(ĐĐK) - Miền Tây Nam bộ, một vùng mênh mang đất, mênh mang nắng và chứa đựng những giá trị văn hóa phong phú từ nhiều nguồn gốc mà không phải cứ dùng những lý luận logic có thể giải mã được.

< Ba Thắc Cổ Miếu được xây dựng lại theo kiến trúc Triều Châu cổ năm 1927.

Miếu Ba Thắc trên vùng đất Sóc Trăng là một ví dụ. Ngôi miếu thờ một hòn đá lớn có hình đầu người, trên mảnh đất có nhiều hài cốt cùng những huyền tích cũng như câu chuyện linh thiêng đã quyến rũ bao nhiêu nhà văn hóa và cả bao nhiêu thầy đồng cốt, thầy phù thủy…
Cụ Ngô Văn Minh, Phó ban Quản trị chùa Ba Thắc cho biết: Ngôi miếu này được xây dựng từ năm 1927, tính đến nay đã được trùng tu nhiều lần.

< Cây Lâm Vồ đại thụ trước sân chùa Ba Thắc.

Theo một số tư liệu còn lưu lại thì ngôi miếu này lúc đầu cất bằng cây theo kiến trúc người Khmer. Sau đó, có một người Hoa tên là Lê Văn Hoạch đứng ra vận động bà con quyên góp cất lại theo kiểu dáng Trung Hoa.

Trải qua năm tháng, ngôi miếu đã bị chiến tranh và mưa nắng làm hư hao, mãi đến năm 1995 mới được xây dựng lại theo lối kiến trúc của người Triều Châu, gồm chánh điện và hai bên là nhà tiếp khách, nhà kho trông có vẻ tươm tất hơn xưa nhiều. Tuy cất mới, bảng tên trên cửa đề "Ba Thắc cổ miếu” bằng chữ Hán trông rất uy nghi, nhưng trên tấm bảng xi măng dựng ngoài chánh điện vẫn giữ nguyên dòng chữ "PAGODE DE BASAC”.

Bước vào khuôn viên cổ miếu, chúng ta thấy xung quanh còn rất nhiều cây cối, không gian thoáng đãng, ấn tượng nhất là cây Lâm Vồ thuộc vào hàng đại thụ, ước độ 200 năm, một phần thân cây đã bị mục. Tương truyền dưới gốc cây Lâm Vồ này xưa kia có một cặp rắn tu luyện càng khiến cho không gian thờ cúng thêm linh thiêng.

Cũng có tích kể rằng sau chùa có một hang rắn và cặp rắn hổ ngựa rất to. Người dân địa phương tin đó là rắn thần đời xưa lưu lại, nay đã đi tu nên không còn ai thấy nữa (*).

< Viên đá hình đầu người được để trên bệ thờ.

Chùa Ba Thắc lợp ngói âm dương, diện tích rộng khoảng 60m2. Trên bàn, nơi chánh điện có thờ một tảng đá gọi là CỐT tượng trưng cho ông Ba Thắc, có người còn gọi là ông TÀ. Hàng năm Ban Quản trị chùa (miếu) đều tổ chức lễ cúng Ông linh đình từ ngày 21- 23 âl, có mời gánh hát đến phục vụ ba đêm liên tục.

Về nguồn gốc ông Ba Thắc, trong dân gian có khá nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng chưa giả thuyết nào thuyết phục được các nhà khoa học. Có truyền thuyết cho rằng, ông là người Lào đi du ngoạn đến vùng đất này thì bệnh chết. Lại có suy luận cho rằng, ông là người Khmer hoặc người Hoa đến vùng này để giao thương mua bán và bệnh chết…

< Ông Ngô Văn Minh và ngôi mộ vô danh chứa các hài cốt nhặt được từ nền sân miếu.

Bên cạnh đó còn có nhiều bài viết cho rằng, Ba Thắc là tên của một vị thần người Miên, tiếng Khmer gọi là Néa Bàsàk, Pháp gọi là Bassac. Lại có tài liệu viết ông là một Hoàng Tử người Lào, không biết vì lý do gì ông đã đến cư ngụ và mất tại nơi đây. Cũng có truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 18, ông Bassac cùng vợ là Công chúa nước Lào có lẽ vì phạm tội với vua cha nên họ đã xuống thuyền trốn qua Việt Nam lánh nạn. Khi tới cửa Vàm Tấn, thuyền bị sóng gió đánh dạt vào bờ.

Để lánh nạn, mọi người lên bờ tạm trú. Từ đó, mảnh đất này có tên Sóc Lèo. Lần hồi vợ chồng ông lạc tới Bãi Xàu (Srok Bai Chau), một nơi rừng rậm hoang vu, nhà cửa thưa thớt, rất ít người qua lại. Với ý chí và nghị lực phi thường, vợ chồng ông đã quyết chí biến vùng đất này thành nơi trù phú bằng cách tự lực cánh sinh và ra sức kêu gọi mọi người xung quanh khai phá, trồng trọt, chăn nuôi, từng bước mở rộng thêm đất canh tác. Để tưởng nhớ công ơn ông, sau này bà con dựng chùa thờ ông và lấy tên là Ba Thắc cổ miếu.

Tuy nhiên, với những chứng cứ lịch sử để lại, chúng ta có thể khẳng định địa điểm Ba Thắc đã gắn liền với thương cảng Bãi Xàu từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Bãi Xàu là một trong những trung tâm thương mại của vùng Hậu Giang, nơi tập trung nhiều thương nhân người Hoa và các thương buôn từ các nơi kéo đến. Vì là một trung tâm thương mại, đông đảo người cư trú, nhất là người Hoa nên họ rất cần có nơi thờ phụng để họ gửi gắm đức tin. Chùa Ba Thắc ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của nhiều người. Nhưng cho tới nay, các nhà sử học vẫn chưa xác định được tên chùa có trước hay cửa Ba Thắc có trước.

Đến ngày lễ vía, bà con ba dân tộc anh em Việt – Khmer – Hoa đều đến Ba thắc cổ miếu để dâng hương cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nhất là từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các nghi thức cúng bái được tiến hành một cách trang trọng, mang đậm sắc thái văn hóa của địa phương.

Ngày nay, mỗi năm Ba Thắc cổ miếu tiến hành lễ cúng kị vào các ngày 21, 22 (chính) và 23 tháng 2 âm lịch, thu hút hàng nghìn người tham dự. Cứ đến ngày rằm tháng Bảy, Ban Trị sự miếu đều mời những người nghèo tại địa phương đến nhận gạo từ thiện. Đặc biệt, Tết Nguyên đán năm nào miếu cũng có khoảng 5.000 lượt khách tứ xứ cúng bái. Ngôi miếu cổ Ba Thắc trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa tín ngưỡng của địa phương.

(*) Theo Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển

Theo Hoài Phương (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!