đều vác súng lên trang trại bắn bò, mổ lợn mời. Ngày rời A Pa Chải, bà con đứng nhìn theo vời vời, miệng buồn như lá rụng: ""A kha la ì là!"". Sừng Khai bảo đó là cái tình của bà con, dịch theo tiếng Kinh là ""Cán bộ đi lại về nhé!""...

Tá Miếu ấm áp

Bản Tá Miếu là ""đứa con"" tách từ A Pa Chải theo chủ trương giãn dân của nhà nước, mỗi hộ được nhận 15 triệu. Đến thời điểm này Tá Miếu là bản cuối cùng trên ngã ba biên giới, gần nhất với Lào và Trung Quốc. Con suối Mo Phí bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào. Một hướng chảy về Lào. Một hướng chảy dọc đất Sín Thầu, khoét sâu vào rừng Già Mơ Pho, trườn qua rừng Tà Cù Tí về đất Lengsuxìn. Con đường dân sinh từ A Pa Chải lên Tá Miếu chỉ toàn đồi trọc và những ruộng lúa nước một mùa của người Hà Nhì. Đứng trên dốc cao nhất nhìn xuống, bản địa đầu Tá Miếu nằm lặng lẽ bên suối Mo Phí, xung quanh là nhấp nhô đồi trọc quây tròn. Từ Tá Miếu leo vài con dốc đến cột mốc ba quốc gia Việt - Lào - Trung. Bà con Tá Miếu vẫn xuất cảnh sang Trung Quốc mua tôn về lợp nhà, người Trung Quốc cũng nhập cảnh sang Tá Miếu, A Pa Chải mua trâu bò.

< Thầy giáo Quàng Văn Hới cắm bản Tá Miếu.

Trưởng bản Mạ Gió Tư cho biết, ngày đầu mới lên, cả bản phải đi mấy tiếng vào rừng lấy gỗ về làm nhà. Ruộng nhiều nhưng chỉ trồng lúa. Thiếu nhất là thực phẩm. Xung quanh Tá Miếu không nhiều rừng, nhiều thú như A Pa Chải. Một cân cá khô mang lên bán 50.000 đồng mà không có. Đến bữa đàn bà, trẻ con vào rừng hái lá sắn, lá sung, rau má về ăn với cơm. "Đói thì không còn nhưng bà con Tá Miếu còn khổ nhiều!" - Mạ Gió Tư trăn trở. Ông kể ra nhiều nỗi khổ. Khổ vì xa xôi, hoang hút. Khổ vì đẻ nhiều. Khổ vì nắng và gió miền biên... Có chứng kiến mới biết nắng gió Tá Miếu hoang dã như thế nào. Nắng bỏng chát như rứt da rứt thịt. Gió cuồng dại táp vào con người. Một năm nay người Tá Miếu vẫn chịu nắng, chịu gió chông chênh sống giữa ngã ba.

Trẻ con Tá Miếu đã có thầy giáo người Thái Quàng Văn Hới (người Quài Cang - huyện Tuần Giáo - tỉnh Điện Biên) lên cắm bản dạy học. Chỉ có duy nhất lớp 1. Trẻ con muốn học lớp 2 phải xuống Tả Có Khừ cách 2 ngày đi bộ mới có lớp. Một thầy cùng tám trò cặm cụi học chữ trong túp lều xiêu vẹo, mênh mang nắng gió biên thuỳ. Hới lên Tá Miếu ngay khi có bản. 1 năm nay chưa được về nhà. Ngày tết được nghỉ 7 ngày, cả đi cả về mất 2 tuần nên không nỡ về. Mẹ anh khóc đỏ mắt chờ con mấy ngày Tết.

< Một lớp học của điểm trường Tá Miếu.

Ở trên tột cùng đất Việt này Hới cũng ôm học trò ròng ròng nước mắt cho qua ba ngày tết...
Hới vừa dạy chữ cho trẻ con vừa dạy tiếng Kinh cho người lớn. Chỉ có đàn ông Tá Miếu thạo tiếng Kinh, đàn bà suốt ngày chúi đầu vào bếp lửa, gặp người Kinh chỉ cười. Cả bản coi Hới như người Hà Nhì. "Khổ mãi thành quen, cái tình của người dân ở đây ấm lắm...!" - Hới nói.

Sau khi chinh phục được ngã ba biên giới, chúng tôi lại ngược dòng Mo Phí về lại Mường Nhé. Lại lầm lũi vài ngày đường rừng, dăm nỗi sợ hãi vu vơ và chút quyến luyến đất người Sín Thầu. Lengsuxìn, Tả Có Khử, A Pa Chải, Tá Miếu..., những vùng đất quyện thấm tình cảm người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới xa xôi. Có thể chúng tôi chỉ dám vào một lần rồi thôi mãi mãi, nhưng đi dọc dòng Mo Phí đâu đâu cũng nghe thiếu nữ Hà Nhì thánh thót: ""A kha la ì là!""- Cán bộ đi rồi lại về nhé...!

Kỳ 1 - Kỳ 2

Theo Thế Lê Vinh (VietNamNet)
Du lịch, GO!