(Tiếp theo) - Rời Lý Nhơn với ý định trở ra An Thới Đông vì mình không còn đủ can đảm để chạy theo con đường khi nãy (chỗ có cái trụ mở cống và xe cạp đất) vì đã chạy hướng đó lần 2 rồi.

Đi lang thang (đi gần nên chả dám nói 'phượt') mà chỉ chạy một con đường nhưng đi đến lần 3 thì... í ẹ quá! Phương châm phượt là tốt nhất nên đi một đường, về một ngõ. Đây chả phải phượt nhưng cứ đi đi về về trên cùng lối thì... chán pà kố.

Vậy nhưng cái bất ngờ vẫn đến nhờ sự tinh mắt của 'nửa kia'. Cái này sẽ kể trong phần ghi trong chú thích của từng ảnh, còn phần chữ đen trong bài này mình sẽ tản mạn một chút về vùng đất ni.

< Một trong nhiều cánh đồng của dân. Không phải ruộng, chả phải hồ mà là đồng muối - bạn thấy muối được vun đống, trắng phau...

Lý Nhơn là một xã thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Lý Nhơn bạn nghe quen quen?

Có thể là vậy vì ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thuộc vùng Nam Trung Bộ cũng có một xã trùng tên nhưng... ngược lại là Nhơn Lý. Đây là vùng đất nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp mà ta có thể tạm kể qua như Eo Gió, đồi cát Nhơn Lý, núi Đá Đen...

< Cảnh vật trên đường trở ra, nhưng không lâu nữa thì mình sẽ bất ngờ.

Nhơn Lý ngoài kia là bán đảo thì Lý Nhơn ở đây cũng vậy, nói chính xác hơn là 'xã bán đảo' trên huyện... đảo Cần Giờ. Gọi là huyện đảo Cần Giờ, về mặt địa lý không chuẩn nhưng thiệt ra cũng chả sai bởi từ trung tâm TP.HCM đi về hướng Đông - Nam: Cần Giờ nằm bên kia sông Nhà Bè. Vây quanh và ngay trên địa bàn huyện lại có 7 con sông lớn, hàng trăm con rạch chằng chịt ngang dọc, chiều dài tổng cộng 756km, chia mảnh đất có diện tích 714km² này thành 69 cù lao, và 12km bờ biển.

< Mình chăm chú nhìn đường, thỉnh thoáng ngắm cảnh vật, còn bà xã vừa quan sát vừa chụp. Đột nhiên nửa kia la to 'Đây rồi anh ơi, rẽ vô ngõ này đi'. Đây là một ngã 3 trên đường Lý Nhơn (vị trí).

Trên mảnh đất ấy, xã Lý Nhơn nằm ở phía Tây Nam huyện với một vùng đất mặn mòi với những địa danh nghe hoang sơ như thời cha ông mở cõi về phương Nam, trên 300 năm trước, như Doi Lầu, Tắc Cá Cháy, Mương Thông, Đuôi Chồn, Kinh Kê... vẫn còn tồn tại các tên gọi ấy đến ngày nay.

< Muốn rẽ thì rẽ: hóa ra cô ấy nhìn thấy chiếc... xe cạp và tháp cống (khi nãy mình đã tới) tít từ xa, 'cưng' tinh mắt thiệt, ha ha...

Xã Lý Nhơn rộng 15.815ha, chiếm 22% diện tích của huyện với trên 5.500 dân, bị kẹp giữa hai con sông lớn là Soài Rạp và Đồng Tranh. Đây là nơi vừa có biển, vừa có rừng, vừa có ruộng lúa, ruộng muối nên người dân tại đây cũng có ba nghề chính: đánh cá, làm muối, làm lúa. Nói huỵch tẹc ra thì nghề nào cũng kiếm được tiền, tuy không nhiều. Còn nghề nuôi tôm thì có thu nhập cao nhưng vốn liếng cũng cao, lại không ít rủi ro.

< Đến đầu đường phía trong thì gặp cái cống thật...

Hồi đó, Lý Nhơn từng nằm trong danh sách 20 xã nghèo trọng điểm của thành phố. Lý Nhơn nghèo vì là xã vùng sâu, lại càng xa vì sông, đò cách trở.

Đường về xã hồi ấy chỉ có một tuyến độc đạo dài hàng chục cây số, lầy lội lúc trời mưa, bụi mịt mù khi trời nắng, ổ gà, ổ voi luôn thách thức người cầm lái các loại xe...
< Còn chiếc xế cạp ở đây (vị trí). Làm gì có chuyện trùng lắp 'vừa cạp, vừa cống' ở một điểm, vậy rõ ràng đây là cái chốn mà bọn mình đã đến khi nãy. Vậy là bọn mình có cơ hội khám phá tiếp con đường mới ven sông rồi đây, kha kha...

< Từ ngã 3 trong đây chụp ra phía ngoài, nơi mình vừa chạy vào: đường nội đồng nhưng phẳng phiu chưa?

... Năm 2009, khi Hợp tác xã muối Tiến Thành lắp đặt dây chuyền sản xuất muối tinh, đường giao thông quá xấu nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị phải đi bằng đường sông!

Khi phải thay một chiếc mô-tơ, công nhân phải dùng xe hai bánh, vật lộn với tuyến đường lầy lội, trầy trật mãi mới mang về xưởng được.
< Tên đầu sỏ nè. Lúc ấy thì mình hoàn toàn mù tịt (vì có xem bản đồ trước đâu), chỉ chạy theo suy đoán, may mà có con mắt tinh tường của 'nửa kia' - tặng cưng một huy chương nghen, hi hi...

Hợp tác xã còn vậy nên dân khi ấy thì vất vả trăm bề. Muối dân làm hồi đó theo công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra chủ yếu là muối thô với nhiều tạp chất, hàm lượng Nacl thấp, năng suất không ổn định...

< Rồi lại lên xe, chạy từ 'ngã 3 cũ' vào 'con đường mới'. Đường này dẫn đi đâu? Bọn mình nghĩ là nó sẽ kéo dài ra khoảng gần cầu Vàm Sát. Thôi thì cứ đi và thưởng thúc cảnh vật cái đã!

... Đã vậy, có năm trúng sản lượng lớn tới 50 ngàn tấn nhưng đường vận chuyển khó khăn, giá cả đã bấp bênh lại thường bị tư thương vịn vào chi phí vận chuyển cao để ép giá, bán rẻ hơn bèo.

< Đẹp đó chứ? Không bóng người khiến khung cảnh càng tuyệt hơn! Nhìn hao hao như đoạn lộ khi ở B'Lá - Lộc Bắc hay một nơi nào đó ở Quảng Nam...

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngành muối chưa được đầu tư đúng mức, hệ thống kênh mương vừa thiếu vừa xuống cấp, bà con chủ yếu phụ thuộc vào thủy triều để tận dụng dòng chảy dọc bờ bao để lấy nước vào ruộng nên luôn bị động. Hạt muối làm ra nhưng hệ thống kho trữ tạm bợ, không an toàn trong mùa mưa bão, tỷ lệ hao hụt muối nhiều càng làm cho đời sống của nông dân khó khăn thêm.

< Hình như phía trước lại là một trụ cống xả: kênh mương nội đồng ở Lý Nhơn hiện nay khá hoàn chỉnh rồi.

Thời điểm năm 2010, xã có 1.446 hộ dân thì 547 hộ, chiếm tỷ lệ 37,8% nằm trong diện đói - nghèo. Nhà ở của nhân dân phần lớn là tranh tre dột nát. Trường học, trạm y tế xuống cấp, tỷ lệ trẻ bỏ học giữa chừng cao, phần lớn nhân dân chưa được dùng nước sạch...
< Vậy thì dừng 'ngựa sắt' ngắm cảnh vật. Đây là con lạch dẫn nước nội đồng.

Rồi như bừng tỉnh: Là một trong những xã đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Lý Nhơn hoàn toàn thay đổi. Đường về xã được trải nhựa, chưa dám nói là phẳng lỳ nhưng hoàn toàn êm thuận.

< Đây là tháp xả cống từ nội đồng ra con sông Soài Rạp bự chảng ngoài kia. Trên tháp có cái tên... phượt chiếm hữu.

Không chỉ lộ Lý Nhơn dài hơn 20 km được nâng cấp mà thêm một tuyến nữa chạy dọc bờ sông được làm mới hoàn toàn (chính là con đường mình đang đi đây), rút ngắn khoảng cách về trung tâm xã gần năm km. Con lộ mới có cao trình vượt lũ, cũng được trải nhựa phẳng phiu.

< Từ trên ấy mình chụp xuống phía dưới. Cao ghê, như cao ốc 40 tầng nhưng chỉ mới lên... tầng 1.

Cùng với các trục đường liên xã, tất cả các tuyến đường liên ấp, nội ấp, thậm chí nội tổ dân cư đều được mở rộng, nâng cấp từ đường đất lên đường bê-tông.

Ngoài ruộng, tám tuyến đường trục nội đồng có tổng chiều dài 23,8 km cũng được nâng cấp cùng hệ thống kênh mương nội đồng.

< Hồ liền hồ, to bé, dài ngắn đủ kích cỡ. Tít phía xa là một góc rừng Sác.

Tính ra, chỉ trong vòng ba năm, Lý Nhơn đã làm mới, nâng cấp 65,6 km đường giao thông. Để có những con đường này, 948 hộ dân đã tình nguyện hiến hơn 248.569 m² đất mở đường.

Tính thành tiền thì số đất bà con tự nguyện đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong xã lên đến 36 tỷ đồng. Nếu tính cả cây trồng, công trình xây dựng trên đất thì giá trị còn cao hơn nữa.

< Còn đây là hướng dòng Soài Rạp, cách dòng sông chỉ 130m nhưng nhìn sao xa quá, đã vậy còn bị cây bụi che khuất.
Nhưng không sao, khi nãy đá ngắm sông rồi.


< Lên thang múa võ một hồi rồi phải xuống thang: thang máy hiện đại nha, muốn 'máy' thì vịn 2 tay cầm, hổng chân rồi phi xuống.

Trong sản xuất thủy sản, nhờ các chính sách ưu đãi về vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nuôi trồng thủy sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... sản xuất, kinh doanh của bà con nông dân Lý Nhơn bắt đầu khởi sắc.
Trong sản xuất muối, với phương thức canh tác trên ruộng trải bạt, năng suất, chất lượng hạt muối Lý Nhơn tăng lên rõ rệt.

< Lên xe đi nào! Mé bên kia có một loạt ao tôm được quây lưới chống địch hại kín, cả phía hông lẫn phía trên.

Được vay vốn, hàng trăm hộ diêm dân mua bạt, làm theo kỹ thuật mới trên diện tích 370 ha. Trên ruộng trải bạt, muối kết tinh nhanh hơn. Do rút ngắn quy trình sản xuất, quay vòng nhanh nên năng suất đạt tới 70 tấn/ha/vụ...

< Không biết bạn nghĩ sao chứ mình 'cảm' mấy con đường như thía này. Thử hỏi, nếu không còn hai vệt cỏ úa ven đường, không còn cái cây trơ trụi... thì cái 'cảm' đi tong.

< Liên tiếp các hồ tôm, chỗ này cũng quây lưới nhưng không 'bít bùng' mọi phía như dưới kia.

< Một cư dân ở đây. Ý mình nói là... chú chim trên cành cây.

Hạt muối giờ đây không lẫn tạp chất, tỷ lệ Nacl cao tới 98%, giá bán cao hơn từ 10 đến 12% so với muối thường.
Từ hạt muối thô của bà con nông dân trong xã, qua dây chuyền chế biến của Hợp tác xã Tiến Thành sản phẩm muối Lý Nhơn với khá nhiều mặt hàng như muối tinh, muối sấy, muối i-ốt... mẫu mã đẹp có mặt ở hệ thống các siêu thị trong thành phố.

< Qua một khúc cua thì bắt đầu thấp thoáng vài bóng nhà.

< Nhà không nhiều nhưng cây xanh lại vô số, xanh mát.

Chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao, đường giao thông thuận tiện, làm cho giá trị sản phẩm hàng hóa của nông dân Lý Nhơn tăng lên đáng kể. Đầu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Lý Nhơn chỉ 15,8 triệu đồng thì đến năm 2013 đã nâng lên 30,7 triệu đồng.

< Cuối cùng gặp đường cắt ngang, nhìn ngược lại góc thấy con đường mình vừa đi có tên 'Đê Soài Rạp'...

Cả xã không còn nhà tranh tre dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37,8% xuống còn 13,6%. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây mới, 99% số hộ dân được dùng nước sạch, điện lưới; điện thoại, mạng internet phủ khắp... đời sống vật chất, tinh thần của bà con tăng lên rõ rệt.

< Còn con lộ cắt ngang ngoài đây chình là Lý Nhơn, ngay góc có Nhà Văn hóa ấp Lý Hòa Hiệp (vị trí).

< Vậy là hoàn tất việc khám phá những cung đường của xã Lý Nhơn rồi nhé. Bây giờ thì trở ra An Thới Đông vậy - Ra đấy thì chỉ có độc con đường này vì Rừng Sác là rừng được bảo vệ (dù nó vẫn bị xâm lấn).

< Lúc này đồng hồ vừa vượt 9h ngày 7/3/2014. Không quá trễ, lại quá sớm cho một buổi trưa.

Ngày nay, từ trục mang tên Rừng Sác thênh thang bốn làn xe, ta rẽ phải, đi thêm bằng ấy cây số nữa, qua những khu rừng đước 30 năm tuổi xanh ngút ngàn, qua những ao tôm rộng lớn nước phun trắng xóa từ những xa quạt sục khí,...
< Từ những dạng cây bụi, cây trồng hai bên đã bắt đầu chuyển qua rừng dừa nước...

... qua những cánh đồng làm muối ngập nước mưa (bởi đang là mùa muối không trắng đồng) là đến trung tâm xã Lý Nhơn, cũng là đến nơi tập trung đông dân cư nhất phía đông huyện... và các bạn sẽ thấy Lý Nhơn đã thay đổi như thế nào so với 30 năm trước.
Dân chưa thiệt giàu thật, nhưng cái khó ngày xưa giờ đây đã là quá khứ rồi.

< ... rồi đến rừng đước: một trong vài loài cây đặc trưng của Rừng Sác.
Bây giờ trở về Bình Khánh rồi qua phà về nhà à? Không đâu, cuối mùa xoài, ta xuôi về Cần Thạnh cho em lựa vài tấn, á quên! vài ký.
Nơi ấy cũng có thứ mắm cá cơm nguyên chất không pha mà nửa kia rất khoái.

Bạn nhớ nhé, khi đi Cần Giờ đừng quên món đặc sản bình dân này nha. Mua ở đâu, ngon đến thế nào thì phiền bạn xem bài sau nhé - vẫn còn nhiều điều lý thú lắm.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!