(TTO) - Vĩnh biệt bè tre

100 ngày trên biển kể từ ngày rời Nhật Bản, lúc này chiếc bè trông như một xưởng tự chế dây nhợ. Chúng tôi phải tìm cách chặn sao cho những cây tre không lỏng tụt ra rồi trôi đi mất.

Thả một dây xuống nước qua khe hở giữa các cây tre ở giữa mảng, rồi dùng cái nêm mở một rãnh kế bên để chờ dòng chảy đưa sợi dây sang bên và nếu nhìn thấy sẽ dùng cọng dây thép cứng câu đầu dây lên. Cách này cho phép chúng tôi buộc thêm được một vài cây tre nhưng chưa đủ. Chúng tôi tập trung vào phần sàn mũi vì tại đó dễ dàng tiếp cận với bề mặt của thân mảng, và cũng tại đó những mối dây mây buộc bị thối rữa nhiều nhất. Chúng tôi cần biết rằng đã có vật liệu và biết cách sửa chữa mảng bởi vì điều đó cho chúng tôi một sự chọn lựa...

Nếu không có gì có thể sửa chữa mảng thì chúng tôi chỉ đơn giản là bắt buộc phải di tản khỏi chiếc bè đang tan rã này. Và chúng tôi miễn cưỡng cảm thấy rằng mình đã hết cách.

Chiếc bè càng ngập sâu xuống nước càng trở nên kém ổn định. Thanh ngang không còn cố định chắc chắn vào những thanh tre bên dưới. Các dây mây buộc đã thối rữa hết. Tôi biết rằng chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu tiến về phía trước, cố gắng giữ cho mảng nổi. Nhưng để làm gì? Để đến được châu Mỹ trên một chiếc bè được gắn buộc với nhau bằng những sợi thừng bện từ dây nilông hiện đại à? Điều đó sẽ phá hỏng quan điểm của cuộc thí nghiệm này.

Tôi nói: “Mục đích của chuyến du hành này là khảo cứu, chế tạo, vận hành một chiếc mảng tre, những trải nghiệm thật sự các điều kiện mà những thủy thủ bè mảng xưa kia từng trải qua, cuộc sống thật của đại dương, và ghi chép lại tất cả mọi điều mà chúng ta có thể làm được. Ngoại trừ những cảnh kết thúc, các bạn đã thực hiện mọi việc rất tốt, và công việc giờ đã hoàn thành. Là thuyền trưởng, tôi có trách nhiệm về sự an toàn của tất cả chúng ta. Và trong lúc mọi người chuẩn bị đồ đạc cá nhân, theo ý kiến của tôi, chúng ta phải di tản khỏi mảng”.

Giọng nói của tôi trở nên thiếu mạch lạc. Tôi cố giữ thái độ khách quan và trình bày rõ ràng nhưng đôi mắt đau nhói tràn nước mắt. Rời bỏ mảng là một quyết định đúng, bởi vậy tôi lại ngạc nhiên khi thấy mình xúc động mạnh như thế. Ngay từ ngày đầu tiên thực hiện dự án này, tôi đã luôn chấp nhận thực tế là chuẩn bị tình huống di tản khỏi bè tre, vậy tại sao tôi lại xúc động như vậy trước quyết định này. Có thể bởi vì dự án đã trở thành một kinh nghiệm máu thịt của tôi, từ khi tìm kiếm tre luồng trên rừng núi Việt Nam, lúc đóng bè mảng trên bãi biển Sầm Sơn, những ngày sống giữa đại dương, hay vô số kinh nghiệm khác không thể nào đếm được. Cuối cùng, chuyến du hành này đã hoàn toàn thâu tóm hết cuộc sống của tôi nên tôi khó mà tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi kết cục của nó.

Là thủy thủ cao tuổi nhất đoàn, Trondur sau một hồi dài ngập ngừng bỗng nói: “Tôi tin là anh nói đúng, Tim ạ. Thật buồn khi phải rời bỏ mảng này giữa biển nhưng chúng ta đã có một chuyến đi tốt đẹp. Tôi thấy thật sung sướng sống trên đại dương”. Tôi định giải thích quyết định của tôi cho Lợi hiểu nhưng thấy không cần thiết. Lợi đã thấy khuôn mặt chúng tôi ra sao. Cậu ta như đau thắt trong tim. “Buồn! Sad! Sad!” - cậu ta thốt ra. “No America”. Có lẽ với Lợi quyết định này là khó khăn nhất. Cậu ta phải trở về Sầm Sơn và giải thích ra sao với những người đã tham gia đóng mảng là tại sao lại không tới được châu Mỹ. “Buồn! Sad!” - Lợi lặp lại.

Bây giờ bè tre ở đâu?

Dùng máy tính xách tay, tôi gõ một thông báo gửi trung tâm thông tin của lực lượng tuần duyên tại Alameda bang California, báo vị trí chính xác của chúng tôi và giải thích rằng vì thấy mảng của chúng tôi nay không còn an toàn nên quyết định di tản khỏi mảng. Tôi gửi điện hai lần, một cho các bạn của tôi tại Bảo tàng Người đi biển nhờ họ chuyển cho lực lượng tuần duyên và một trực tiếp cho lực lượng tuần duyên. Bốn giờ sau, chúng tôi nhận được tin một tàu container Nhật có tên là California Galaxy đã nhận tới giúp.

Vào ngày 16-11, ngày thứ 105, trong khi chúng tôi đang gói những thứ đồ cuối cùng thì Rex hô lớn: “Tàu kìa!”. Và đúng thế, đó là một chiếc tàu container đang thẳng hướng về phía chúng tôi. Người trên tàu nói qua VHF rằng không thể dùng xuồng cứu sinh để đón chúng tôi được. Họ sẽ cố lái cho tàu cặp mạn rồi trực tiếp đưa chúng tôi lên tàu.

Dây phía đuôi đã được cắt. Tất cả chúng tôi đã an toàn, giờ là lúc chiếc mảng của chúng tôi tiếp tục con đường của nó. Tàu California Galaxy bắt đầu lách lên tiến về phía trước và từ từ mảng vượt khỏi mép của chùm ánh sáng đèn rọi rồi chìm trong bóng tối phía sau. Vào lúc đó, cả ba cánh buồm đều no gió và bắt đầu dịch chuyển nhẹ nhàng trên biển. Nó đang tiếp tục hướng về phía châu Mỹ. Cùng với cả năm anh em an toàn, lành lặn trên tàu container, tôi biết rằng đã quyết định đúng khi rời bỏ mảng, nhưng đây là lúc đau buồn kinh khủng. Mảng đã phục vụ chúng tôi suốt 5.500 dặm đường. Giờ là lúc nó ra đi một mình không có chúng tôi. Bóng dáng nó mờ dần trong màn đêm.

Tàu container mất chín ngày để hoàn tất đoạn đường về Tokyo, cùng khoảng cách mà chiếc mảng của chúng tôi phải cần tới 105 ngày. Tại Tokyo chúng tôi tổ chức một bữa tiệc chia tay không phải ở một nhà hàng hay quán bar nào đó mà ngay tại ngôi nhà nhỏ Nina đã mướn. Ngày hôm sau buổi chia tay, Joe đưa Lợi ra tận sân bay Tokyo để kiểm tra xem cậu ta có đi được đúng chuyến bay, và để báo cáo rằng Lợi, một người dân Sầm Sơn chưa bao giờ từng đi xa, đã đi tản bộ thong dong trên sân bay quốc tế. Joe đi tiễn cậu ta với một bản báo cáo y tế kèm theo một yêu cầu viết tay cho các bác sĩ Việt Nam: đề nghị bác sĩ kiểm tra y tế toàn diện cho Lợi tại một bệnh viện và kiểm tra phổi vì e rằng có thể bị nhiễm trùng tiềm ẩn. Vài tuần sau, Trúc gửi cho tôi thông báo rằng Lợi đã khỏe và đã trở về làng như một người hùng.

Khi mọi người đã an toàn trên đường trở về, tôi cũng đáp máy bay về nhà. Khi máy bay rời khỏi phi trường Tokyo, tôi tự hỏi liệu có cơ hội thực hiện cuộc du hành xuyên Thái Bình Dương một lần nữa không? Câu trả lời là không: cuộc du hành đó thật sự là một chuyến đi tốt đẹp, thật thú vị biết bao, đáng nhớ biết bao mà mọi thêm thắt chỉ làm giảm tác dụng.
Bây giờ bè tre đang ở đâu? Đó là câu hỏi mà tôi lặp đi lặp lại nhiều tháng sau đó.

TIM SEVERIN: Vào buổi chiều cuối cùng nhìn thấy tàu California Galaxy, tôi đã có thời gian tìm vài tờ giấy mà tôi dùng ghi nhật ký, loại giấy đặc biệt, khó phân hủy. Dùng loại mực không thể xóa được, tôi viết một số bản với cùng một nội dung. Sau đó Rex gài cố định vào một vài bộ phận bè trước khi chúng tôi từ bỏ nó.

Nội dung thông báo như sau: “Đây là mảng tre mà chúng tôi đã rời khỏi ngày 16-11-1993 tại tọa độ 31,41 bắc 148,27 tây, cách bờ châu Mỹ 1.000 dặm, sau khi đã vượt 5.500 dặm từ Hong Kong. Toàn bộ thủy thủ đoàn an toàn. Ai tìm thấy mảng xin liên lạc với Bảo tàng người đi biển tại NewPort News, Virginia, Hoa Kỳ, thông báo rõ vị trí và ngày tìm thấy. Các ghi chép hay ảnh về tình trạng của mảng sẽ được hoan nghênh. Cảm ơn. Tim Severin, người chỉ huy chuyến du hành”.
Kể từ đó, không ai nghe thấy tin tức gì khác về nó!

Gặp lại giữa Sài Gòn

20 năm sau, thật không ngờ Tim Severin và Lương Viết Lợi lại gặp nhau giữa Sài Gòn...
Tim Severin giờ đây vẫn trông trẻ hơn tuổi thật ngoài thất thập của ông, đơn giản vì ông có sở thích du hành không ngừng nghỉ. Ông đã thực hiện chín chuyến thám hiểm trên khắp các châu lục từ năm 1961 khi ông vừa tròn 21 tuổi, cho đến 1999 ông đã 59 tuổi.

Vận chiếc áo sơmi xám bỏ trong quần tây đen, đội chiếc mũ lưỡi trai xám và mang đôi giày tây đế thấp bằng cao su màu nâu, ông sải những bước dài xuống tàu du lịch Crystal Symphony trong một buổi chiều oi ả với nhiệt độ ngoài trời 36-370C. Chiếc tàu du lịch với sức chứa gần 1.000 hành khách này lưu lại TP.HCM trong ba ngày trước khi nhổ neo đi Hong Kong ngày 4-4-2014. Hai phóng viên Tuổi Trẻ đón ông tại cảng.

Điều bất ngờ cho Tim

“Đây là lần thứ hai tôi đến VN và chuyến đi lần này gợi tôi nhớ những kỷ niệm đẹp, đặc biệt là với con người VN”, ông trầm ngâm. Đôi mắt người đàn ông 74 tuổi long lanh như đang gợi nhớ về khoảng thời gian ông lưu lại Sầm Sơn để đóng bè tre và chuẩn bị cho chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương trên chiếc mảng thô mộc này.

“Người VN rất thông minh, siêng năng và tràn đầy nhiệt huyết. Một khi đã quyết tâm làm gì, họ sẽ làm đến cùng, bất kể thời gian và bất chấp gian khổ”, ông hồi tưởng quá trình làm bè mảng tại Sầm Sơn.

Ông đang chờ đợi một điều bất ngờ khi trên đường đến nhà ông Đỗ Thái Bình, dịch giả quyển sách Bè tre VN du ký - 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương của Tim Severin...
Bước xuống xe, ông chỉ vào căn nhà trước mặt, hỏi phóng viên Tuổi Trẻ: “Đây là nhà Bình?”.

Ngay sau đó ông Bình xuất hiện và mở cửa đón Tim. Sau khi chào xã giao, ông Bình chỉ tay về phía một người đàn ông trung niên tay cầm một bó hoa từ nhà trong bước ra nói: “Đây, đây chính là điều bất ngờ”.

“Tim!”. “Loi!” - Tim kêu lên tên Lợi (Lương Viết Lợi là thủy thủ VN duy nhất tham gia chuyến thám hiểm) bằng giọng lơ lớ. Hai người ôm chầm lấy nhau. Họ, hai con người, hai quốc tịch, nói hai ngôn ngữ khác nhau, đã sống chết cùng nhau trong 105 ngày trên chiếc bè tre vượt Thái Bình Dương hơn 20 năm về trước.

Sau hơn hai thập niên, người chỉ huy nay đã cao tuổi với mái tóc bạc trắng và dáng vẻ không còn oai vệ như xưa. Người thủy thủ nay cũng trở thành người đàn ông cuối tuổi trung niên. Nhưng dường như chuyến đi năm xưa nay vẫn trở thành những ký ức đẹp mà họ có thể ngồi hàng giờ để kể lại cho con cháu.

Một chút hối tiếc...

Cuộc gặp kéo dài hơn ba giờ này trong phút chốc gần như trở thành cuộc hội thoại giữa hai người. Họ trao đổi với nhau bằng thứ tiếng Anh chuẩn mực của Tim và tiếng Anh “bồi” của Lợi, người mà - theo dịch giả Đỗ Thái Bình - là một “anh nhà quê thứ thiệt” chưa đi ra khỏi làng quê mình trong suốt 56 năm cuộc đời, trừ chuyến đi vượt Thái Bình Dương, và chuyến vào TP.HCM để gặp lại Tim lần này. “Không lời lẽ nào diễn tả được niềm vui của tôi khi được gặp lại Tim sau ngần ấy năm” - ông Lợi nói.

“Hồi ấy, khi Tim hỏi tôi là ông ấy sẽ vượt Thái Bình Dương trên mảng Sầm Sơn, liệu Lợi có đi không, tôi trả lời ông rằng ông đi được thì tôi cũng đi được, với tâm niệm cái gì người nước ngoài làm được thì người VN cũng làm được”. Câu nói định mệnh ấy đã gắn kết hai con người tưởng chừng rất khác nhau ấy lại với nhau.

Tim nhận định rằng Lợi là người năng nổ và thạo việc nhất trong số những người tham gia đóng mảng, những người luôn bắt đầu công việc từ sáng tinh mơ. “Vậy nên khi Lợi nói với tôi rằng anh ấy muốn tham gia chuyến hành trình, tôi cảm nhận một điều gì đó rất đặc biệt sẽ đến vì tôi biết anh ấy là người xuất sắc nhất”.

Bè mảng và các bộ phận điều khiển như buồm, dây và xiếm trông bề ngoài đơn giản như thế, thực tế lại là một kết cấu rất phức tạp và cần những thủy thủ thật sự giỏi để điều khiển nó một cách thuần thục. Chính những ngư dân Sầm Sơn như Lợi mới là những người đủ kỹ năng và kinh nghiệm điều khiển loại phương tiện này, những kỹ năng rất khác so với việc điều khiển tàu bè thông thường. “Trong lúc ở Sầm Sơn tôi có chụp hình lại đội hình bè mảng của dân địa phương ra khơi đánh cá, và những bức ảnh đó là minh chứng hùng hồn nhất cho điều này”.

“Chỉ với bè mảng, một loại phương tiện vô cùng ổn định và không bị sóng đánh ngả nghiêng khi chạy trên mặt nước, cùng với những thủy thủ lành nghề, mới giúp chúng tôi vượt biển an toàn và tránh nguy cơ bị sóng to làm lật úp” - Tim lý giải.

Tim cầm sợi dây mây được ông Lợi mang vào từ Thanh Hóa nói: “Rất đơn giản, cũng với vật liệu ấy, mô hình kết cấu ấy, cách đóng ấy, chỉ khác là tất cả các sợi mây dùng để buộc các thanh tre sẽ được xử lý kỹ hơn, nhúng qua nước sơn để bền hơn khi ngâm trong nước biển lâu ngày”.

“Nếu đi lần nữa, chúng tôi sẽ đến được đất Mỹ, chắc chắn, vì nguyên nhân chính khiến tôi phải ra quyết định rời bỏ mảng lần trước là do các dây mây buộc nối các thanh tre mục rã dần do không được xử lý kỹ như đã làm với các cây tre dùng làm mảng. Tuy Lợi khăng khăng là mảng còn đi được khoảng một tháng nữa, nhưng vì sự an toàn của các thành viên trên mảng, tôi phải ra quyết định khó khăn ấy”.

Tim Severin đùa rằng ông sẽ thử nghiệm chuyến đi này một lần nữa, với điều kiện ông đã không từng đi một chuyến rồi, nhưng ông Lương Viết Lợi khẳng định rất đanh thép: “Nếu Tim còn đủ sức đi một chuyến nữa, tôi sẽ đi cùng ông”.

Còn dịch giả Đỗ Thái Bình cho hay yếu tố con người là điều ông thích nhất trong quá trình dịch quyển sách này. “Tim đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò một nhà tổ chức, một người lãnh đạo uy tín, có khả năng đoàn kết một tập thể gồm nhiều con người đến từ nhiều đất nước và nền văn hóa rất khác nhau, đặc biệt trong đó có Lợi, người đóng vai trò chính trong việc lèo lái con tàu, lại không được học hành đến nơi đến chốn như những người khác”.

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7

TIM SEVERIN
Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch - Báo Tuổi Trẻ

Ông Đỗ Thái Bình xuất thân là một kỹ sư đóng tàu, sau đó làm hàng hải và nghiên cứu chuyên sâu về hai mảng này trong suốt mấy chục năm. Ông cho rằng tinh thần hàng hải của dân tộc mình cần được biết đến và khuếch trương bằng nhiều cách.

“Trong khả năng của mình, vì tuổi cũng đã cao, tôi chọn việc dịch sách và trong năm nay sau quyển Bè tre VN du ký - 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương, tôi sẽ dịch thêm hai quyển sách của hai tác giả Pháp viết từ đầu thế kỷ trước là Thuyền buồm ở Đông Dương và Thuyền và ngành đóng tàu của VN. Đây là những công trình của người nước ngoài nghiên cứu về thuyền bè VN rất chi tiết, sâu sắc và khoa học” - ông cho biết.

“Cái đáng buồn hiện giờ là hai ngành khoa học là dân tộc học hàng hải và khảo cổ học hàng hải của VN chỉ là con số không. Một dân tộc biển như người VN sẽ chỉ thật sự mạnh khi ngoài những tàu chiến, chúng ta còn phải phổ cập bơi lội, lặn, chơi thuyền buồm, lòng ham thích say mê đi biển, có những nhà khảo cổ sẵn lòng lặn sâu xuống biển tìm hiểu truyền thống đi biển xa xưa của dân tộc mình”.

“Chính một dân tộc biển với tinh thần hàng hải như thế là cơ sở để giữ gìn chủ quyền biển đảo của mình bền vững và dài lâu”.
----
Du lịch, GO!