Hang động Na Côm nằm ở lưng chừng núi có tên Chu Ta (theo tiếng địa phương Chu Ta có nghĩa ong khoái) thuộc bản Na Côm, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km về phía Nam. 

Với vẻ đẹp kỳ vĩ với bao điều bí ẩn, hang động Na Côm chính là tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, nơi có thể thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên, ưa du lịch.
Hang dài hơn 500m, gồm 2 khoang uốn theo hình chữ S. Cửa hang nhỏ, để vào được bên trong du khách phải nằm nghiêng chui người qua.

Khoang bên ngoài thoáng, rộng. Phía trên vòm gần cửa có một khoảng trống nhỏ tạo thành giếng trời, ánh sáng hắt vào làm cho không gian ở khoang ngoài thêm phần mờ ảo, lung linh. Trần và 2 bên vách động là các dải nhũ đá rủ xuống lấp lánh. Nhiều khối thạch nhũ tạo hình đẹp mắt thành thác nước, tượng Phật, tiên nữ... Dưới nền động là những viên cuội tròn màu trắng hay những cột nhũ đá, cối đá, măng đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ.

Khoang thứ 2 cao hơn khoang thứ nhất. Trong hang nơi rộng nhất 25 - 30m, cao 18 - 20m, nhiều khoang rộng giống như một hội trường lớn có thể chứa trên 300 người. Trong động là vô số đá cuội, nhũ đá… với màu sắc đa dạng, hình thù phong phú, sinh động, đẹp mắt tựa như mâm xôi, hoa quả đủ màu sắc, ruộng bậc thang uốn lượn như san hô nối tiếp nhau từ gần đến xa hay những chiếc giếng nước… đã tạo nên nét quyến rũ riêng, gây ấn tượng mạnh với du khách.

Bên cạnh hang động Na Côm, nơi đây còn quyến rũ du khách với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, vẻ đẹp của những dãy ruộng bậc thang với nếp sinh hoạt truyền thống của bà con dân tộc. Du khách có thể khám phá nét đẹp văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc như dệt thổ cẩm, rượu Mông Pê, khèn môi…

Để có cơ sở pháp lý bảo vệ và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khám phá, tham quan, góp phần vào việc phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL, UBND huyện Điện Biên thành lập tổ bảo vệ, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tới công chúng, đồng thời tiến hành lập hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Trên cơ sở đó tăng cường gắn kết việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương với di sản văn hóa vật thể, xây dựng; liên kết với các đơn vị kinh doanh xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn kết với các điểm di tích, danh thắng.

Theo báo Tây Ninh
Du lịch, GO!