(PLO) - Đường lên Tà Tổng bây giờ vẫn có thể làm nản lòng bất cứ ai, nhất là những người không quen đường núi. Thế nhưng, cách đây chưa lâu, Tà Tổng gần như là ốc đảo bởi giao thông chia cắt, muốn vào đến trung tâm xã, phải  đi bộ 18 km đường núi. Ở Tà Tổng hôm nay, khó khăn còn chồng chất, nhưng xã núi đang vươn mình đổi mới…

Đường lên Tà Tổng bây giờ vẫn có thể làm nản lòng bất cứ ai, nhất là những người không quen đường núi. Thế nhưng, cách đây chưa lâu, Tà Tổng gần như là ốc đảo bởi giao thông chia cắt, muốn vào đến trung tâm xã, phải  đi bộ 18 km đường núi. Ở Tà Tổng hôm nay, khó khăn còn chồng chất, nhưng xã núi đang vươn mình đổi mới…

1. Tà Tổng nằm trên độ cao khoảng 1500m so với mặt nước biển, rộng gần 51,5 ha, giao thông đi lại thuộc hàng khó bậc nhất của huyện Mường Tè. Dân số khoảng 700 hộ với khoảng 5640 khẩu với 4 dân tộc anh em sinh sống là người Mông (95%), Hà Nhì (5%) còn lại là người Kinh và người Mường, sống tập trung ở 10 bản.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Công Sự - cán bộ người Kinh duy nhất ở Đảng ủy xã – giới thiệu với chúng tôi như vậy. Anh Sự trước là giáo viên cấp 2, vừa sang tham gia công tác Đảng được chừng 2 năm nay. Là người quê Ninh Bình, năm 2004 anh Sự tốt nghiệp Sư phạm rồi lên Mường Tè, đến tận Tà Tổng, ở lại đến hôm nay.

“Từ năm 2008 về trước, muốn đến Tà Tổng, chỉ có cách cắt rừng cắt núi đi bộ” – anh Sự kể - “Không phải đường mà chị vừa đi đâu, đường ngày trước phải đi từ thị trấn Mường Tè xuôi về, tới cảng Bô lếch thì đi vào, xe máy đi được thêm 5km nữa, từ đó đi bộ 18 – 20km đường dốc lên đây”.

Mỗi lần cán bộ xã muốn xuống huyện họp, đi bộ mất cả ngày đường. Thầy cô giáo lên cắm bản, hoặc là rất ít khi về thăm nhà, hoặc là không chịu nổi về là về luôn. “Thế nên xã cũng rất ít khi có khách, nhất là khách nữ” – anh Sự cười – “Hàng hóa lên đến Tà Tổng phải gùi, phải cõng, phải dùng ngựa thồ, toàn của một đồng công một nén hết”.

Ngoài cung đường mà anh Sự vừa kể, bao năm trời bà con người Mông, Hà Nhì ở Tà Tổng cũng chỉ biết thêm mỗi cách vòng qua Mường Nhé, Điện Biên, đường cực dốc, trơn và nguy hiểm, đến mùa mưa thì chỉ có thể đi bộ. Do vậy, suốt cả một thời gian dài, người Tà Tổng gần như sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Về sau, để phát triển kinh tế - xã hội cho Tà Tổng, Nhà nước cho mở đường từ tỉnh lộ 127 lên Tà Tổng. Giờ đây, đó là huyết mạch giao thông từ thị trấn Mường Tè và các xã thấp lên xã núi Tà Tổng, từ tỉnh lộ 127 đi qua cầu treo khá đẹp là Nậm Khao, ngược vào con đường nhỏ rải đá cấp phối giữa lau lách ngược lên trên đỉnh núi.

Đường từ cầu treo Nậm Khao xong từ năm 2006, nhưng đến tận 2008 thì đường lên Tà Tổng, gồm thêm khoảng 6 km gần xã, mới được thông thực sự. Thời điểm thông đường đánh dấu việc chấm dứt thời gian bị biệt lập của Tà Tổng với bên ngoài.

Giờ đây, dù con đường chỉ đủ 1 ô tô đi rất thận trọng, một bên núi cao một bên vực sâu hun hút phía dưới là dòng sông Đà, nhưng dẫu sau xe ô tô cũng đã có thể đi từ thị trấn Mường Tè lên tận trung tâm xã Tà Tổng, giải phóng sức người sức ngựa, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rất nhiều.

2. “Năm 2012, đời sống nhân dân mặc dù đã được cải thiện, song số hộ đói nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 63%. Thu nhập đầu người khoảng 3 triệu đồng/năm. 20 % số hộ vẫn phải sống tạm trong nhà tre nứa” – anh Sự tư lự - “Tỷ lệ số hộ tái nghèo còn cao, ví như năm ngoái, có khoảng 35 hộ tái nghèo. Tỉ lệ tái mù chữ còn nhiều, nhất là phụ nữ”.

Số người dân ở Tà Tổng nghiện thuốc phiện còn khá cao, 215/5638 người, chiếm 3,8% dân số. Đó cũng là một tỷ lệ “dễ hiểu”, là một “tồn tại lịch sử”, bởi Tà Tổng xưa kia vốn nổi tiếng là nơi có thuốc phiện ngon nhất vùng Tây Bắc. Chính quyền cũng phải nỗ lực lắm mới kiềm chế được ở tỷ lệ này.

Trong khi đó, đại đa số nhân dân là người dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng sức người và các công cụ sản xuất thô sơ, năng suất cây trồng chủ yếu dựa vào thiên nhiên, sản lượng cây trồng không ổn định. Các tiến bộ khoa học chưa được áp dụng nhiều, kết hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không ổn định, thiên tai dịch bệnh đã gây không ít khó khăn cho đời sống sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó còn bộ phận không nhỏ nhân dân  còn trông chờ ỉ lại vào các chế độ chính sách, hỗ trợ của nhà nước.

Bấy nhiêu vấn đề ngổn ngang khiến cho chính quyền huyện Mường Tè nói chung, xã Tà Tổng nói riêng đau đầu tìm cách giải quyết. “Bộ đội đã thành lập hẳn những đội công tác cơ sở, lên giúp đồng bào kỹ thuật canh tác tăng năng suất, ổn canh ổn cư. Chính quyền cũng nỗ lực tuyên truyền giúp đồng bào chuyển đổi cây trồng phù hợp” – anh Sự nói – “Đặc biệt, thời gian gần đây, với việc mở đường, giao thông thuận tiện hơn, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật của xã tốt hơn, và vì thế bà con cũng có điều kiện tiếp xúc với những thông tin mới, kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp”.

Những thay đổi có thể nhìn thấy, bắt đầu từ trung tâm xã Tà Tổng. Bên cạnh những mái nhà lợp tôn, bản Tà Tổng đã khang trang hơn với những ngôi nhà gỗ chắc chắn. Nhiều công trình hạ tầng đang được xây dựng, nâng cấp, như trường THCS, nhà bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, trụ sở UBND xã và trạm y tế xã, trạm cấp nước... Dưới ánh nắng nhạt chiều đông, khu vực hành chính mới xây dựng, gồm có trụ sở hành chính, trạm y tế, nhà văn hóa… hiện ra sáng bừng giữa vùng rừng núi, như một sự kỳ vọng về tương lai sáng tươi.

3. Thế mà từ lâu anh Sự, cùng những người xuôi như anh, không còn nói là “lên Tà Tổng” nữa, mà đã kể là “về Tà Tổng” một cách hết sức tự nhiên, thân thương. Nếu như ngày trước trong khu vực chỉ có 1 trạm viba của VNPT phục vụ công tác liên lạc toàn vùng, cả xã chỉ có 2 máy điện thoại, 1 máy chung của xã, 1 của tư nhân, thì năm 2009 đã có sóng di động Viettel, năm 2011 có sóng điện thoại VinaPhone. Từ khi mở đường, các hạng mục xây dựng được thi công, dù chi phí vận chuyển vẫn còn khá đắt đỏ.

“Từ nay tới năm 2015, tỉnh sẽ cho tu sửa đường từ xã về huyện” – Phó Bí thư Nguyễn Công Sự cho biết – “Khi Dự án đường Tây Sông Đà qua Tà Tổng do Sở Giao thông Vận tải Lai Châu làm chủ đầu tư thông sang Mường Nhé được tiến hành, giao thông cũng sẽ thuận tiện hơn”.

“Muốn địa phương phát triển vững bền, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao dân trí” – anh Sự chia sẻ như một sự lý giải về gắn bó của mình ở Tà Tổng – “Chính vì thế, ngay cả khi Tà Tổng còn là một địa bàn cách trở, thì việc đầu tư cho trường học, cho giáo dục, là điều được địa phương hết sức quan tâm”.

Cả xã hiện có 14 bản, bản gần nhất là Nà Chồ cách trung tâm xã 5km, bản xa nhất là Tia Ma Mủ cách trung tâm xã tới 70km. Vì thế, được về trung tâm xã học, được ở trong Nhà bán trú chắc chắc do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam vừa hỗ trợ xây dựng cách đây chưa lâu, Giàng A Dam (lớp 6B), Hàng A Tủa (lớp 9A), Hà A Ly (lớp 7A) – những cậu bé người Mông ở bản Nậm Dính cách trường 5 giờ đi bộ mừng lắm. Các em, cùng với hàng trăm bạn người Mông ở trường THCS Tà Tổng, có cơ hội học cao hơn, mở mang kiến thức, tích lũy thông tin khoa học, và sẽ xây dựng Tà Tổng phát triển, không còn ám ảnh bởi đói nghèo nữa…

Theo Hoàng Thùy (báo Pháp Luật)
Du lịch, GO!