Một góc thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa.
Chiêm Hóa là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang, phía bắc giáp huyện Na Hang, phía nam giáp huyện Yên Sơn, phía tây giáp huyện Bắc Quang (Hà Giang), phía tây nam giáp huyện Hàm Yên, phía đông giáp huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Huyện có diện tích 1455 km2 và dân số là 126.000 người (năm 2004). Huyện lỵ là thị trấn Vĩnh Lộc, nơi có con sông Gâm chảy qua theo hướng bắc nam, cách thị xã Tuyên Quang 68 km về hướng bắc. Chiêm Hóa là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan.

Huyện Chiêm Hóa có 18 dân tộc anh em cùng chung sống, nhân dân các dân tộc nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo. Hệ thống các khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng dày đặc với 131 điểm di tích, danh thẳng phân bố tại 23 xã, thị trấn, trong đó 81 điểm di tích đã được xếp hạng.

Đền Bách Thần.
Hệ thống du lịch tâm linh như Đền Đầm Hồng (Ngọc Hội), Đền Bách Thần (Vĩnh Lộc), Đền Pù Chua (Minh Quang), Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Yên Nguyên); các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới đã thu hút đông đảo du khách đến với Chiêm Hóa như lễ hội Lồng tông , Hội chọi trâu, lễ hội Kim Bình, lễ hội Bản Cuống xã Minh Quang, lễ hội Bản Ho xã Phú Bình.

Chiêm Hoá có nhiều dãy núi cao như Khau Bươn, Quạt Phia, Gioòng, Chạm Chu… giữa các vùng đồi núi là những thung lũng, đất đai mầu mỡ với những cánh rừng xanh mướt trải dài, uốn mình giữa non ngàn là dòng sông Gâm trong xanh, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.

Núi Chạm Chu.
Chạm Chu là dãy núi lớn nằm về đông bắc huyện Hàm Yên, tây nam huyện Chiêm Hóa. Nơi đây có con suối Nậm Nương từ trên đỉnh Cham Chu đổ về. Mùa mưa nước suối màu vàng, vì thế mới có tên Nậm Nương - theo tiếng Tày thì nương là vàng. Dãy núi còn bảo tồn được khối lượng và chủng loại tài nguyên thiên nhiên phong phú. Hệ thực vật có các loài nghiến, trai, kháo, sồi, phay, kẹn, đinh, xoan mộc, dâu đất, cà lồ, muồng, sấu, nhội, chò chỉ, chò nâu, xoan đào, giẻ, re xanh, re gừng, vàng tâm...

Voọc tại rừng Chạm Chu.
Hệ động vật, khu hệ thú có 42 loài thuộc 20 họ cùng 127 loài chim, trong đó có 11 loài thuộc loại quý hiếm như  voọc mũi hếch, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, voọc đen má trắng, sói đỏ, beo lửa, báo gấm,  cầy vằn, sóc bay lớn, tê tê. Cũng đã ghi nhận 38 loài bò sát như nhiều loại rắn, rùa núi vàng, ba ba trơn, rùa hộp và 15 loài lưỡng cư. Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu, theo đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Nậm Nương thuộc xã Phù Lưu có diện tích 2.600ha.

Chiêm Hoá có nhiều thắng cảnh đẹp, là điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: Thác Bản Ba, xã Trung Hà; hang Thẳm Hốc, Thẳm Vài, Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn; hang Núi Chùa, hang Mỏ Bài, động Bản Pài xã Minh Quang; thác Lụa xã Hà Lang, Hũa Phỳ; rừng nguyờn sinh trên núi đá Tầng, Biến xã Phúc Sơn......

Thác Bản Ba xã Trung Hà là một danh thắng thiên nhiên trong quần thể các điểm du lịch của huyện Chiêm Hóa. Thác bắt nguồn từ dãy núi đá vôi Khau Nhoi thuộc địa phận Hà Giang cao gần 1000m đổ về cánh đồng Bản Ba phì nhiêu màu mỡ.

Thác Bản Ba.
Dòng thác Bản Ba có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng thác chính: Tát Củm, Tát Cao và Tát Gió. Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao khoảng 5m đến 7m và có nhiều khe nước nhỏ, các vực nước trong xanh có tác dụng điều hoà và phân phối nước. Năm 2007, huyện Chiêm Hóa đã được đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia thắng cảnh Bản Ba và khai trương điểm Du lịch sinh thái thác Bản Ba.

Với những tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, nhiều năm qua các cấp chính quyền huyện Chiêm Hóa đã tìm ra nhiều giải pháp để đưa du lịch của huyện trở thành nghành kinh tế mũi nhọn. Đó là quy hoạch khu du lịch và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nhiều loại hình dịch vụ du lịch thành khu du lịch sinh thái, khu du lịch lịch sử cách mạng; du lịch văn hóa tâm linh.

Hang Bó Ngoặng tại xã Phúc Sơn.
Hiện nay, UBND huyện Chiêm Hóa đã và đang tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển du lịch cho những năm tiếp theo như: thực hiện Đề án xây dựng làng Văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát Then, cọi; quy hoạch và xây dựng điểm du lịch sinh thái hồ Khuổi Chùm (xã Tân An); xây dựng bản đồ du lịch huyện Chiêm Hóa; khảo sát điểm du lịch sinh thái rừng nguyên sinh Tầng, Biến, hang Bó Ngoặng (xã Phúc Sơn); bổ sung tuyến du lịch thăm quan thủy điện ICT Chiêm Hóa... để nhằm thu hút du khách gần xa đến với mảnh đất, con người Chiêm Hóa.

Du lịch, GO! tổng hợp