(TTO) - Những đích đến trong tim

Càng về cuối hành trình trên biên giới Việt - Lào, mức độ thách thức ý chí, sức khỏe càng tăng lên với đoàn quân mỏi. Những đích đến cuối cùng đã được đi bằng cả trái tim.

Ấn tượng Sài Khao

“Đến Mường Lát mà chưa đi Sài Khao là chưa đến Mường Lát đâu. Đi cùng vần thơ Tây Tiến mà thiếu điểm Sài Khao là chưa thể cảm nhận được hết thơ của Quang Dũng”, dân Mường Lát thường có câu như vậy dành cho du khách.Nhưng đó là điểm không phải ai đi cũng đến được đích. Ngày thứ tám của hành trình, chúng tôi quyết định đi Sài Khao (thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa).

Đón chúng tôi ở cầu Mường Lát, thiếu tá Trịnh Ngọc Khoa - đội vận động quần chúng đồn biên phòng Pù Nhì, cắm bản Sài Khao - hướng tay vào con lộ nhỏ, đường đất, dốc sâu hoắm: “Sài Khao chỉ cách đây 14km đường như vậy thôi. Xe máy chỉ có thể đi được một người”. Đoàn sáu người nhưng “chiến mã” chỉ có bốn. Ai sẽ ở lại? Và không ai chịu ở lại hết!

Những con dốc dựng đứng, ngồi trên xe đổ dốc cảm giác đầu như cắm xuống đất, vực bên đường sâu hút lao xuống là tiêu đời. Chốc chốc lại thấy chiếc Win của nhà báo Trần Hoàng ngã lăn quay rồi đến xe của Nguyễn Phước Hòa lúi chúi. Đụng dốc, người được chở bắt buộc phải xuống xe cuốc bộ. Bước được vài bước phải dừng lại thở hổn hển.

Đường đến Sài Khao ấn tượng đến mức lão tướng Nguyễn Công Thành (64 tuổi) thốt lên: “Hàng ngàn cây số bố đã trải qua trong đời làm báo, chẳng sá gì với đoạn đường chỉ có 14km này”. Vậy mà thiếu tá Khoa kể trung bình anh đến bản hai lần/tháng, chưa kể đột xuất.

Nhẩm tính trong bảy năm công tác anh đã lên, xuống Sài Khao gần 200 lần. Và có lần đi trong lúc tối trời, anh trượt dốc lao xe xuống 15m vực và bất tỉnh. Sáng sớm người đi rẫy phát hiện kịp. Chân anh bỏng rất nặng với ống pô xe đè lên, đầu khâu 40 mũi. Sức khỏe ổn lại, thiếu tá Khoa lại phóng xe đi Sài Khao để lo cho dân. “Thuộc đường đến từng con dốc, hố trũng, tán cây... Sài Khao đã ở trong tim tôi mất rồi”, thiếu tá Khoa cười.

Bản Sài Khao hôm nay có 82 hộ dân người dân tộc Mông di dân từ Mộc Châu, Sơn La sang từ năm 1990-1992, sinh sống trong hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Điểm trường tiểu học mang tên Tây Tiến tiểu khu Sài Khao nằm giữa bản vang lên tiếng ê a học vần của trẻ con.

Trong căn nhà nền đất tối mù mù, trưởng bản Vàng A Sú (42 tuổi) cho biết: “Trước đây mọi vận chuyển đến bản đều phải dùng ngựa thồ. Nay bản đã có được vài chiếc xe máy thay ngựa. Điều tự hào nhất là bản đã có ba người con vào đại học, gồm Vàng A Lền học tại Hà Nội, Vàng A Mai và Vàng A Chua học tại Thanh Hóa. Nhà các em nghèo lắm, cả bản góp tiền lại để nuôi ba em ăn học. Hiện trẻ em toàn bản đều được học hành tốt, hết tiểu học là xuống huyện học tiếp. Rồi đây bản Sài Khao sẽ được thay đổi với lớp thế hệ trẻ”.

Về Điện Biên anh hùng

Ngày thứ chín, đoàn bồi hồi xúc động đến với di tích lưu niệm trung đoàn 52 Tây Tiến xây dựng trên đỉnh đồi Nà Bó thuộc tiểu khu 12 thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ở vị trí cao nhất của đồi, một bia đá lớn trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ trong bộ đội Tây Tiến ngày 1-2-1947: “Công đức của các đồng chí, đồng bào và Tổ quốc sẽ ghi nhớ. Dưới sự điều khiển của bộ chỉ huy Tây Tiến, các đồng chí mạnh tiến trên con đường vinh quang thắng lợi. Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta thành công với khu giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến”. Mặt sau bia, bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng được khắc trang trọng.

Một góc khu di tích là tháp thờ bằng đá cao khoảng 2m, đường nét hoa văn theo lối mỹ thuật của Lào. Các thành viên đã rơi nước mắt khi đọc được dòng chữ khắc sâu trên tháp bằng tiếng Lào và Việt: “Nhân dân Hủa Phăn mãi nhớ thương đoàn quân Tây Tiến”. Cạnh bên dưới là hai câu kết da diết lại bài thơ Tây Tiến: Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi (Sầm Nứa - một địa danh thuộc tỉnh Hủa Phăn, Lào). Đứng trên đồi phóng tầm mắt xa xa là ngọn núi Pha Luông cao 2.000m, điểm hành quân trên đường đoàn quân Tây Tiến đi qua biên giới Việt - Lào.

Hơn 200km đường từ Sơn La hướng về Điện Biên - tỉnh biên giới cuối cùng của hành trình, đoàn đi trong tiếng ca, tinh thần phơi phới. Thành phố Điện Biên lúc đó đang chuẩn bị đón chào kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Đó cũng là chiều ngày thứ 10 trên hành trình biên giới, đoàn theo quốc lộ 279 xuyên rừng kết thúc hành trình tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Một cửa khẩu đường bộ đặc biệt thông thương ba nước Đông Dương và cũng là cửa ngõ đón du khách quốc tế đi đường bộ từ cố đô Luang Prabang của Lào khoảng 300km đến với Điện Biên Phủ.

Trong năm 2013, Lào cũng mới hoàn thành quốc lộ 2E nối cửa khẩu quốc tế Tây Trang với tỉnh Phongsaly. Đồng thời đã khớp nối với toàn bộ các tuyến đường xuyên Á đi các nước tiểu vùng sông Mekong, cũng như đi các tỉnh Bắc Lào trong mọi thời tiết. Từ khi hoàn thành tuyến đường, mỗi ngày các tuyến xe chở khách từ thành phố Điện Biên đi Lào và ngược lại đều có hàng chục hành khách quốc tế. Theo thống kê của bến xe Điện Biên, trong năm 2013 lượng khách quốc tế sử dụng xe qua tuyến cửa khẩu quốc tế Tây Trang đi Lào đã tăng hơn 20%.

Cả đoàn lại bật cười khi thành viên Nguyễn Lê My Hoàn cẩn thận chiếc khăn chuyên dùng lau cột mốc của mình từ chuyến biên giới VN - Campuchia tiếp tục lau cột mốc có số thứ tự 113 ở cửa khẩu quốc tế Tây Trang và khẽ reo lên câu hát trong ca khúc Ngọc trong đá: “Hạnh phúc như mật trong hoa, không đến với ai không nhọc nhằn tìm kiếm”. “Hội đam mê biên giới” cùng hẹn nhau một hành trình biên giới Việt - Trung với điểm xuất phát sẽ là cột mốc ba mặt VN - Lào - Trung Quốc tại Apachai, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, mảnh đất vùng biên cương phía Tây Bắc Tổ quốc luôn được coi là vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là mảnh đất “phên giậu của Tổ quốc”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 27-2-1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy chiến khu II, mặt trận Tây Bắc, các đội vệ quốc đoàn Tây Tiến đã sát cánh cùng quân dân các dân tộc địa phương và nước bạn Lào vừa củng cố chính quyền cách mạng, vừa liên tục chặn đánh quân Pháp ở Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Quỳnh Nhai, Chiềng Pấc, Chiềng Khương, Mường Sại, đường 41, Sông Mã... Hình ảnh hùng tráng và lãng mạn của các chiến sĩ đoàn quân Tây Tiến đã được nhà thơ Quang Dũng miêu tả hết sức sinh động trong bài thơ Tây Tiến, thổi vào biết bao thế hệ học sinh VN tinh thần yêu nước qua những vần thơ.

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5

Theo Tố Oanh (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!