(NNVN) - Chúng tôi rời bản Thỉn đến bản Cột Mộc, xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu, Sơn La. Ở đây có một cái lạ là những nếp nhà đều mang tên long lanh. Chúng tôi rời bản Thỉn đến bản Cột Mộc, xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu, Sơn La. Ở đây có một cái lạ là những nếp nhà đều mang tên long lanh.

Mái nhà trăm năm không mục

Bản Cột Mộc thuộc biên giới giữa Việt Nam và Lào. Bản có 77 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 453 nhân khẩu. Từ trung tâm xã Tân Xuân theo con đường biên giới đi gần 20km, bản Cột Mộc nằm dưới đỉnh núi Pha Luông. Từ đầu cho đến cuối bản, những nếp nhà lợp bằng gỗ cứ nối đuôi nhau hiện lên.

Một người dân nơi đây nói với chúng tôi rằng: Đến đây thì gọi bản Cột Mộc hoặc gọi bản Long Lanh cũng được, bởi những mái nhà, sàn nhà và tất cả những gì ở đây kết thành nếp nhà đều làm bằng gỗ long lanh. Những mái gỗ rêu phong hàng trăm năm qua phơi mưa, phơi nắng vẫn âm thầm đọ sức với bao mùa nương rẫy đi qua. Có mái nhà thời gian đã làm cho đất bụi kết dày trên khe gỗ, thậm chí có chỗ cỏ mọc tươi tốt.

Lần đầu tiên chúng tôi mới nghe tên gỗ long lanh và đem hỏi người dân ở đây thì được họ bảo rằng: Từ bao đời nay cha ông đã gọi như vậy nên con cháu cũng theo đó mà gọi. Giải thích việc gỗ long lanh có phải là gỗ pơ mu không, thì ông Ký cho rằng: Không phải, nó có thể là cùng họ với nhau chứ hai loại gỗ khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản đều giống nhau, gỗ tốt, có mùi thơm và rất bền. Bên cạnh đó thao tác lấy gỗ long lanh cũng giống pơ mu, đó là khi đốn hạ xuống thì chia đoạn ra và dùng nêm gỗ chẻ từng tấm ván.

Ông Sồng A Ký (61 tuổi) có căn nhà làm toàn bằng loại gỗ long lanh. Khi chúng tôi hỏi lịch sử ngôi nhà thì ông Ký không nhớ, chỉ biết khi sinh ra thì đã thấy nó dựng lên rồi. Ở bản, nhà nào cũng như vậy, nhà dựng lên không lợp tranh, ngói mà chỉ có lợp gỗ. Từ khi ông được bố mẹ cưới vợ rồi sinh con, đến lúc bố mẹ qua đời, ông được thừa hưởng ngôi nhà và đến nay mái đầu đã bạc nhưng chưa một lần thay mái, xà, cột...

Hỏi về loài gỗ này, ông Ký chỉ biết là gỗ long lanh, rồi ông kể: "Gỗ long lanh có thân thẳng tắp như cây tre, cây nứa trên rừng và có mùi rất thơm". Tôi hỏi: Sao không lợp bằng cái khác mà lợp gỗ long lanh? Ông Ký cười: “Ở đây thời tiết khắc nghiệt, mùa hè thì nóng như thiêu như đốt còn mùa đông đến chỉ biết ngồi bên bếp lửa, không dám ra khỏi nhà. Ở đây mưa đá nhiều lắm. Có những đợt mưa, hòn đá to như nắm tay rơi xuống, nhưng vì mái nhà bằng ván gỗ nên cũng không sao. Nếu mình lợp ngói thì mưa đá rơi sẽ vỡ, lợp tranh dễ bị thủng, mất công sửa đi thay lại”.

Theo người dân bản Cột Mộc, trước đây 100% hộ dân, nhà đều làm bằng gỗ, từ mái nhà đến hàng rào, đâu đâu cũng là gỗ long lanh. Gỗ long lanh rất tốt, nắng không hỏng, mưa không dột. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, cuộc sống tự cung tự cấp, ngói không có nên chỉ có gỗ là thứ tốt nhất để dùng. Hiện ở bản, những ngôi nhà lợp mái long lanh toàn là nhà cũ, ít nhất cũng đã làm cách đây vài ba chục năm.

Ông Thào A Khua, trưởng bản Cột Mộc, cho biết: Lợp mái nhà bằng gỗ long lanh giữ được lâu, có những ngôi nhà để gần trăm năm không bị mục, cong vênh nên người dân ưa chuộng. Để làm mái lợp, người dân cưa ngang thân cây thành từng khúc rồi chẻ dọc theo thớ. Gỗ làm mái phải có thớ thẳng dài, có những cây gỗ to cả người ôm mà không dùng cưa, hàng nghìn tấm ván vẫn cứ thẳng tắp như xẻ bằng máy hiện đại.

Cũng giống như bao người dân trong bản, ông Khua từ khi sinh ra đã thấy những ngôi nhà này. Có nhà thì làm hoàn toàn bằng gỗ long lanh, cũng nhà làm khung bằng nghiến, lim… nhưng mái nhà thì chỉ là long lanh.

“Hỏi về nguồn gốc nhà long lanh thì được cha ông kể lại trước đây người Mông lợp bằng lá cây rừng hoặc cỏ nhưng khi thấy người Thái lợp nhà bằng gỗ thì người Mông bắt chước. Họ lên rừng tìm kiếm và chọn lọc từng loại gỗ nhưng cuối cùng chọn được gỗ long lanh tốt nhất và cũng từ đó người Mông làm bằng loại gỗ này”, ông Khua kể.

Tiền tỉ cũng không mua nổi

Đứng cạnh những mái nhà rêu bám xanh là những ngôi nhà lợp bằng mái ngói pờ rô xi măng mọc lên. Lý giải cho việc này, trưởng bản Thào A Khua cho biết: Cũng đúng thôi cán bộ ạ! Những ngôi nhà long lanh ở mấy đời người rồi cũng đến lúc hư hỏng. Nó cũng giống như đám đất trên nương trồng ngô nhiều nay lại bạc màu mà, mình không bón phân thì cây không sống được. Gỗ long lanh trên rừng không còn nữa nay phải chuyển qua ngói hết. Thời trai trẻ chúng tôi đốn hạ nhiều lắm, ban đầu thì đốn những cây to, sau đó lần lượt đến cây nhỏ cũng đốn luôn.

Theo người dân bản Cột Mộc, sống trong những ngôi nhà lợp pờ rô xi măng giống như lò thiêu. Ông Mùa A Chong, một người dân bản Cột Mộc, cho hay: Trước đây lợp bằng ván, mùa hè thì mát mùa đông ấm lắm, nay lợp ngói pờ rô xi măng nóng lắm. Cũng vì thế mà đã nhiều lần tôi cất công lên rừng đi hết cánh rừng này đến cánh rừng kia tìm gỗ long lanh để thay thế nhưng không còn gỗ nữa, may mắn lắm sang đất Lào mới còn một vài cây thôi. Ở đất nước bạn, mình muốn chặt cũng khó, với lại đường vận chuyển xa lắm.

Để bớt cái nóng từ những mái nhà gỗ long lanh “hết hạn sử dụng”, người dân bản Cột Mộc nghĩ ra cách lợp chồng pờ rồ xi măng lên những mái nhà gỗ long lanh. “Ở đây đến mùa nắng, gió từ bên Lào thổi về, cây ngô, cây lúa trên nương cũng chết huống gì con người ở dưới mái nhà lợp pờ rô xi măng. Chúng tôi lợp chồng lên gỗ long lanh để giảm bớt được cái nóng. Hiện ở đây khi lợp lại mái nhà, ai cũng làm như vậy hết”, ông Mùa A Chong đứng trước căn nhà mới sửa, nói.

Tôi đùa ông Chong rằng, gỗ long lanh tốt thế muốn mua ít đưa về xuôi dựng nhà thì ông bảo: “Giờ lấy đâu ra mà bán cho các chú, có trả trăm triệu đồng/m3 cũng chịu rồi. Các chú có mua cây nghiến, cây lim thì có chứ long lanh khan hiếm như con thú trên rừng rồi. Hiện ở bản, những căn nhà mái đã bắt đầu hư hỏng, muốn kiếm một vài tấm để sửa sang lại mà kiếm cũng không ra huống hồ bán cả khối”.

Chúng tôi rời bản Cột Một, trưởng bản Thào A Khua tạm biệt với mấy câu chạnh lòng: “Chắc cũng không lâu nữa bản mình thay thế bằng ngói pờ rô xi măng rồi. Gỗ trên rừng không hết, còn các loại gỗ khác thì không bền để có thể chịu mưa, chịu nắng như long lanh được".

Theo Đắc Thành (Nông Nghiệp Việt Nam)
Du lịch, GO!