(DTO) - Vào dịp chính lễ, tại Tây Thiên sẽ diễn ra lễ hội Đại Bảo tháp Tây Thiên; vũ hội hoa đăng sẽ được hàng trăm ni sư chùa Phù Nghì trình diễn cùng hàng ngàn ngọn nến lung linh được xếp hình Mandala tại sân trung tâm thuộc khu Danh thắng Tam Đảo - Vĩnh Phúc.

Theo thông báo mới nhất từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Lễ chính hội Tây Thiên sẽ chính thức được diễn ra từ 14-16/3 (tức14-16/2 âm lịch) tại thôn Đền Thỏng, xã Đại Đình, Tam Đảo - Vĩnh Phúc

Tây Thiên là nơi thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.

Theo thông lệ, cứ vào dịp Rằm tháng hai âm lịch hàng năm, hàng vạn du khách, phật tử thập phương tìm về Tây Thiên để hoà mình cùng đồng bào người dân tộc Sán Dìu, nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc để tham dự vào các nghi lễ, các hoạt động văn hoá tâm linh truyền thống tại địa phương.

Và rồi, hoà trong sắc cờ, tiếng trống chiêng rộn ràng nơi quê hương Mẫu mẹ Tây Thiên, người dân thành kính sẽ dâng lên Quốc Mẫu ném hương để bày tỏ tấm lòng thành kính, nhằm khẳng định truyền thống tốt đẹp và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày với các nghi thức lễ tế mang đậm nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Đáng chú ý, tại Lễ hội Tây Thiên, thường niên vẫn diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: cuộc thi làm bánh chưng, bánh dày, thi nấu cơm, thi hát dân ca của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, thi kéo co, chọi gà...

Về phần nghi thức, Lễ hội Tây Thiên mang những nét độc đáo riêng như: Lễ Cáo, lễ tạ, lễ rước và lễ dâng hương. Lễ vật không thể thiếu khi dâng Mẫu mang đậm nét riêng của núi rừng Tây Thiên đó là: hoa quả, một mâm xôi, oản, gạo, trứng, một con lợn quay và hoa huệ trắng

Theo đó, Lễ rước sẽ có 3 đoàn là Kiệu văn đền Mấu Sinh, kiệu Văn đền Mẫu Hóa và kiệu Bát cống đền Ngò, đoàn rước gồm trên 100 người dân địa phương rước từ Đền Mẫu Sinh đến đền Thõng dài khoảng 4.000 m.

Nghi thức lễ tế rất trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc như: Rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất giang sơn.

Nét đặc biệt của lễ hội Tây Thiên là các làn điệu soọng cô, hát chầu văn của nam thanh, nữ tú dân tộc Sán Dìu. Những lời ca, tiếng hát hòa cùng nhạc cụ truyền thống thể hiện sinh động đời sống tinh thần của nhân dân, ca ngợi công lao Quốc Mẫu Tây Thiên.

Theo Trà My (Dân Trí)
Du lịch, GO!